Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
NS Quang Tèo: Hồi đi học tôi hay phải quét chuồng lợn
An Yên - 23/01/2014 07:28
 
Táo Môi trường Quang Tèo ôn lại một thời đi học nghịch ngợm, trốn về nhà ăn cơm nguội bị phạt phải quét chuồng lợn. >>>
TIN LIÊN QUAN

- Sau Đại gia chân đất, anh lại tái xuất với vai Táo Môi trường trong chương trình Táo quân của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC?

Sau Đại gia chân đất, Tết này tôi tiếp tục tham gia chương trình hài kịch Táo quân của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Nếu như năm ngoái được làm Táo nông nghiệp với lúa ngô khoai sắn thì năm nay hóa thân thành Táo Môi trường, báo cáo trước Ngọc Hoàng những gì đã làm được và những gì còn tồn tại ở lĩnh vực môi trường trong năm qua.

Cũng như tất cả các Táo khác, Táo Môi trường cố gắng hết lòng đưa đến cho người dân những vấn đề nổi cộm về môi trường trong năm qua, như việc xả rác, chặt cây cối để xây đập thủy điện, xả lũ…dưới lăng kính hài hước nhất.

Vừa mang lại tiếng cười vui vẻ ngày cuối năm, vừa là cách để nhìn nhận thẳng thắn, trực diện những vấn đề còn tồn tại một năm đã qua, hướng tới năm mới thành công hơn.

Quang tèo

Nghệ sỹ Quang Tèo trong chương trình Táo quân VTC.

- Theo anh sức nặng của vai diễn Táo quân đến mức nào, có đủ đánh động xã hội trước những bất cập còn tồn tại?

Tôi nghĩ rằng, bản thân chương trình Táo quân đã là những tiếng cười phản biện xã hội, đề cập thẳng thắn, không né tránh đến những bất cập còn tồn tại trong năm qua.

Không nhằm mục đích ‘vạch áo cho người xem lưng’, mà tiếng nói của cáo Táo góp phần đánh động xã hội, để những người có trách nhiệm cùng vào cuộc, giải quyết những gì còn chưa làm được, và chưa triệt để, để cùng hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

- Có thể nói, chương trình hài kịch Táo quân đã trở thành thương hiệu của VTV, anh có sợ mình bị so sánh với các danh hài Táo quân VTV khi tham gia vào chương trình vẫn còn khá non trẻ của nhà đài VTC?

Nói chương trình Táo quân của VTC non trẻ hơn so với VTV là đúng thôi, vì mình sinh sau mà. Thêm nữa là lực lượng tham gia chương trình của nhà đài VTC cũng không có sẵn và nhiều kinh nghiệm như phía VTV.

Nhưng nói như vậy để thấy, sinh sau đẻ muộn nhưng chương trình vẫn hay, đủ hấp dẫn kéo khán giả lại trước màn hình tivi mới là điều đáng nói.

Tôi tự tin rằng, với nội dung và cách thức thể hiện của Táo quân VTC, chương trình hài kịch này sẽ trở nên quen thuộc với mỗi gia đình trong dịp Tết đến Xuân về.

Còn các nghệ sỹ tham gia cả hai chương trình của hai nhà đài, đều là những danh hài có tên tuổi trên khắp cả nước, nên không có gì để sợ bị đem ra so sánh. Mục đích cuối cùng của những người làm nghề như chúng tôi là mang lại tiếng cười cho công chúng.

Các anh em nghệ sỹ cũng đều chơi và quý mến nhau cả. Những Vân Dung, Tự Long, Xuân Bắc, Giang Còi…cứ gặp nhau là lại rộn ràng tiếng cười.

Có thể chúng tôi xuất hiện trong những chương trình khác nhau, nhưng đều là đồng nghiệp, bạn bè, cùng có chung niềm đam mê với nghệ thuật.

- Là một trong những danh hài nổi tiếng đất Bắc, không biết anh đã mất bao lâu để có chỗ đứng như ngày hôm nay, và quãng thời gian ấy, có nhiều thăng trầm?

Tôi ra trường từ năm 1986, đầu quân cho Nhà hát kịch Quân đội từ bấy cho đến nay, cũng gần 30 năm rồi.

30 năm ấy, không chỉ là thành công, mà cả những thăng trầm trong nhiều năm tháng đắm say với nghiệp diễn.

Nhất là cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước, tôi trải qua một thời kỳ vất vả sau khi ra trường. Mà thời đó, có lẽ là khó khăn chung của cả dân tộc, không tránh được những nỗi lo toan cơm áo gạo tiền.

Ngoài nỗi vất vả kinh tế trường trực, khi đó, tôi còn bị ốm nặng mấy trận liền. Tôi nhớ nhất trận ốm thập tử nhất sinh lần đi công tác Cao Bằng, lên tới nơi bị bị ốm, cứ đến giờ diễn cố gắng ra sân khấu rồi lại nằm bẹp ngay sau cánh gà.

Cuối cùng, tôi ốm nặng quá, đoàn kịch buộc phải cho về Hà Nội. Tôi được gửi lên một chiếc xe về xuôi lấy quân. Nằm trên một chiếc lốp trong thùng xe không có nắp đậy, về tới Hà Nội, tôi cấp cứu tròn 1 tháng trong bệnh viện. Sau đó là 3 tháng ròng rã truyền nước liên tục, tưởng như chết đi sống lại.

Đến nỗi hội đồng nghệ thuật còn họp bàn định cắt giảm biên chế vì sợ tôi không đủ sức khỏe để làm việc.

Nhưng có lẽ, tôi vượt qua được quãng thời gian đó nhờ tinh thần lạc quan. Cứ truyền nước xong lại hát hò, ra sân khấu, rồi chăm chỉ tập thể thao.

Cuối cùng, tôi cũng được ghi nhận bằng vai diễn Đôn Sứt, vai diễn được coi như cột mốc đánh dấu sự chuyển mình trong nghệ thuật, trong vở Lời thề thứ chín của tác giả Lưu Quang Vũ, Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Hiền.

Trong vở diễn đó, tôi còn tự sáng tác một đoạn cải lương, đến nỗi sau này tất cả những vở được dựng lại đều sử dụng đoạn cải lương đó như một phần không thể thiếu trong chỉnh thể vở kịch.

Có lẽ cái máu nghệ thuật nó ngấm sâu quá nên say vô cùng.

Tôi cũng quan niệm, mình đã theo nghề nào, thì phải trăn trở, đắm đuối mới thành công được. Có lẽ, có được ngày hôm nay là nhờ đi qua những tháng năm tuổi trẻ yêu nghề ấy.

Quang tèo

Quang Tèo và người bạn diễn ăn ý Giang Còi.

- Gắn bó với Nhà hát kịch Quân đội suốt từng ấy năm, chắc hẳn anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ muốn chia sẻ?

Tôi nhớ nhất một kỷ niệm về cô bạn gái xinh xắn khi còn đi học.

Tính tôi thì tếu táo, hay đùa cợt, mà trong môi trường quân đội mấy ông quản lý ghét lắm, cứ mỗi lần đói quá trốn về nhà ăn cơm, lên trường muộn một chút là lại bị phạt phải đi quét chuồng lợn.

Hồi đó đoàn trường tôi hay tổ chức giao lưu với đoàn trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Có một cô bé bên trường Sư phạm rất quý tôi, vì hồi trẻ tôi hát cải lương khá vào tai. Trai trứng cá, gái má hồng, tôi và cô bé bắt đầu mến nhau sau những buổi giao lưu ấy.

Mong chờ mãi, cuối cùng thì cô bé cũng sang tận trường tôi chơi. Run rủi thế nào, hôm ấy lại đúng ngày tôi bị phạt phải đi quét chuồng lợn.

Khi cô bé sang, mấy cậu bạn cùng lớp diễn xuất mới nhanh nhảu chạy ra, hỏi xem cô bé muốn tìm ai. Ai ngờ khi cô bạn miêu tả xong thì mấy cậu bạn liền nói, ở đây chỉ có mỗi Quang Tèo làm ở hậu cần, nhà bếp, chăn nuôi chứ không có Tiến Quang làm diễn viên.

Rồi mấy cậu cùng lớp kéo cô bé ra chỉ vào tôi hỏi, có phải anh đang quét chuồng lợn kia không?

Cô bé thấy vậy quay ngoắt 180 độ, chạy một mạch về trường Sư phạm. Tôi đuổi theo cố giải thích thì cô ấy dội một gáo nước lạnh: Em yêu quý anh ngay cả khi anh là một thằng chăn lợn, sao anh phải nói dối anh là diễn viên, thôi anh về đi.

Thế là tôi chưng hửng ra về, không có cơ hội giải thích thêm câu nào.

Sau này, khi đã quen thuộc với khán giả khắp cả nước, mỗi lần gặp tôi cô ấy vẫn hay thẹn thùng cười ngượng. Còn tôi thì nhớ mãi kỷ niệm thuở chớm yêu ấy.

Xin cảm ơn anh!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư