Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
"Nữ tướng" người Việt của Sheraton Hanoi: Tại sao lại quan niệm vị trí quản lý cấp cao chỉ dành cho người nước ngoài?
Hoàng Oanh - 05/11/2017 08:40
 
Là một trong những người Việt hiếm hoi giữ vị trí cao trong ngành khách sạn quốc tế, chị Nguyễn Thị Thùy Minh, Phó tổng giám đốc khách sạn Sheraton Hanoi đã chia sẻ với Baodautu.vn về những nỗ lực trên con đường đi đến thành công của mình.

Chào chị, chị hãy chia sẻ một chút về lý do chọn công việc này?

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ, tôi muốn trở thành một cô giáo nên ngoài thời gian đi làm, tôi còn tham gia giảng dạy với ước mơ sẽ mở được một trung tâm tiếng Anh.

Đến cuối năm 2003, biết tin Sheraton Hanoi đang có ngày hội tuyển dụng, tôi đã nộp đơn vào vị trí nhân sự nhưng vị giám đốc tài chính người Bangladesh phỏng vấn lại nói rằng tôi rất hợp với vị trí lễ tân. Phải đến lần phỏng vấn thứ 3, dưới sự thuyết phục của Giám đốc nhân sự người Úc, tôi mới đồng ý thử sức với vị trí lễ tân.

Theo chị Minh, thái độ và sự chăm chỉ chính là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi nhân viên.
Theo chị Minh, thái độ và sự chăm chỉ chính là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi nhân viên.

Một năm sau ngày đó, tôi được cất nhắc lên làm nhân viên phòng nhân sự. Ba năm tiếp theo, tôi trở thành trưởng phòng tuyển dụng, sau đó thành trợ lý cho Tổng giám đốc và giờ là Phó TGĐ.

Từ một người không đươc đào tạo chuyên về ngành khách sạn - du lịch và từng kinh qua rất nhiều vị trí, thời gian đầu chị đã gặp những khó khăn gì?

Nếu cảm thấy không có khó khăn thì không phải, nhưng khách sạn là một môi trường tuyệt vời dành cho những người thích thử thách và tôi cảm thấy vô cùng thích thú khi đối mặt với những khó khăn đó. Với tôi, mỗi ngày trôi qua là một ngày khác, tôi sẽ cần phải vận dụng hết những đam mê và kỹ năng đã có vào trong công việc hàng ngày.

Chẳng hạn như trước khi trở thành một lễ tân, tôi nghĩ đơn giản rằng lễ tân chỉ cần cười thật tươi và chào khách là xong. Sau này tôi mới biết hóa ra công việc này còn yêu cầu kiến thức về pháp luật, tiền tệ… Mỗi ngày tôi đều học được rất nhiều thứ. Điều đó khiến bản thân tôi cảm thấy rất thú vị.

.
 Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thùy Minh, Phó Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Hanoi là một trong những người Việt hiếm hoi giữ vị trí cao trong ngành khách sạn quốc tế

Thông thường, vị trí quản lý ở các khách sạn quốc tế tại Việt Nam thường do người nước ngoài đảm nhiệm. Là một trong những người Việt hiếm hoi được cất nhắc lên vị trí này, chị có suy nghĩ gì?

Câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ đến lần tham gia lớp tập huấn với các bạn ở tập đoàn, khi tôi đứng lên trình bày chủ đề của nhóm mình thì mọi người rất ngạc nhiên. Các bạn hỏi tôi rằng: “Bạn đến từ đâu?” Tôi trả lời: “Mình đến từ Việt Nam” thì cảm giác trên gương mặt các bạn có chút gì đó vừa ngạc nhiên xen lẫn thú vị.

Sau này tôi mới hiểu họ không nghĩ một người Việt Nam lại có cái nhìn sắc sảo như thế. Lúc đó, ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi là phải làm gì đó để động viên cũng như truyền cảm hứng cho các bạn trẻ Việt. Làm sao để ngày càng có nhiều người Việt ghi tên mình trên bản đồ khách sạn quốc tế? Tại sao lại quan niệm vị trí cấp cao là người nước ngoài mà không phải là người Việt? Sau đó tôi có nói chuyện với một Tổng giám đốc người Nhật, ông ấy có khuyên tôi là: “Bạn phải đặt ra mục tiêu cho mình. Tôi nhìn thấy rằng bạn có thể trở thành tổng giám đốc nữ đầu tiên ở Việt Nam trong ngành khách sạn. Bạn có nghĩ đến điều ấy không?”

Sau khi nhận được sự động viên của vị tổng giám đốc, cộng với băn khoăn khi nhìn thấy trên nét mặt các bạn đồng nghiệp quốc tế, tôi đã nghĩ: “Hay mình cứ thử xem?” Đó chính là quan điểm của tôi chứ tôi không áp đặt mục tiêu 1 - 2 năm tới mình phải làm được những gì.

Vị tổng giám đốc người Nhật mà chị nhắc đến có phải là người thầy đầu tiên trong nghề của chị không?

Không! Có một điều tôi cảm thấy rất may mắn là trong quá trình làm việc, vị TGĐ nào cũng tạo cơ hội cho tôi học hỏi và phát triển. TGĐ đầu tiên của khách sạn Sheraton Hanoi là người Pháp. Chính ông là người nhất định phải bổ nhiệm tôi lên vị trí trợ lý cho ông. Sau này khi 2 thầy trò khá thân nhau, tôi có hỏi lý do tại sao lại chọn tôi. Ông đã trả lời: “Làm trợ lý cho TGĐ giống như có một tấm passpost để bước qua tất cả các cổng thông tin mà một TGĐ khách sạn sau này sẽ cần”. Ở vị trí này, tôi có cơ hội làm việc với tất cả các thành viên trong Ban quản lý khách sạn về các dự án cũng như hoạt động của Sheraton Hanoi. Vô hình trung, nó đã giúp tôi hiểu sâu hơn về hoạt động của một khách sạn.

Đến vị TGĐ thứ 2, trong một chương trình phát triển nguồn nhân lực nội bộ thì ông cũng đứng ra nhận làm mentor của tôi.

Tôi không nghĩ là mình thành công, nhưng với những gì mà tôi đạt được hôm nay không thể không nhắc đến một người mà tôi luôn coi là thầy đầu tiên trong nghề. Đó là một chị sếp cũ người Việt từng làm Giám đốc nhân sự ở Sheraton Hanoi. Chị đã truyền cho tôi rất nhiều lửa và đạo đức làm nghề. Quả là một sự may mắn, đúng không?

Với vai trò là một người đi trước và đạt được những thành công nhất định, chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang bắt đầu bước vào lĩnh vực nhà hàng – khách sạn?

Nghề của tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều bạn sinh viên. Tôi tin thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ làm nên được lịch sử, vì các bạn được học hành bài bản, thông minh, nhanh nhẹn và cũng rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên, nếu bạn trẻ nào đó muốn chọn nghề khách sạn để phát triển sự nghiệp thì nên cân nhắc 3 yếu tố:

Thứ nhất, các bạn có thực sự đam mê phục vụ người khác hay không? Nếu có, bạn hãy chọn nghề khách sạn. Thứ hai, sau khi đã đam mê thì cần xét đến yếu tố tài năng. Khách sạn có hơn 10 ngành nghề khác nhau, từ kinh doanh – tiếp thị, kế toán, nhân sự, đào tạo, kỹ thuật, lễ tân…, các bạn thấy mình tài năng trong lĩnh vực nào thì hãy theo đuổi nó.

Cuối cùng là yếu tố môi trường. Môi trường tốt có thể là một khách sạn quốc tế 5 sao, hay 1 khách sạn Việt Nam - nơi các bạn thể hiện sự đam mê cũng như năng lực của mình.

Tôi nghĩ có đủ 3 yếu tố đó thì nhất định các bạn sẽ thành công!

Đó là những điều kiện cần. Yếu tố nào là điều kiện đủ để có thể đạt được thành công như chị?

Có 2 yếu tố mà tôi rất thích.

Đầu tiên là thái độ với công việc mình làm. Từ những công việc nhỏ nhất cũng cho thấy bạn có thật sự muốn làm hay không. Chẳng hạn như khi trải khăn bàn, bạn cũng phải là người làm giỏi nhất, nhanh nhất và đẹp nhất so với các đồng nghiệp khác. Thứ 2 là sự chăm chỉ. Nếu không có sự chăm chỉ thì dù có giỏi đến mấy, bạn cũng chỉ là người bình thường trong số những người bình thường.

Tôi có thể lấy ví dụ từ chính cá nhân tôi. Có những giai đoạn, tôi phải làm dự án mới và cảm thấy đã làm hơn 100% công suất mà mình có. Tôi thường đến sớm hơn mọi người để dành thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu và cách triển khai dự án. Nếu chỉ sử dụng khoảng thời gian 8h/ngày mà mọi người hay quan niệm để làm việc thì sẽ rất khó làm được nhiều thứ, hoặc làm được nhiều thứ với kết quả cao. Tôi nghĩ đó chính là sự chăm chỉ!

Quan điểm hay nguyên tắc làm việc nào khiến chị thấy tâm đắc nhất ?

Trên phương diện quản lý, tôi thích 3 điều: Trung thực với nhân viên. Công bằng với tất cả mọi người. Thực sự thành thạo trong công việc mình đang làm.

Nhiều người cho rằng để thành công thì phải chấp nhận đánh đổi một thứ gì đó. Với chị, chị phải đánh đổi điều gì?

Tôi thì không nhưng gia đình thì có. Trước khi làm nghề khách sạn, tôi có thể tự tay chuẩn bị bữa ăn hàng ngày, có thể là quần áo cho chồng và dọn dẹp nhà cửa. Nhưng khi bước chân vào lĩnh vực khách sạn thì sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc. Lúc này điều quan trọng nhất là bạn phải cân bằng và biết cách sắp xếp, phân công công việc.

Nhà đầu tư và quản lý khách sạn quốc tế liên tiếp “hạ cánh” xuống Việt Nam
Ông Adam Bury - Phó chủ tịch JLL khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, với những cam kết lớn của các tổ chức và cá nhân liên quan đến nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư