Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital: “50,1% trong tôi là người Việt Nam”
Vân Linh - 13/02/2016 08:49
 
Sinh ra và lớn lên ở miền đất hứa Hoa Kỳ, nhưng Chad Ovel lại chọn Việt Nam làm nơi an cư lập nghiệp. Sau gần 20 năm gắn bó và trở thành rể của Việt Nam, ông thấy mình hầu như không còn sự khác biệt nào với quê hương thứ hai này.
TIN LIÊN QUAN

“Việt Nam còn tuyệt vời hơn…”

Thực ra, trước khi bén duyên với Việt Nam, khi còn là sinh viên đại học, Chad lại dành tình cảm cho Trung Quốc. Nhưng câu nói của một người bạn rằng: “Chad à, tôi biết là bạn rất thích Trung Quốc, nhưng tin tôi đi Việt Nam còn tuyệt vời hơn” đã khiến ông hào hứng tìm một công việc tại Việt Nam khi tốt nghiệp đại học.

Thật hữu duyên là khi ấy có một quỹ đầu tư chuẩn bị thành lập tại Hà Nội và cần tuyển một chuyên viên phân tích. Không phải suy nghĩ lâu, Chad đã ứng cử và trúng tuyển. Tháng 9/1996, Chad đến Hà Nội chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp thạc sĩ. Ấn tượng đầu tiên khi ông đến đất nước hình chữ “S” này chính là vẻ đẹp thiên nhiên và sự tháo vát của con người nơi đây. “Họ sống lạc quan, đầy niềm vui trong cuộc sống, dù còn thiếu thốn về vật chất”, Chad nói.

Chad Ovel hạnh phúc bên vợ và hai cô con gái xinh xắn
Chad Ovel hạnh phúc bên vợ và hai cô con gái xinh xắn

Khi làm việc cho Tổ chức WWF tại Việt Nam, có cơ hội được đi khắp nơi trên đất nước này, được gặp gỡ nhiều người và trải nghiệm văn hóa ở nhiều vùng miền khác nhau, Chad càng thấm thía lời người bạn đã nói thuở trước. Nhưng ông lại thấy không thoải mái với sự lạc quan, thân thiện của người Việt Nam. Rất nhiều người lạ đến chào hỏi ông đủ thứ, đặc biệt là việc chào mời mua hàng hóa khiến ông phàn nàn rằng, “chưa thấy ở đâu mà một người lạ có thể đến trò chuyện với bạn dễ dàng như ở Việt Nam”.

Nhưng một thời gian sau, Chad đã thay đổi cách nhìn khi hiểu về văn hóa của người Việt. “Sự thay đổi ở đây chính là cách tôi nhìn nhận vấn đề. Và bây giờ tôi hiểu được điều này có giá trị trong nền văn hóa khi tôi thấy mọi người ở Việt Nam rất thân thiện, hiếu khách”, Chad lý giải và cho biết, khi đã nhận ra điều đó, ông có cảm giác như mình đang được ở nhà, có thể trò chuyện với bất kỳ ai, từ bác lái xe ôm, anh tài xế taxi, người bán hàng… 

Một trong những điều đã níu giữ chân Chad cũng như những người bạn nước ngoài khác đang sống và làm việc tại Việt Nam chính là niềm vui khi làm việc cùng với những người bạn đồng nghiệp Việt. “Các bạn tháo vát, luôn sẵn sàng học hỏi, không ngại khó, không ngại đương đầu với thử thách... Tôi đã tìm thấy ở họ những điểm tương đồng với tính cách của mình và điều này rất thú vị”, Chad cho biết.

Trân trọng văn hóa gia đình Việt

Một điều rất đáng quý mà Chad nhận thấy trong nếp sống của người Việt là sự quan tâm sâu sắc đến gia đình. Đây cũng chính là điều mà ông nhận thấy về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Hoa Kỳ và Việt Nam, sau gần 20 sống ở đất nước hình chữ “S” xinh đẹp.

Chad cảm nhận rõ tầm quan trọng của việc sum họp gia đình ở Việt Nam. Việc này diễn ra thường xuyên hơn với các thế hệ, họ hàng khác nhau, chứ không chỉ là anh em trong gia đình.

Có lẽ chính vì điều này mà Chad rất thích bữa cơm gia đình của người Việt cũng như hầu hết các món ăn Việt Nam, đặc biệt là bún chả, chả giò Hà Nội. “Trước đây, khi còn làm việc tại Hà Nội, một cửa hàng bún chả gần văn phòng là nơi dùng bữa yêu thích nhất của tôi”, Chad cho biết.

Yêu văn hóa và con người Việt Nam, nên Chad không chỉ bén đất mà còn nên duyên với một cô gái Việt. Hiện gia đình nhỏ của ông đã có hai cô con gái rất xinh xắn. Họ đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM. Các con của ông giao tiếp bằng tiếng Việt với mẹ, ông bà ngoại và nói tiếng Anh với bố, ông bà nội. Chad cũng rất thạo tiếng Việt. “Có thể nói, hiện tại có 50,1% trong tôi là người Việt Nam, nên tôi không còn cảm thấy có sự khác biệt nào”, Chad nói với ánh mắt tràn đầy mãn nguyện.

Lời khuyên của Chad cho những người nước ngoài có ý định sống và làm việc tại Việt Nam đó là sự kiên nhẫn và kiên trì. “Có thể lúc đầu, bạn sẽ thấy một số thứ không như bạn mong đợi, nhưng hãy kiên nhẫn và kiên trì, bạn sẽ tự tìm được những điều thật thú vị, đáng quý từ những con người ở đất nước này”, Chad nói và cho biết, chính ông cũng phải mất vài năm để có thể thay đổi góc nhìn, quan điểm của mình về văn hóa người Việt.

Luôn muốn chinh phục đỉnh cao

Ngoài vai trò CEO của Mekong Capital, Chad cũng là thành viên Ban lãnh đạo và Ban cố vấn Đầu tư nội bộ của công ty này. Bên cạnh đó, ông cũng là thành viên HĐQT Mekong Capital Holdings. Trong vai trò một chuyên viên tư vấn đầu tư, Chad chịu trách nhiệm đảm bảo thành công cho những khoản đầu tư dài hạn tại Công ty Hóa chất Á Châu, Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Intresco, Công ty cổ phần Traphaco và Công ty cổ phần Nam Long. 

Với 17 năm kinh nghiệm lãnh đạo tăng trưởng giá trị tại Việt Nam (chuyên về tái cấu trúc, quản lý và điều hành nhằm đem lại sự tăng trưởng vượt bậc cho doanh nghiệp), ông đã từng bước cùng với HĐQT của những công ty mà các Quỹ Mekong Capital rót vốn đầu tư đưa ra các chiến lược tăng trưởng bền vững, đem lại lợi nhuận cho cổ đông và nhà đầu tư của Mekong Capital.

Chad chính là người phụ trách chính trong việc thoái vốn thành công tại Công ty Cổng Vàng của Mekong Capital vào giữa tháng 9/2014. Khoản thoái vốn này đem lại tỷ lệ hoàn vốn thuần là 9,1 lần và tỷ suất hoàn vốn nội bộ gộp là 45,1% trên tổng số trái phiếu mà Quỹ bán ra. Mekong Capital đã rất hài lòng về kết quả hoạt động của Cổng Vàng khi từ 5 nhà hàng tại thời điểm Quỹ đầu tư vào tháng 4/2008, đến cuối năm 2014, Công ty đã có 67 nhà hàng đang hoạt động dưới 11 thương hiệu. Tuy nhiên, khi đã đạt được nhiều giá trị trong quá trình đầu tư, Mekong Capital nhận thấy, đó là cơ hội mang lại lợi nhuận tốt nên đã thoái vốn.

Ngoài thời gian dành cho công việc và gia đình, Chad còn là người đam mê chinh phục độ cao của các ngọn núi. Ông từng chinh phục đỉnh Broad Peak cao 8.050 m ở Pakistan, Ama Dablam cao 6.830 m ở Nepal. Nhưng đáng tiếc là tại Việt Nam, Chad chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm niềm đam mê của mình, ngoài vài đỉnh núi nhỏ ở Sapa (Lào Cai).

Sở dĩ Chad rất thích chinh phục các ngọn núi là vì ông muốn có được tầm nhìn rộng và xa để thưởng ngoạn cảnh quan. Có lẽ vì thế mà trong công việc, ông cũng luôn nỗ lực để có được kết quả cao nhất như kỳ vọng đặt ra.

Việt Nam có quá nhiều cảnh đẹp, nên thật khó để xác định được đâu là nơi Chad thích nhất. Nhưng theo ông, Việt Nam có 3 điểm độc đáo là: núi, biển và đền chùa. Nếu nghĩ về đền chùa, Chad thích chùa Từ Hiếu ở Huế; nghĩ về núi thì khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình có ý nghĩa quan trọng, vì ông từng làm trong một dự án nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu và hỗ trợ Chính phủ trong việc bảo tồn khu vực thiên nhiên này. Còn khi nghĩ về biển, nơi yêu thích của Chad chính là Côn Đảo - một cảnh quan thiên tuyệt đẹp luôn khiến ông mê mẩn khi có cơ hội đến đây nghỉ dưỡng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư