Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
"Ông lớn" ngành thép đồng loạt phản pháo việc thép nhập khẩu tăng đột biến
Thế Hải - 20/12/2016 15:40
 
Thị trường thép xuất hiện tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến ở mã 7213.91.90 với tổng lượng nhập 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng nhập năm 2015, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó.

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với gần 20 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thép trong nước để bàn về câu chuyện lượng nhập khẩu thép ở Mã HS 7213.91.90 tăng lên mức đột biến sau khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép có Mã HS 7227.9000 từ tháng 4 năm 2016.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trước đây doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu sản phẩm thép Mã HS 7227.9000 để sản xuất, tuy nhiên, từ khi thuế tự vệ được áp đối với mặt hàng này, đưa mức thuế lên 15,4 % thì doanh nghiệp chuyển qua nhập khẩu sản phẩm thép Mã HS 7213.91.90 làm nguyên vật liệu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, bởi thuế xuất khẩu của HS 7213.91.90 ở mức 3%.

Phòng vệ thương mại sẽ được tính đến nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được tính đến nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Đặc tính lý hóa của hai mã sản phẩm trên tương đương, có thể sử dụng thay thế cho nhau. Các doanh nghiệp cũng khẳng định, việc nhập khẩu chủ yếu phục vụ quá trình sản xuất sản phẩm thép rút dây/dây thép buộc, không nhằm mục đích kinh doanh thương mại.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam,  ông Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh, chủ trương của Nhà nước là bảo vệ ngành sản xuất trong nước, công cụ phòng vệ thương mại được áp dụng để bảo vệ cho các doanh nghiệp nội địa trước sức ép lớn từ bên ngoài.

Trước đây, ngành thép Việt Nam chưa tập trung nghiên cứu sản xuất mặt hàng thép rút dây/dây thép buộc bởi nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này còn hạn chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ khi áp thuế đối với Mã HS 7227.9000, các nhà sản xuất trong nước đã chú trọng hơn mặt hàng này, điển hình là Hòa Phát.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh, phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước ở bất cứ quốc gia nào. Tất nhiên, trước khi xem xét, nghiên cứu, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải tuân thủ theo quy trình, không thể tùy tiện đưa ra một mức thuế nào đó nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sản xuất trong nước chứ không bảo vệ quyền lợi của một cá nhân nào mà bảo vệ quyền lợi của cả ngành.

Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp cũng như Hiệp hội. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp đến hết ngày 31/12/2016.

Các ý kiến sẽ được tổng hợp, đưa ra bàn thảo với các Cơ quan quản lý nhà nước và sau đó được trình lên Văn phòng Chính phủ.

Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cũng khẳng định, trong thời gian qua, nhờ áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp, sản xuất phôi thép của Việt Nam đã hoạt động trở lại. Khi áp dụng biện pháp đối với các Mã HS đó, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể, sản xuất trong nước đã được phục hồi và tăng trưởng đáng kể.

Khi áp dụng biện pháp tự vệ cũng bắt đầu có sự chuyển dịch, các Mã HS bị áp dụng giảm kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam nhưng đã có sự chuyển dịch sang Mã HS khác. Sự chuyển dịch cũng dựa trên cơ sở lợi ích của doanh nghiệp.

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Cục Quản lý cạnh tranh cũng sẽ cân nhắc việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu trong nước. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng công cụ phòng vệ thương mại để tạo lợi thế riêng cho doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 18/10/2016, Cục Quản lý Cạnh tranh đã nhận được Công văn số 71/HHTVN của Hiệp hội Thép Việt Nam về tình hình nhập khẩu thép từ nước ngoài vào Việt Nam và nghi ngờ có hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ đối với một số mặt hàng phôi thép và thép dài, cụ thể đối với sản phẩm thép cuộn mã HS 7213.91.90.

Các doanh nghiệp phản pháo thép nhập khẩu ồ ạt đều là những tên tuổi lớn như Hoà Phát, thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, thép Pomina, Thép Vina Kyoei, Thép VSC - Posco, thép Việt Đức, Việt Ý…

Thống kê cho thấy, trước khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn được nhập khẩu kê khai vào mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh do bị áp thuế tự vệ 15,4%, 10 tháng năm nay lượng nhập chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.

Thay vào đó, xuất hiện tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến ở mã 7213.91.90 với tổng lượng nhập 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng nhập năm 2015. Riêng tháng 10, việc nhập khẩu tăng cao kỷ lục là 144.000 tấn, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.

Cùng với sự tăng lên về lượng nhập khẩu là sự xuất hiện các doanh nghiệp nhập khẩu mới mà trước đây chưa từng nhập mã này. Năm 2015, có khoảng hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu mã 7213.91.90, song 10 tháng đầu năm 2016 lượng doanh nghiệp nhập khẩu đã lên tới khoảng 70 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp xuất hiện mới đều là công ty thương mại.

Theo các doanh nghiệp thép, đây cũng chính là các công ty trước đây nhập mã 7227.90.00 và đứng hàng đầu trong các công ty nhập mã 7213.91.90 nhiều nhất 10 tháng 2016.

Nhóm doanh nghiệp này cũng cho rằng, các tiêu chuẩn kỹ thuật mà các doanh nghiệp kê khai khi nhập khẩu mã 7213.91.90 đều là các mác thép của loại thép carbon thông dụng, có các giới hạn kỹ thuật nằm trong giới hạn của thép làm cốt bê tông.

Doanh nghiệp thép kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương điều tra mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ thương mại và đưa những mã này vào danh mục hàng hoá cần kiểm soát chặt nhằm ngăn chặn việc chuyển mã để hưởng chênh lệch thuế.

Nhập khẩu thép làm que hàn trong năm 2017 không lo bị áp thuế
Các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng phôi thép và thép dài để sản xuất vật liệu hàn sẽ không phải lo chịu áp dụng biện pháp tự vệ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư