Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ông Nguyễn Đình Cung: Rất lo cách tư duy cổ lỗ sĩ khi rà soát điều kiện kinh doanh
Khánh An - 17/01/2018 10:20
 
Những mối lo về tư duy cũ trong rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh khiến ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phải tiếp tục lên tiếng.
.
ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thưa ông, với quyết định bãi bỏ 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương của Thủ tướng Chính phủ, các nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh đoanh bắt đầu có kết quả?

Đây là tin rất mừng. Đây là lĩnh vực có nhiều điều kiện kinh doanh nhất, ảnh hưởng lớn nhất tới các doanh nghiệp và cũng có nhiều ý kiến đề nghị bãi bỏ nhất từ trước tới nay, như  Xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm.

Với việc Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương, theo đó, cắt giảm khoảng 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này, cơ hội gia nhập thị trường của nhiều doanh nghiệp đã đơn giản hơn, thuận tiện, chi phí thấp hơn. Điều quan trọng, cơ hội để những doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng lên, thúc đẩy cạnh tranh.

Trong kinh doanh, có cạnh tranh sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh. Và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi đầu tiên.

Khi Bộ Công thương chủ động đề xuất các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuộc phạm vi của Bộ, cũng có nhiều ý kiến chưa thực sự tin tưởng, cho rằng không thực sự cắt giảm, thưa ông?

Quan điểm của tôi là các cơ quan quản lý đã bắt tay vào làm. Trước đây, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, của chuyên gia không ít, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước không vào cuộc, kết quả rất thấp. Những năm 2003-2005, nhiều khuyến nghị cắt giảm điều kiện kinh doanh được đưa ra, với các phương án rất chi tiết, nhưng kết quả là không điều kiện nào được bãi bỏ.

Sự chủ động của Bộ Công thương là tín hiệu tích cực, thúc đẩy các bộ, ngành khác không thể đứng ngoài.

Còn tâm lý lo ngại về các phương án chưa thực sự là tối ưu cũng có lý do. Khi làm việc với Bộ Công thương và các phương án rà soát, chúng tôi đã góp ý khi phát hiện những nội dung không phải là cắt giảm mà là thu gọn các điều kiện vào một nội dung, thay vì chia nhỏ ra, nghĩa là giảm về số lượng nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải thực hiện như cũ.

Điểm rất đáng nói là Bộ Công thương cũng đã đưa ra những nguyên tắc trong rà soát, trong đó có yêu cầu tìm phương pháp thay thế cách quản lý bằng điều kiện kinh doanh. Đây là chìa khóa để giải quyết những lấn cấn, thậm chí là ngần ngừ trong xóa bỏ điều kiện kinh doanh của nhiều công chức.

Nhưng hiện tại, tôi lại lo hơn những tư duy cổ lổ sĩ từ  phía chính các doanh nghiệp.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Đang có những tranh luận về dự thảo nghị định mới nhất thay thế Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vừa được Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ.

Điểm đáng chú ý của dự thảo này là bãi bỏ quy định số lượng xe tối thiểu đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Cụ thể, Nghị định 86/2014 quy định doanh nghiệp taxi phải có tối thiểu 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt phải là 50 xe. Doanh nghiệp xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch cự ly từ 300 km trở lên… phải có từ 10 xe trở lên nếu “có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương và từ năm xe trở lên ở các địa phương khác”.

Cơ quan soạn thảo là Bộ Giao thông – Vận tải đã hiểu rất rõ, điều kiện này không phục vụ các mục tiêu mà trước đó vẫn hay được nhắc tới, như đảm toàn giao thông giao thông, giảm tại nạn giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...

Trong khi đó, cơ hội gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ bị tước bỏ, đồng nghĩa với tính cạnh tranh trong thị trường này không được bảo đảm.

Điều quan trọng hơn, đây là quyền kinh doanh của doanh nghiệp, họ có quyền quyết định bao nhiêu xe để đảm bảo cho phương án kinh doanh của họ có lợi nhuận, chứ không phải kinh doanh theo phương án được duyệt như hiện tại.

Vậy nhưng, phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại có ý kiến không đồng tình, họ muốn giữ lại điều kiện về số lượng xe. Tôi lo lắng với tư duy này, vì họ đang bảo vệ những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đang hoạt động, thay vì đáng ra phải ủng hộ mở cửa thị trường, mở rộng người chơi để tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho thị trường vận tải ô tô.

Điều đáng nói là cách lập luận của Hiệp hội không dựa trên cơ sở khoa học mà là duy ý chí, nhằm bảo vệ lợi ích nhóm rất rõ ràng. Cơ sở nào để Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định số lượng xe tối thiểu là để nâng tầm doanh nghiệp, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng không phải quản nhiều đầu mối. Việc quản lý thế nào là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, còn nâng cao năng lực cạnh tranh là phần doanh nghiệp phải thực hiện. Cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia thị trường thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình, chứ không phải tư duy lo hộ như trên

Nếu các hiệp hội doanh nghiệp không vượt qua được lợi ích nhóm, không đặt nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh lên trên khi tham gia phản biện, xây dựng chính sách, chính họ lại là người kìm hãm môi trường kinh doanh Việt Nam.

Tôi đang rất lo lắng với tư duy này.

Cắt giảm thêm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong tổng số 1216...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư