Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: “Đất nước đang cần những doanh nhân liêm chính”
Khánh An - 06/12/2015 08:16
 
Trong Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, diễn ra hôm nay và ngày mai (6-7/12), tại Hà Nội, khối doanh nghiệp, doanh nhân lần đầu tiên có đoàn đại biểu riêng, gồm 16 người. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái là thành viên trong đoàn đại biểu.
TIN LIÊN QUAN

Nhận “vai ác”…

“Tôi muốn gửi mong muốn từ đáy lòng, đó là đất nước đang cần những doanh nhân liêm chính, có khả năng quản trị quốc tế; cần nền tảng văn hóa kinh doanh để hội nhập sâu rộng với thế giới. Tôi mong và tin là, từng doanh nhân đang coi đây là trách nhiệm của mình, song chúng tôi cần sự đồng thuận trong hành động của Chính phủ và cộng đồng", ông Đoàn chia sẻ khi được hỏi muốn gửi thông điệp gì tới Đại hội.

Không phải là lần đầu ông Đoàn nhắc tới điều này. Vốn là doanh nhân - diễn giả quen thuộc của nhiều diễn đàn CEO, câu lạc bộ khởi nghiệp, ông Đoàn thường được nhắc tới như người chuyên nhận… vai ác với những bình luận thẳng thắn.

.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

Mới nhất, trong cuộc giao lưu với sinh viên Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia), ông Đoàn đã lên tiếng cảnh báo về những người trẻ đang lạc quan một cách tội nghiệp về tương lai của mình. Nhóm sinh viên đó có dự án nghe hay, ý tưởng được đánh giá tốt và họ tin chắc vào thành công khi nhận nhiều lời khen ngợi. Ông Đoàn là người duy nhất nói dự án sẽ thất bại.

“Các bạn có ý tưởng, nhưng tôi không thấy được phương án triển khai rõ ràng và logic. Ý tưởng tốt mới là một điều kiện cần. Điều quan trọng là ý tưởng đó phải được xây dựng trên cả khát vọng kinh doanh và năng lực bản thân”, ông Đoàn lý giải khi kể lại trường hợp này. Ông lo lắng vì nếu không nói thẳng, các bạn trẻ có thể không lường trước họ sẽ phải làm gì khi bắt tay vào triển khai dự án, từ việc tìm kiếm thông tin thị trường, khả năng tài chính, cách thực hiện dự án, người đỡ đầu và thậm chí là sức khỏe… mới có thể khởi nghiệp được an toàn, chứ chưa nói đến thành công. Ông cũng lo vấp váp đầu tiên, nếu xảy ra, có thể sẽ khiến những người trẻ nhụt chí.

“Tôi không muốn giới trẻ bắt đầu sự nghiệp bằng ảo tưởng, vì chúng tôi đã từng trải qua, đã từng thất bại. Các bạn không cần mất thời gian, tiền của vào những trải nghiệm đó”, ông Đoàn tâm sự và cho rằng, xã hội càng phát triển, càng hội nhập thì năng lực thật là điều kiện tiên quyết để cạnh tranh và phát triển, chứ không phải là những lời hoa mỹ. Đó cũng là lý do ông muốn nhận… vai ác.

Cũng phải kể thêm, ngay hôm đó, ông Đoàn đã cam kết sẽ hỗ trợ nhóm sinh viên này hoàn thiện dự án dựa trên những kinh nghiệm mà ông có. Thậm chí, ông sẵn sàng trở thành nhà đầu tư, kêu gọi thêm các doanh nhân khác hỗ trợ, nếu các dự án đó có tính khả thi, các bạn đó quyết tâm làm thực, thể hiện được ý thức, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp trong công việc mà họ đang muốn bắt đầu.

… để truyền lửa kinh doanh

Thành lập Công ty Phú Thái vào năm 1993, chỉ một năm sau khi Luật Doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực, ông Đoàn được coi là thế hệ khởi nghiệp thành công đầu tiên của Việt Nam. Số doanh nghiệp thành lập thời gian này còn tồn tại đến nay không nhiều, vì nhiều lý do, cả khách quan của môi trường kinh doanh chưa quen với hai từ tư nhân và cả chủ quan của những người đi kinh doanh phần lớn để “thoát nghèo”, để “nuôi gia đình”…

Nhưng nhìn lại, đây là thế hệ “thử lửa” trong quá trình gần 30 năm hình thành và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nói một cách khác, đã diễn ra cuộc đấu trí giữa những người tận dụng những lỗ hổng của cơ chế, chính sách đang trong giai đoạn hoàn thiện và những người chọn hướng đi bài bản, chuyên nghiệp.

Ông Đoàn chọn cách thứ hai. Lý do đơn giản, ông kể, vì có cơ hội đi học nước ngoài, được nhìn thấy những gì doanh nhân thế giới lúc đó làm, nhất là trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Ông muốn bắt tay với những doanh nghiệp lớn đó.

“Tôi không thể quên cảm giác khi đọc yêu cầu của Caterpillar (tập đoàn sản xuất máy xây dựng, thiết bị khai mỏ, động cơ công nghiệp lớn nhất thế giới) trước khi đặt bút ký để Phú Thái trở thành nhà phân phối và đại lý chính thức duy nhất tại Việt Nam. Họ muốn tôi phải cam kết về đạo đức kinh doanh. Tôi đã ký không chỉ vì để thỏa mãn điều kiện để bắt tay với doanh nghiệp lớn, mà hiểu rằng, muốn đi xa hơn, tôi phải trong sạch và ngay thẳng, còn cứ lẹt đẹt, khác người mãi thì không ai chơi với mình”, ông Đoàn chia sẻ dù nhiều người nói, ông tính kỹ quá nên các bước đi của ông chậm.

Tới giờ, ông đã có trong tay một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với vài chục công ty con trong các lĩnh vực gồm phân phối, bán lẻ,   logistics, công nghiệp, thời  trang, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giáo dục và bất động sản thương mại…, tham gia HĐQT của một số tập đoàn lớn của châu Âu, châu Á.

Tuy nhiên, cũng không phải dễ kiên định với lựa chọn này, nhất là khi môi trường kinh doanh Việt Nam, dù đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn thói quen kinh doanh dựa vào quan hệ, tranh thủ cơ hội xin - cho trước mắt. Lúc này, đêm trước thời điểm Việt Nam đặt chân vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Việt Nam vẫn đang đứng top cuối về môi trường kinh doanh trong ASEAN, đang cố gắng vươn vào top ASEAN 6 trong năm nay, sau đó là ASEAN 6 vào năm 2016.

“Chúng ta đang nói về 1 triệu, 2 triệu doanh nghiệp trong 5 -10 năm tới, nhưng tôi quan tâm đến chất lượng hơn. Ta không thể mang sự nể nang, cách làm việc ề à ra thế giới. Cũng không thể cứ gặp việc khó là “nhấc điện thoại gọi cho người thân” được”. Tôi sẵn sàng nói để chúng tôi, những doanh nhân khởi nghiệp 20-30 năm trước cũng phải thay đổi, chứ không chỉ là nói suông. Có như vậy, miếng bánh của hội nhập mới đến được các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Đoàn thẳng thắn.

Bảo bối liêm chính

Trong Hội đồng Doanh nhân và Gia đình mà ông Đoàn đang ở vai trò Chủ tịch, chủ đề doanh nhân liêm chính nhiều lần được bàn đến như là “bảo bối” mà thế hệ doanh nhân đi trước cần tích lũy để truyền lại cho con, cháu mình. Có những cuộc thảo luận gay gắt giữa các thế hệ trong cùng gia đình chỉ để chọn đúng lối khởi nghiệp.

Ông gọi cách thức này là “xã hội hóa”, hay "từ thiện kiến thức” của thế hệ doanh nhân F1, những người đã chứng kiến có doanh nghiệp phá sản, hoặc không thể lớn lên vì người đứng đầu thiếu triết lý đúng đắn về lập nghiệp và kinh nghiệm thương trường, không muốn và không được đào tạo bài bản về kinh doanh; chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn quá nhanh so với năng lực, dẫn đến tình trạng mất khả năng kiểm soát về cả tài chính và nhân lực… Đặc biệt, lúc này, vẫn có doanh nhân chưa nhìn nhận được xu thế của thời đại để thay đổi phù hợp.

“Thế hệ trẻ khởi nghiệp hiện tại rất khác chúng tôi. Họ có kiến thức, có khát vọng kinh doanh và quan trọng là có ý chí mãnh liệt muốn được thể hiện năng lực và khát vọng đó. Chúng tôi muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp theo hướng này, bằng cách người đi trước giúp người đi sau, thậm chí cả trong hoạt động khởi nghiệp, không hẳn cứ phải trông vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Đoàn chia sẻ.

Nhưng, như ông Đoàn nói, những nỗ lực của ông và các doanh nhân khác chỉ là nỗ lực của những con kiến chăm chỉ, thậm chí có thể còn chịu thiệt thòi nếu như không được xã hội, cộng đồng ủng hộ và cùng hành động.

“Điều mà chúng tôi muốn được nhìn thấy từ vai trò nhà nước là sự cải thiện mạnh mẽ và quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Chỉ khi cách làm ăn bài bản, chuyên nghiệp được hậu thuẫn bởi cơ chế, chính sách và thực thi pháp luật, thì những ý tưởng và chia sẻ của chúng tôi mới có thể thúc đẩy và lan tỏa. Ngược lại, khi lý thuyết một đằng, thực tế một nẻo, thế hệ doanh nhân trẻ được đào tạo bàn bản sẽ nhụt chí vì không có đất dụng võ. Cả người tự nhận trách nhiệm truyền lửa như chúng tôi cũng cam thấy e dè khi con cháu mình sẽ không được bơi trong dòng nước mát lành…”, ông Đoàn bày tỏ quan điểm.

Ông gọi vai trò Nhà nước trong thay đổi tư duy xã hội về văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân là cây đũa thần, vì chỉ Nhà nước thay đổi mới đủ sức để tạo ra bước ngoặt của môi trường cũng như văn hóa kinh doanh. Khi đó, nguồn lực của xã hội và “bảo bối của doanh nhân” sẽ được phát huy đồng hướng, đồng tốc, thay vì rời rạc, có lúc triệt tiêu nhau như hiện tại.

“Tôi tin vào xu thế mới này”, doanh nhân Phạm Đình Đoàn nói.

Trò chuyện với ông Phạm Đình Đoàn

Ông nghĩ thế nào về phong trào thi đua yêu nước?

Đây là một cách để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nói rằng, trong thời gian qua, phong trào thi đua còn vừa thiếu "lửa" để thành phong trào mạnh, vừa thiếu “nội dung” để gắn bó với cuộc sống của doanh nghiệp, doanh nhân và những đòi hỏi của đất nước. Thực tế đó cho thấy, phong trào thi đua đang cần phải đổi mới mạnh mẽ để có những động lực cần thiết cho doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ hội nhập quốc tế mới.

Sự thay đổi đó theo ông là gì?

Phong trào càng thiết thực, cụ thể, càng công tâm, liêm chính thì hiệu quả càng cao.

Với doanh nghiệp, doanh nhân, ngoài các yếu tố hiệu quả về doanh thu, lợi nhuận, giải quyết công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp cho ngân sách nhà nước…, cần nhấn mạnh bằng tỷ trọng cao của các yếu tố hội nhập, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, yếu tố về minh bạch và đạo đức kinh doanh.

Theo ông, thế nào là một doanh nhân yêu nước?

Doanh nghiệp và doanh nhân đã mang lại sản phẩm và dịch vụ gì thực sự có ích lợi cho khách hàng, cho dân tộc, cho đất nước... chứ không phải chỉ “cào cấu”, “chụp giựt”, chia chác những tài nguyên rừng, biển, đất đai… cho doanh nghiệp, cho nhóm lợi ích của mình.

Doanh nhân có cần thi đua không?

Có chứ. Nhưng phải có tiêu chí và mang tính tôn vinh. Làm sao để những doanh nhân được tôn vinh sẵn sàng sống chết để bảo vệ danh hiệu đó. Với chúng tôi, được xã hội ghi nhận là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục cống hiến.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư