Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ông trùm BOT Tasco xin giảm phí tại 2 dự án BOT Quốc lộ 1, Quốc lộ 10
Anh Minh - 05/08/2016 08:16
 
Công ty cổ phần Tasco xin áp dụng phương án giảm phí sử dụng đường bộ 2 dự án BOT do đơn vị này là nhà đầu tư kể từ tháng 9/2016.
Trạm thu phí Tân Đệ do Tasco thu phí sẽ chỉ giảm phí cho các xe loại 4 và loại 5
Trạm thu phí Tân Đệ do Tasco thu phí sẽ chỉ giảm phí cho các xe loại 4 và loại 5

Tại trạm thu phí cầu Tân Đệ, Quốc lộ 10 hoàn vốn cho Dự án Tân Đệ - La Uyên (thu theo Thông tư số 172/2014/TT – BTC), Tasco đề nghị giữ nguyên mức phí đối với các nhóm xe 1, 2, 3. Đối với nhóm 4 nhà đầu tư đề xuất giảm 14,25% (20.000 đồng/vé/lượt) và giảm 20% (40.000 đồng/vé/lượt) đối với xe nhóm 5.

Đối với Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Quảng Bình, Tasco đề nghị giảm vé loại 1 về mức 40.000 đồng/vé/lượt (11,1%); loại 2 về mức 50.000 đồng/lượt (16,7%). Các loại khác giữ nguyên như mức thu quy định tại Thông tư số 29/2015/TT – BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính, đồng thời cứ 3 năm tăng phí 9%, lãi suất vay điều chỉnh lên 12%.năm từ năm 2021 đến khi kết thúc dự án. Thời gian hoàn vốn là 19,2 năm.

Tasco kiến nghị thời gian áp dụng giảm phí cho cả hai trạm trên thực hiện từ tháng 9/2016, đồng thời cho biết là phương án đề xuất trên phù hợp với chủ trương giảm phí tại các trạm thu phí BOT của Chính phủ, đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản trả lời, theo đó, đồng ý với các kiến nghị của Bộ Tài chính về việc phương án, giải pháp và lộ trình giảm thu phí đường bộ trên quốc lộ, cao tốc.

Theo Văn bản số 8302/BTC-CST của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký ngày 20/6/2016, nguyên tắc điều chỉnh mức phí phải bảo đảm hạn chế ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án và phải được sự đồng thuận của nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án, vì đây là quan hệ hợp đồng giữa nhà đầu tư, ngân hàng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị có thể xem xét điều chỉnh mức phí đối với các dự án: Có tổng mức đầu tư giảm so với phương án duyệt do một số dự án rút ngắn tiến độ, không sử dụng hoặc sử dụng không hết chi phí dự phòng, lãi vay trong thời gian xây dựng giảm so với phương án phê duyệt… dẫn đến tổng mức đầu tư thực tế giảm so với ban đầu được phê duyệt.

Dự án có doanh thu thực tế cao hơn dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT; giảm chi phí đầu tư dự án do được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi tổng mức đầu tư của dự án đã bao gồm thuế GTGT đầu vào, trong khi đó, thuế GTGT đầu ra được tách riêng khi doanh thu tính thu phí hoàn vốn tổng mức đầu tư.

Cả nước có 86 trạm thu phí BOT do Bộ GTVT quản lý, trong  đó đã có 45 trạm đang thu phí, với  16 trạm thu theo mức Thông tư số 90/2004/TT-BTC và 29 trạm thu theo mức của Thông tư 159/2013/TT-BTC. Trong 45 trạm nói trên có 5 trạm áp dụng mức thu cao nhất, gồm 2 trạm trên Quốc lộ 5, 2 trạm thu phí Quốc lộ 1 tại cầu Bến Thủy (tỉnh Nghệ An) và trạm Cầu Gianh (tỉnh Quảng Bình).

Căn cứ vào nguyên tắc điều chỉnh giảm phí và kiến nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý không điều chỉnh giảm mức thu với các trạm thu phí trên quốc lộ có mức thu theo Thông tư 90 vì mức thu các trạm này thấp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý giảm 10-15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) của các trạm (29 trạm) có mức thu tối đa khung tại Thông tư 159.

Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm với 2 nhóm này góp phần giảm khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý giảm 10-20% mức phí đối với phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), nhóm 2 (xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của 5 trạm có mức thu phí cao nhất nói trên để bảo đảm tương đồng với các trạm thu phí khác.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư