Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ông Vũ Đặng Hùng: “Giẫm vào thủy tinh không có ích gì cho kỹ năng sống”
Tuấn Minh (infonet) - 26/08/2015 10:02
 
“Trẻ nhỏ còn rất nhiều thứ phải học từ trái đất của chúng ta như: học cách bơi trong dòng nước, đi lại, đối xử với súc vật. Con nào độc, con nào không độc, con nào dữ; Cách làm sao để tránh con ong đốt…”, ông Vũ Đặng Hùng, Công ty Mega Media chia sẻ.

- Thời gian gần đây dư luận xôn xao về việc cuốn sách của học sinh lớp 1 đưa bài tập giẫm lên thảm thủy tinh để dạy trẻ kỹ năng sống. Là một phụ huynh học sinh, ông có đồng tình với bài học này không?

Ông Vũ Đặng Hùng, Công ty Mega Media: Tôi không đồng tình với việc đó. Trẻ nhỏ còn rất nhiều thứ phải học từ trái đất của chúng ta như: học cách bơi trong dòng nước, đi lại, đối xử với súc vật. Con nào độc, con nào không độc, con nào dữ. Cách làm sao để tránh con ong đốt…Hay học cách ứng xử với thiên nhiên: trời mưa thì nên làm thế nào, nắng thì sao. Đó là kỹ năng sống với thiên nhiên, trái đất.

Cuốn sách gây tranh cãi

Còn một kỹ năng sống khác đó là làm sao để sống với ứng dụng văn minh của con người. Ví dụ như: Cứu hỏa thì phải làm như thế nào? Sử dụng điện ra sao? Xếp hàng như thế nào?... Nếu các cháu nhỏ được học những cái đó sẽ cảm thấy cuộc sống thoải mái và sống tốt hơn. Đó là kỹ năng sống.

Theo tôi, kỹ năng là một cái gì được chỉ dẫn và hướng dẫn để lặp đi lặp lại. Vậy, kỹ năng thì phải có rèn luyện và phải hiểu được bản chất của nhận thức. Tại sao chúng ta không có kỹ năng xếp hàng mặc dù học sinh ai cũng học xếp hàng. Bởi chúng ta không thật sự quan tâm đến việc học sinh xếp hàng để làm gì.

Chúng ta không dạy cho học sinh biết rằng xếp hàng để bảo đảm quyền của người đứng trước thì được trước. Như vậy, nếu mình không xếp hàng thì đã cướp đi cái quyền của người đứng trước. Đó chính là kỹ năng sống chứ không phải là xếp hàng để mua được hàng hóa.

Hay kỹ năng bơi là bơi làm sao để có thể sống được dưới nước. Bơi trong nước một cách thoải mái, hấp thụ sức khỏe do chúng ta rèn luyện dưới nước, ngộ nhỡ có rơi vào hoàn cảnh khó khăn sẽ biết cách ứng xử chứ không phải là cứ dùng sức mạnh bơi thật lực. Chúng ta phải học cách cầu cứu, bơi theo dòng chảy, bám vào vật dụng trôi nổi chứ không phải là học bơi để trở thành vận động viên.

Tôi tư duy về kỹ năng sống như vậy. Vì vậy, nếu nhìn ở góc độ như vậy thì việc giẫm vào thủy tinh không có ích gì cho kỹ năng sống cả.

Học sinh một trường học tại Hà Nội thực nghiệm việc đi trên thảm thủy tinh.

- Vậy ông nói sao về việc rèn luyện sự dũng cảm mà nhóm tác giả đưa ra?

Chúng ta có trường dạy xiếc, đi trên mảnh thủy tinh. Mảnh thủy tinh ở đây đã được người có nghề, đập và xếp lại một cách có nghề và ai cũng đi được chứ không cần có năng lực siêu phàm.

Bí quyết nằm ở chỗ đập và xếp thủy tinh. Nó giống như chúng ta làm xiếc, ảo thuật. Giống như một bộ môn sắp đặt những mảnh thủy tinh làm sao để bước cả bàn chân lên lực dồn đều lên và không gây nguy hiểm.

Nhưng trong sách giáo khoa lại nói là động viên nhau dũng cảm bước lên, nếu nói như vậy, tôi có thể đập chai bia ra và mời chủ biên bước lên xem có đứt chân không?

Không phải lòng dũng cảm bước chân lên thì sẽ không chảy máu mà nếu có dạy việc này thì có thể dạy cho các cháu biết thế nào là khoa học của lực. Chúng ta có thể dùng nhiều cách, có thể là thủy tinh, có thể là một cái đinh.

Với một cái đinh nếu chúng ta giẫm chân lên sẽ thủng ngay nhưng nếu đóng hàng vạn cái đinh sát vào nhau thì sẽ khác. Đây là do lực phân tán đều ra. Những kỹ thuật như vậy phải được phân tán đều và chỉ rõ. Đây là vấn đề khoa học về lực chứ không liên quan gì đến kỹ năng sống cả.

Theo tôi, mọi người có quyền dạy tại trung tâm của mình những kiến thức như vậy với những ai đến học còn nếu đem ra giáo dục đại trà thì không được.

- Theo ông với học sinh lớp một thì nên rèn luyện cho các cháu những kỹ năng sống như thế nào?

Nên rèn luyện cho các cháu hiểu điện là rất nguy hiểm. Cho các cháu chứng kiến việc điện có thể gây nguy hiểm thế nào vì không nhìn thấy. Cho các cháu phân biệt đâu là các đồ điện. Cho các cháu phân biệt dao thì rất nguy hiểm, những đồ vật tròn nhỏ như ngón tay có thể nuốt vào trong người. Rất nhiều trẻ em đã đút những viên bi vào lỗ mũi. Cho các cháu biết đột ngột chạy qua đường là rất nguy hiểm….

Đó là những kỹ năng thuần túy nhất để các cháu hòa nhập vào cuộc sống hiện tại hay dạy các cháu biết kỹ năng đánh răng như thế nào để đúng cách. Rồi chuẩn bị quần áo trước khi đi chơi, sách vở khi đi học. Kỹ năng tồn tại như khi gặp đám cháy các cháu phải làm thế nào….

Tôi nghĩ có rất nhiều thứ để dạy. Tôi thấy có người nói lấy kim đâm vào tay để dạy con vượt qua nỗi sợ hãi, tôi e rằng cách này là cách rèn luyện của “trường xiếc” của binh lính. Tức là rèn luyện những thứ để trở thành sắt đá. Kỹ năng sống không phải là trở nên sắt đá.

- Ông đánh giá thế nào về việc dạy kỹ năng sống hiện nay ở các trường học?

Hiện nay các trường học rất thiếu điều kiện để dạy kỹ năng sống. Chính vì vậy những nơi đào tạo kỹ năng sống được rất nhiều người chú ý cho nên tôi nghĩ những nơi nào mà có thể dạy kỹ năng thì phải dạy đúng, dạy những điều hữu ích cho xã hội.

- Sau khi gặp phải phản ứng trái chiều từ các bậc phụ huynh, nhóm tác giả cuốn sách có cho biết, việc này đã được nghiên cứu rất kỹ và an toàn. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Nếu nói là an toàn thì là hoàn toàn an toàn nhưng nó không an toàn ở tinh thần của đứa trẻ khi nghĩ rằng cứ dũng cảm là làm được. Vấn đề ở đây không thuần túy là dũng cảm mà chỉ là sự can đảm. Tuy nhiên, sự can đảm này có yếu tố nhận thức của khoa học chứ không phải là can đảm thuần túy.

Không có nghĩa là bạn giẫm được mảnh thủy tinh được thì bạn vượt qua nỗi sợ. Tôi cam đoan là nhiều học sinh nhìn thấy con gián là bỏ chạy. Vì thế không có nghĩa là nếu bạn giẫm lên mảnh thủy tinh thì ngày hôm sau bạn trở lên tự tin.

Việc giẫm lên thủy tinh nếu đã giải thích dưới góc độ khoa học thì nó không còn lại sự dũng cảm nữa mà chỉ là một sự trải nghiệm không phải là sự nỗ lực quyết tâm vì một mục đích cao đẹp nào cả.

- Vậy giả sử trong trường con ông học sẽ học môn kỹ năng này, ông sẽ hành động như thế nào?

Tôi sẽ lập tức yêu cầu nhà trường không được dạy cho con tôi điều này. Và nếu nhà trường bảo lưu quan điểm, tôi sẽ xin chuyển trường cho con tôi luôn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ông Vũ Đặng Hùng, trước đây làm việc tại Ban Thư ký tòa soạn Báo Khoa học Đời sống. Hiện ông Hùng đang công tác tại Công ty Mega Media.

 

Khánh thành Trường Giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Bình Định trong năm 2016
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, trong khuôn khổ chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Singapore vừa qua, ông Ricky...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư