Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
PCI đã giúp Quảng Ninh chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và hành động
Thu Lê - 01/04/2018 12:02
 
Hơn 10 năm đồng hành cùng bộ chỉ số PCI, Quảng Ninh đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động để cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Luôn nhìn về phía trước

Với quan điểm “Luôn nhìn về phía trước”, sau khi đăng quang ngôi vị quán quân trên bảng xếp hạng PCI 2017, sáng nay (31/3), tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu về chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Ninh năm 2017 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giảp pháp cho năm 2018. Việc tổ chức hội nghị này đã cho thấy sự cầu thị của chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Được biết, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị để phân tích chuyên sâu từng chỉ số thành phần. Và điều quan trọng nhất, qua hội nghị này cho thấy, Quảng Ninh đã không tự “ru ngủ “ mình với chiến thắng đạt được.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tân.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Tân.

Hơn 10 năm gắn bó với PCI, Quảng Ninh đã từng bước cải thiện năng lực điều hành của mình từ vị trí gần như cuối bảng (đứng thứ 58/63 tỉnh, thành) vào năm 2007 đế đứng vào top những địa phương có chất lượng điều hành nền kinh tế tốt nhất. Với Quảng Ninh, ngôi vương PCI năm 2017 chính là sự ghi nhận cho những lỗ lực trong hơn 10 năm qua nhưng cũng là áp lực lớn để duy trì được thứ hạng này.

Thẳng thắn nhìn nhận, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh rằng điểm số thành phần vẫn còn độ dãn lớn so với điểm tuyệt đối. Nó cho thấy còn nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng.

Phân tích từng chỉ số thành phần cho thấy, Quảng Ninh đã cải thiện tăng điểm 07/10 chỉ số thành phần PCI, trong đó các chỉ số chiếm tỷ trọng lớn trong PCI đều có những cải thiện nổi bật. Trong đó, Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp tăng 1.26 điểm, xếp thứ 3/63; Đào tạo lao động tăng 0.82 điểm (xếp thứ 4/63); Chi phí thời gian tăng 0.87 điểm (xếp thứ 6/63). Có 04 chỉ số nằm trong nhóm 05/63 (Chi phí gia nhập thị trường (1), Tính minh bạch (3), Cạnh tranh Bình đẳng (4), Đào tạo lao động (4). Riêng chỉ số Chi phí Gia nhập thị trường tuy có giảm điểm vẫn đứng số 01/63 tỉnh/thành phố.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo chuyên sâu các chỉ số thành phần PCI 2017 của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Tân
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo chuyên sâu các chỉ số thành phần PCI 2017 của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Tân

Chỉ số Tiếp cận đất đai, Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự có sự cải thiện tăng điểm nhưng vẫn đứng ở thứ hạng chưa cao so với các tỉnh thành phố trong cả nước. Trong 03 chỉ số giảm điểm, đáng lưu ý là chỉ số Chi phí không chính thức giảm nhiều điểm và giảm nhiều bậc nhất (giảm 0.59 điểm và giảm 19 bậc);  Tính minh bạch giảm điểm 0,04 điểm (từ 6.84 xuống 6.80 điểm) nhưng vẫn tăng 03 bậc từ vị trí số 06 lên thứ 03/63 tỉnh thành; Chi phí gia nhập thị trường giảm 0.35 điểm và duy trì thứ hạng không đổi.

Từ phân tích trên cho thấy, mặc dù có những chỉ số cải thiện tăng điểm nhưng vẫn không tăng hạng, ngược lại một số chỉ số tăng hạng nhưng thực chất giảm điểm. “Vì vậy, để có những cải thiện vượt bậc và bền vững, mục tiêu đề ra trong năm 2018 đối với tỉnh Quảng Ninh là cần cải thiện hơn nữa tổng điểm PCI, tập trung chính vào cải thiện điểm số và nâng hạng của 03 chỉ số chính: Tính Minh bạch, Chi phí không chính thức và Thiết chế pháp lý & An ninh trật tự. Việc cải thiện điểm số không chỉ so với chính mình so với cùng kỳ mà quan trọng phải so với các tỉnh/thành phố trong nhóm dẫn đầu các chỉ số thành phần”, ông Thành đưa ra giải pháp.

Đóng góp thêm ý kiến với tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Ban Pháp chế VCCI khuyên Quảng Ninh nên tập chung cải thiện những chỉ số khó  - cũng chính là những chỉ số mà Quảng Ninh và nhiều địa phương khác có điểm số còn thấp như Tính minh bạch, Thiết chế pháp lý, …

“So với những mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch số 2614/KH-UBND ngày 24/2/2017 của UBND tỉnh, 02/10 chỉ số đạt và vượt mục tiêu (chiếm 20%) và 08/10 chỉ số không đạt mục tiêu (chiếm 80%). Trong tổng số 105 chỉ số con cũ so với năm 2016, có 25/105 chỉ số con đạt và vượt mục tiêu (chiếm 23.81%) và 80/105 chỉ số con không đạt mục tiêu (chiếm 76.19%)”, ông Thành thể hiện sự lo lắng. Như vậy, công việc cần phải làm để cải thiện hơn nữa chỉ số PCI của tỉnh Quảng  Ninh là còn rất nhiều. “Vậy nên, cần phải liên tục nhìn về phía trước để tiếp tục tiến lên, không được có tư duy, thái độ bằng lòng”, ông Thành nhấn mạnh.

Thay đổi mạnh mẽ về tư duy đến từng người thực thi công vụ

Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA), từ sau khi triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở ngành, địa phương trong tỉnh theo bộ chỉ số DDCI - một trong những biện pháp hữu hiệu để cải thiện chỉ số PCI của Quảng Ninh thì Tổ công tác và IPA Quảng Ninh đã nhận được rất nhiều phản hồi cũng những những chuyển biến trong nhận thức và hành động của các đơn vị. Vui mừng nhất là “sự phản hồi mang tính không hài lòng, có phần bất mãn với kết quả DDCI từ qua 3 năm qua, đã chuyển dần sang sự đón nhận và cầu thị”. Nổi bật nhất là Cục Hải Quan Quảng Ninh đã chủ động mời đơn vị tư vấn để xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cơ sở Hải Quan (CDCI) để đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp với chất lượng phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan trong năm 2017. Kết quả là Cục Hải Quan Quảng Ninh đã đứng đầu bảng xếp hạng DDCI khối sở, ban ngành của tỉnh năm 2017.

Mới đây nhất, sau khi DDCI được công bố, nhiều đơn vị sở ngành, địa phương đã chủ động mời IPA, thành viên tổ công tác, chuyên gia đến làm việc để đánh giá cụ thể hơn những hạn chế của đơn vị mình và đề ra giải pháp để cải thiện. Những cái tên đã được bà Chi vui mừng chia sẻ là Bảo hiểm xã hội tỉnh, sở Tài nhiên và Môi trường, sở Xây dựng, thành phố Hạ Long,…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã từng nói rằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất sốt sắng việc thực hiện cải cách và hành động quyết liệt, song điều đáng lo nhất chính là sự “nhạt dần” khi xuống đến các cấp quản lý phía dưới. Nhưng có lẽ, lỗi lo này đã được giải tỏa khi các cấp chính quyền địa phương của Quảng Ninh đã có sự chuyển biến về tư duy và hành động thực sự. Thậm chí, sự chuyển biến này đã lan đến từng các phòng ban, đến từng phường xã. Việc người dân ngồi ở nhà nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, việc các công chức tại các trung tâm hành chính công, các bộ phận một cửa niềm nở tiếp đón và phục vụ công dân, việc sau khì nghỉ tết nguyên đán, các cán bộ vào việc ngay… là những biểu hiện có thể nhìn thấy ngay.

Còn ngay tại Hội nghị này, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã thẳn thắng phê bình và yêu cầu các đơn vị liên quan đến những chỉ số thành phần mà Quảng Ninh chưa có sự cải thiện mạnh như Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý, An ninh trật tự, … phải giải trình và đưa ra biện pháp khắc phục. Cục Thuế, Công an Phòng cháy chữa cháy, Sở Thông tin và Truyền thông, thị xã Quảng Yên … là những cái tên bị nêu lên.

“Nếu chúng ta không nhận thức đầy đủ, không thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế thì chúng ta sẽ lại tụt hậu. Đó là điều rất đáng lo”, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lo ngại. Hiện Quảng Ninh đang là điểm sáng, là “ngôi sao cải cách” và nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp đang dành niềm tin rất lớn, vậy nên việc để tụt hạng trong tương lai sẽ là “cái mất rât lớn” cho Quảng  Ninh như cách nói của ông Đọc.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Đọc đã đề ra mục tiêu cho năm 2018 là phải giữ vững thứ hạng chỉ số PCI đã đạt được trong năm 2017. Tiếp tục rà soát và phân tích kỹ những chỉ số, chỉ tiêu đã bị tụt hạng, tụt điểm rơi vào địa phương, đơn vị nào đang quản lý, đặc biệt là 4 chỉ số giảm thứ hạng gồm: tiếp cận đất đai, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Bản thân các cấp, các ngành, địa phương cần có các chiến lược để tăng điểm, nâng cao chỉ số nhằm tăng tăng điểm và giữ vững vị trí. Nâng cao chất lượng các trung tâm hành chính công; rà soát lại toàn bộ thủ tục hành chính để cắt giảm rườm rà nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Kết luận tại hội nghị, ông Long, đã yêu cầu các đơn vị, tổ công tác PCI phải ghi những ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và những kết luận tại hội nghị này để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể đối với 10 chỉ số. Trong đó trọng tâm vào các chỉ số mà năm 2017 bị thấp điểm, như: chỉ số tiếp cận đất đai, an ninh trật tự, chi phí không chính thức; UBND tỉnh sẽ phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách các mảng và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các nội dung đã được chỉ đạo...

Các đơn vị cần phải lắng nghe thường xuyên các ý kiến đánh giá của cộng động doanh nghiệp cũng như các thông tin trao đổi qua mạng fanpage DDCI và từ cơ quan báo chí để được tiếp thu hết sức nghiêm túc.

Ông Long cũng yêu cầu IPA cần tiếp tục đề xuất các giải pháp sáng tạo, đổi mới và cần nhân rộng mô hình đánh giá DDCI của Cục Hải quan tỉnh đối với các Chi cục hải quan; phát huy hiệu quả trang fanpage DDCI của tỉnh.

Và theo yêu cầu của ông Long, lãnh đạo các đia phương, sở ban ngành có mặt tại Hội nghị phải quán triệt được tinh thần đổi mới, cải cách này đến từng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình để tinh thần đổi mới này phải thấm nhuần đến từng người. Có như vậy “chúng ta mới có thể duy trì và phát triển những thành tích đã được”, ông Long mong muốn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư