Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
PCI không còn là cuộc đua thứ hạng
Khánh An - 17/04/2015 08:17
 
Mối quan tâm trong Bảng Xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 đã chuyển từ thứ hạng sang chất lượng thực sự của bộ máy chính quyền địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Cho đến giờ chót, danh sách hơn 200 đại biểu đại diện đăng ký tham dự Lễ công bố PCI năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng hôm qua (6/4), tại Hà Nội vẫn tiếp tục kéo dài. Không địa phương nào vắng mặt trong buỗi lễ công bố này, cho dù đó là ngôi vương hai năm liên tiếp Đà Nẵng hay Điện Biên đứng cuối bảng.

Có thể cảm giác về thứ hạng không dễ bỏ qua, nhưng đúng như lời ông Trần Văn Lương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tuyên Quang chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chính quyền địa phương đã sẵn sàng đối mặt với sự thật qua đánh giá của doanh nghiệp về cách điều hành của mình.

Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận tiện đã nâng bước nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Sơn
Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận tiện đã nâng bước nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Sơn

 

“Với sự sẵn sàng đối mặt này, thứ hạng trên Bảng Xếp hạng PCI chỉ là một trong số những thông tin mà chúng tôi muốn tìm kiếm. Hơn thế, chúng tôi phải nhìn vào bức tranh chung của toàn quốc, xem mình đang đứng ở đâu trong sự đánh giá của doanh nghiệp”, ông Lương nói.

Với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, năm nay mọi việc thuận hơn rất nhiều và cũng dễ nói hơn khi Tuyên Quang đã có cú bứt phá ngoạn mục, thoát khỏi vị trí 63/63 của PCI 2013, vượt lên vị trí 50. Nhưng so với tổng thể, Tuyên Quang vẫn ở nhóm các tỉnh ở cuối bảng xếp hạng.

“Mục tiêu của chúng tôi là đạt được mức trung bình, khoảng vị trí 30, nhưng cũng không dễ. Tỉnh đã có nghị quyết về mục tiêu này, giao nhiệm vụ chi tiết cho từng sở, ngành. Sẽ vẫn phải tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp như đã làm trong năm 2014, thông qua các diễn đàn, hội thảo và cả các cuộc cà phê thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Chúng tôi tin vào khả năng cải thiện thứ hạng vì doanh nghiệp của địa phương cũng đang chung tay, thẳng thắn nếu các kiến nghị và cùng bàn với chính quyền về giải pháp”, ông Lương nói.

Niềm tin của doanh nghiệp chính là thách thức lớn nhất của chính quyền địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Nhưng với góc độ của PCI, đây là điều kiện tiên quyết.

Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, một trong những chuyên gia khởi xướng và thực hiện PCI 10 năm trước nói, các bộ chỉ số PCI dùng để đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế và những thực tiễn tốt đã có tại các địa phương. Năm nay, trong số gần 10.000 doanh nghiệp tham gia, có gần 2.000 là doanh nghiệp mới thành lập, đảm bảo các nhân chứng sống cho từng tiêu chí thành phần trong PCI, từ tiếp cận đất đai, các loại thủ tục hành chính đến đăng ký thành lập mới…

Đây là lý do mà ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, PCI là tấm gương phản chiếu hành vi của lãnh đạo, công chức địa phương một cách sinh động nhất. “Nhìn vào các chỉ số thành phần của PCI như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính năng động của lãnh đạo tỉnh hay tính minh bạch… của các địa phương, có thể thấy ngay được hành vi ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp. Không thể nói lãnh đạo chỉ đạo tốt khi mà điểm số được doanh nghiệp chấm cho các bước thực thi là không cao. Tôi quan tâm đến điều này để xác định công việc tiếp theo là gì”, ông Hưởng thẳn thắn chia sẻ khi được hỏi về lý do tại sao Lào Cai vẫn chưa lấy lại được phong độ, đã từng đoạt ngôi vị số 1 trong Bảng xếp hạng PCI năm 2011.

Năm vừa rồi, Lào Cai cũng đã có bước “tìm lại mình” khi trở lại vị trí thứ ba của Bảng Xếp hạng PCI 2014, sau khi rơi tự do xuống vị trí thứ 17 trong PCI 2013. Điểm đáng nói trong sự trở lại này của Lào Cai chính là cách ghi điểm trong lòng doanh nghiệp bằng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DCI).

Đây là địa phương đầu tiên khai thác PCI để xây dựng DCI. “Thực hiện DCI, chúng tôi sẽ có kênh phản hồi của doanh nghiệp, người dân về chất lượng điều hành của chính quyền các huyện, thành phố - những đầu mối trực tiếp làm việc với người dân. Các đầu mối này cũng phải đối mặt với sự chấm điểm của doanh nghiệp, người dân thì mới thực sự thay đổi tư duy, cách nghĩ và cách làm được”, ông Hưởng chia sẻ điểm yếu của Lào Cai khi so sánh với Đà Nẵng.

Cũng phải nói thêm, Lào Cai là một trong những điểm sáng tiên phong của các tỉnh phía Bắc trong suốt 10 năm thực hiện PCI, cho dù điểm về hạ tầng, điều kiện cứng trong môi trường kinh doanh của Lào Cai không cao. “Chúng tôi sẽ ghi điểm bằng sự minh bạch và thay đổi thực sự. Doanh nghiệp thành công thì địa phương phát triển”, ông Hưởng nhắc lại slogan nổi tiếng của Lào Cai.

Dường như áp lực lớn nhất đang đổ lên vai chính quyền Đà Nẵng trong lần thứ hai ở ngôi số 1. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND tỉnh Đà Nẵng không ngần ngại nhắc tới áp lực này, vì những kỳ vọng mà doanh nghiệp đặt cho vị trí số 1 sẽ cao hơn, trong khi dư địa để cải thiện PCI của các trung tâm kinh tế lớn nằm nhiều ở tính năng động, tiên phong và minh bạch của chính quyền địa phương.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện việc khảo sát các doanh nghiệp độc lập để nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình. Điều quan trọng lúc này là toàn bộ các quy trình, thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh đều đã được công khai, giao đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp. Mọi sự thay đổi đều phải thực chất và thực sự”, ông Thơ nói.

Có lẽ phải nhắc lại lời của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khi nói về PCI 10 năm qua rằng, doanh nghiệp, nhà đầu tư mới chính là chủ nhân thực sự của Bảng Xếp hạng PCI, mà VCCI chỉ là người chuyển tải. “Tôi tin cuộc đua tranh của các địa phương trong việc giành sự hài lòng của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh Việt Nam tiệm cận gần hơn với chuẩn mực quốc tế”, ông Lộc khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư