Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phân loại doanh nghiệp để quản lý rủi ro về thuế
Hàn Tín - 08/06/2016 10:22
 
Để quản lý doanh nghiệp tốt hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý rủi ro, Bộ Tài chính sẽ ban hành hành Hệ thống chỉ tiêu về người nộp thuế là doanh nghiệp.

Hệ thống chỉ tiêu về người nộp thuế là doanh nghiệp (Bộ tiêu chí) này có 60 tiêu chí khác nhau. Theo ông Bùi Khánh Toàn, Phó trưởng ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), Bộ tiêu chí sẽ góp phần phân loại chính xác ý thức chấp hành pháp luật thuế của doanh nghiệp, từ đó cơ quan thuế có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn, thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế.

“Quản lý rủi ro dựa trên Bộ tiêu chí này chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tự nguyện thực hiện các chính sách thuế, đồng thời cũng giảm khối lượng công việc cho cơ quan thuế khi mà số lượng doanh nghiệp sẽ tăng lên 2 triệu vào năm 2020, trong khi biên chế của ngành thuế khó có thể tăng, thậm chí còn giảm do thực hiện chính sách tinh giản biên chế”, ông Toàn nhấn mạnh.

Bộ tài chính sẽ ban hành hệ thống chỉ tiêu về người nộp thuế là doanh nghiệp để phân loại ý thức chấp hành pháp luật thuế
Bộ Tài chính sẽ ban hành hệ thống chỉ tiêu về người nộp thuế là doanh nghiệp để phân loại ý thức chấp hành pháp luật thuế

Hiện tại, Hệ thống chỉ tiêu về người nộp thuế đang được lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia vế thuế, tài chính, kế toán. Tuy nhiên, theo ông Toàn, với bản dự thảo hiện tại, sau khi hoàn thiện sẽ là Bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp một cách chính xác, vì toàn bộ thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp từ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, chấp hành chế độ quản lý thuế, báo cáo tài chính, chấp hành quy định về thanh tra, kiểm tra và các quy định liên quan đến Luật Kế toán, Luật Hải quan... đã được Tổng cục Thuế cập nhật đầy đủ trên cơ sở bộ dữ liệu sẵn có và kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước khác như hải quan, kho bạc, tài chính…

“Trên cơ sở hệ thống dữ liệu sẵn có, căn cứ vào Bộ tiêu chí, cơ quan thuế tiến hành phân loại doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách thuế, chưa chấp hành tốt, đối tượng còn lại là chấp hành bình thường. Từ danh sách xếp loại, cơ quan thuế sẽ đưa ra cách quản lý thuế khác nhau đối với từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp được xếp vào diện tốt sẽ ưu tiên hoàn thuế trước, kiểm tra sau; giảm thời gian và tần suất thanh tra, kiểm tra; ưu tiên thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Với các doanh nghiệp chưa chấp hành chưa tốt thì có cách quản lý chặt chẽ hơn. Danh sách này sẽ được thay đổi liên tục, tùy thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật thuế, vì thế có đơn vị năm nay được xếp hạng trung bình, sang năm có thể được xếp hạng tốt và ngược lại”, ông Toàn cho biết thêm.

Phó tổng giám đốc Deloitte Vietnam, ông Bùi Ngọc Tuấn đồng tình với việc phải ban hành Bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp chấp hành chính sách thuế để thực hiện quản lý rủi ro, nhưng ông cũng hết sức băn khoăn vì việc xếp hạng là do ý thức chủ quan của cơ quan thuế, nên có trường hợp thiếu chính xác.

Từ thực tế thanh tra giá chuyển nhượng, nhằm mục tiêu chống chuyển giá trong thời gian vừa qua, ông Tuấn cho biết, thông qua các công ty kiểm toán, rất nhiều doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu về giá chuyển nhượng theo đúng giá thị trường, chứng minh cho cơ quan thuế thấy rằng giá mà họ đã giao dịch là giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm chuyển nhượng; dữ liệu về giá hàng hóa, dịch vụ cũng đã được nhiều cơ quan có uy tín trong khu vực công bố công khai. Tuy nhiên, khi vào thanh tra, cơ quan thuế vẫn cho rằng giá của doanh nghiệp không theo giá thị trường, có hành vi chuyển giá, nhưng lại không đưa ra được bất cứ cơ sở nào để chứng minh giá của doanh nghiệp là giá phi thị trường.

“Bộ tiêu chí đưa ra để xếp hạng doanh nghiệp phải khách quan, khoa học, dễ so sánh, kiểm chứng. Bởi nếu không, doanh nghiệp nào đó chấp hành tốt pháp luật về thuế mà bị xếp vào hạng không chấp hành tốt và công khai danh tính, thì không những ảnh hưởng đến quan hệ giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác”, ông Tuấn khuyến cáo.

Cũng theo ông Tuấn, cơ quan thuế nên đưa thêm tiêu chí chấp hành tốt pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vào Hệ thống chỉ tiêu về người nộp thuế là doanh nghiệp. Bởi trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách thuế, nhưng lại chây ỳ, trốn, né đóng bảo hiểm y tế, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

“Kể từ ngày 1/1/2018, cách tính mức đóng BHXH sẽ thay đổi (tính trên thu nhập của người lao động thay vì tính trên bảng lương), nên số tiền doanh nghiệp đóng BHXH của doanh nghiệp sẽ nhiều lên, nếu không đưa tiêu chí này vào để xếp hạng doanh nghiệp thì tình trạng trốn, né, chây ỳ đóng BHXH sẽ gia tăng”, ông Tuấn cảnh báo.  

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng, cơ quan thuế chỉ có chức năng đánh giá doanh nghiệp chấp hành tốt thủ tục hành chính thuế nhằm phục vụ cho công tác quản lý rủi ro, còn đánh giá chấp hành tốt hay không tốt pháp luật về bảo hiểm y tế, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là công việc của Cơ quan BHXH Việt Nam. “Mỗi cơ quan một chức năng, nhiệm vụ khác nhau, thực hiện công việc quản lý nhà nước khác nhau, không nên giẫm chân lên nhau”, ông Thanh bày tỏ quan điểm.

Treo nợ thuế vì thiếu... cơ chế
Theo Cục Hải quan Hà Nội, có một số trường hợp phát sinh nợ thuế, tiền chậm nộp không có khả năng thu hồi mà Luật Quản lý thuế chưa bao quát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư