Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phí bảo hiểm tín dụng tại các quốc gia mới nổi tăng cao
Phí bảo hiểm tín dụng (CDS) đo lường khả năng sinh lời (không bao gồm chi phí đầu tư) mà nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu đối với việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ của một quốc gia khác. Phí CDS không chỉ bị tác động bởi những sự kiện trong một quốc gia, mà còn bởi những sự kiện quốc tế. Mức phí CDS càng cao, thì khả năng rủi ro khi đầu tư càng lớn.

Nếu như nửa đầu năm 2015, CDS của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines chỉ dao động trong biên độ hẹp và thay đổi không nhiều, thì trong quý III, CDS của các quốc gia này đã tăng mạnh, chủ yếu vì những tác động từ diễn biến kinh tế thế giới, như việc đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất và suy thoái kinh tế Trung Quốc.

Tính tới hết quý III/2015, CDS của Việt Nam đã tăng 93 điểm cơ bản (1 điểm cơ bản tương đương với 1/100 của 1%) so với quý trước đó, đạt mức 297,5 điểm. Mức phí trung bình của Việt Nam gần như tăng liên tục trong suốt cả quý.

.
Phí CDS của Việt Nam đã tăng mạnh trong quý III/2015

Tuy vậy, so với các nước Đông Nam Á khác, mức tăng CDS của Việt Nam chưa phải là cao nhất. Mức phí bảo hiểm của Indonesia đã tăng tới 101,5 điểm cơ bản so với cuối quý II. CDS của Thái Lan và Philippines tăng lần lượt 62,5 và 41,48 điểm cơ bản so với quý trước đó.

Trong quý III vừa qua, nền kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động, ảnh hưởng đặc biệt tới các thị trường mới nổi. Những biến động này tác động tiêu cực tới các quốc gia mới nổi, khiến mức phí bảo hiểm tín dụng CDS tăng vọt trong quý III, đồng thời khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi những thị trường này.

Tác động đầu tiên là những đồn đoán về việc Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong suốt 10 năm qua trong kỳ họp tháng 9. Việc tăng lãi suất cơ bản tại Mỹ sẽ tác động không nhỏ tới thị trường các quốc gia mới nổi. Mức lãi suất tăng sẽ thu hút các nhà đầu tư trở lại với thị trường Mỹ, nơi đầu tư an toàn hơn so với các nền kinh tế mới.

Các nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để trở lại với thị trường Mỹ, nên tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu và trái phiếu tại các nước này. Điều đó sẽ khiến CDS của các quốc gia mới nổi tăng, trong khi CDS của Mỹ giảm hoặc không đổi.

Những đồn đoán về việc Fed nâng lãi suất vẫn luôn là chủ đề bàn tán từ đầu năm tới nay. Trong quý III vừa qua, những số liệu kinh tế tích cực về thị trường lao động Mỹ và hoạt động đầu tư kinh doanh đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư cho rằng, Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 9.

Bên cạnh đó, những đồn đoán về việc tăng lãi suất của Mỹ cũng khiến USD tăng giá so với đồng tiền của các quốc gia khác. USD tăng giá mạnh trên thị trường tiền tệ tạo nên sức ép tăng CDS đối với các quốc gia mới nổi, khi giá trị của các khoản nợ ngoại tệ bằng USD của các quốc gia này đều gia tăng.

Không chỉ Mỹ, mà những biến động của nền kinh tế Trung Quốc cũng có những tác động không nhỏ tới các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn khu vực, tới đồng nội tệ và hoạt động thương mại của các quốc gia này, khiến CDS của các thị trường mới nổi tiếp tục gia tăng.

Một loại số liệu kinh tế không mấy khả quan, thị trường chứng khoán lao dốc và sự suy thoái của thị trường bất động sản đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải phá giá nhân dân tệ. Để đảm bảo tính cạnh tranh của mình trên thị trường thương mại, một loạt quốc gia trong khu vực buộc phải phá giá đồng nội tệ của mình, khiến các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ có thể xảy ra.

Kinh tế Trung Quốc suy giảm cũng kéo theo những lo ngại về tình hình xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi sang thị trường Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã lần lượt điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á vì những suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. Theo ADB, GDP của Trung Quốc giảm 1% có thể kéo theo mức giảm 0,7% của nhóm 5 quốc gia xuất khẩu nguyên liệu. Đặc biệt, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến giá dầu giảm sâu trong quý III do cung thừa - cầu yếu và ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu dầu thô của các nước xuất khẩu dầu (trong đó có Việt Nam) và tới ngân sách của các quốc gia này.

Bên cạnh đó, việc tăng phí CDS trong quý III cũng một phần đến từ những yếu tố kinh tế nội tại và những diễn biến chính trị xã hội của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, vụ đánh bom ở Bangkok (Thái Lan) cuối tháng 8/2015 đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch của nước này.

Với Việt Nam, mặc dù tăng trưởng GDP khá tích cực so với các quốc gia khác trong khu vực, nhưng nước ta chịu nhiều sức ép từ nợ công và cán cân thương mại. Nợ công của Việt Nam đã tăng lên mức 59,6% GDP. Đồng thời, trong quý III, Việt Nam nhập siêu tới 124,5 tỷ USD. Đó cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến phí CDS của Việt Nam tăng mạnh trong quý III/2015.

Tái cơ cấu ngân hàng: Vai trò của bảo hiểm tiền gửi quá yếu ớt ?
Sử dụng tiền ngân sách song Bảo hiểm tiền gửi chưa chứng tỏ được vai trò của mình. Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư