Thông tin đáng chú ý trong phiên sáng nay là cặp đôi có vốn hóa lớn ROS và SAB được thêm vào rổ MSCI Frontier Markets Index, nâng tổng số cổ phiếu Việt Nam trong danh mục này lên con số 11, giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Với thông tin hỗ trợ khá tích cực này, cặp đôi ROS và SAB đã tăng khá mạnh, hỗ trợ tốt cho thị trường khởi sắc.

Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục hưng phấn khi bước sang phiên giao dịch chiều cuối tuần. Cũng như những phiên gần đây, dòng tiền sôi động tiếp tục chảy mạnh vào thị trường giúp sắc xanh lan rộng hơn trên bảng điện tử, đưa chỉ số VN-Index lên cao hơn, bất chấp lực cản đến từ các trụ cột VNM, MSN và VIC.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 141 mã tăng và 104 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 3,13 điểm (+0,45%) lên 703,78 điểm. Thanh khoản tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt 138,32 triệu đơn vị, giá trị 3.068,28 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 9,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 363 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa nhẹ với 12 mã tăng, 14 mã giảm và 4 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,01%) xuống 658,78 điểm.

Diễn biến VN-Index phiên 10/2
Diễn biến VN-Index phiên 10/2

 

Trong khi đó, các cổ phiếu lớn trên sàn HNX vẫn hỗ trợ tốt cho đà tăng thị trường giúp HNX-Index giữ vững mốc 86 điểm. Với mức tăng 0,39 điểm (+0,45%), HNX-Index đóng cửa tại mốc 86,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,57 triệu đơn vị, giá trị 385,29 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 1,26 điểm (+0,82%) lên 155,36 điểm với 10 mã tăng, 9 mã giảm và 10 mã đứng giá.

Ở nhóm cổ phiếu bluechip, “ông lớn” VNM chính thức chia tay sắc xanh sau 3 phiên tăng liên tiếp và quay đầu giảm 0,2%, đóng cửa tại mức 133.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thành công đạt hơn 2 triệu đơn vị, là một trong những nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường.

Trong khi đó, trụ cột VIC và MSN tiếp tục đóng vai trò là lực hãm thị trường, với mức giảm tương ứng 0,4% và 1,2%.

Ở nhóm cổ phiếu thép, trong khi các mã khác vẫn giữ sắc xanh, POM tiếp tục tăng trần thì 2 cổ phiếu đầu ngành là HSG và HPG lại quay đầu giảm, với biên độ giảm tương ứng 0,8% và 0,4%.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, cặp đôi BID và CTG trên sàn HOSE cùng ACB trên sàn HNX vẫn là điểm sáng của ngành. Cụ thể, BID tăng 1,5% lên mức cao nhất ngày 17.100 đồng/CP và khớp 3,88 triệu đơn vị; CTG tăng 2,8% lên mức 18.550 đồng/CP và khớp 3,57 triệu đơn vị; ACB tăng 0,8% lên mức 23.900 đồng/CP và khớp 2,35 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu trong nhóm dầu khí cũng tăng khá tốt như PVD và GAS cùng tăng 1,7%, PVS tăng 2,8%, PGS tăng 1,2%...

Tâm điểm đáng chú ý trong phiên cuối tuần là nhóm cổ phiếu thị trường. Dòng tiền chảy mạnh giúp các mã đua nhau tăng mạnh, số mã tăng trần cũng mở rộng hơn với tổng cộng có 36 mã tăng trần trên cả 2 sàn.

FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản với 10,72 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và đóng cửa tại mức giá 5.590 đồng/CP, tăng 1,5%. Tiếp đó, HQC và OGC cùng khớp 6,8 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, sau cảnh báo có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, TTF đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp. Với mức tăng 6,8%, TTF đóng cửa phiên cuối tuần tại mức giá 5.310 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thành công đạt 427.980 đơn vị.

HKB đã khởi sắc trở lại, tuy không còn giữ được sắc tím. Đóng cửa, HKB tăng 4% lên mức 2.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Trên sàn UPCoM, dòng tiền vẫn hạn chế khiến giao dịch thiếu sức nóng. Những tưởng UPCoM-Index sẽ đóng cửa trong sắc xanh bởi nhịp hồi nhẹ khi gần về cuối phiên nhưng cuộc chiến đã không thành.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,06%) đứng tại mức 54,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,67 triệu đơn vị, giá trị 79,46 tỷ đồng.

Trong phiên hôm nay, HVN giao dịch khá tích cực, với mức tăng 11,14% đóng cửa tại mức giá 42.900 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 439.000 đơn vị. Bên cạnh đó, ACV tăng 1,2% lên mức 50.800 đồng/CP và khớp hơn 0,7 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, TVN quay đầu giảm 5,4% xuống mức 7.000 đồng/CP với khối lượng khớp 1.100 đơn vị; MCH giảm 1,7% xuống 76.000 đồng/CP và khớp 13.900 đơn vị.