Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường giao dịch khá trầm lắng. Cùng với lực cầu hãm mạnh, các cổ phiếu bluechip cũng phân hóa trong biên độ hẹp khiến thị trường thiếu sức để bật cao. Trong nhóm VN30 có 12 mã tăng,16 mã giảm và 2 mã đứng giá. Kết phiên, VN30-Index tăng 1,21 điểm (+0,17%) lên 697,93 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,46 điểm (+0,2%) lên 731,33 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 210,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.601 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 13,26 triệu đơn vị, giá trị 507,72 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 11/4
Diễn biến VN-Index phiên 11/4

Nếu trong phiên sáng, nhóm ngân hàng hầu hết đều giảm điểm, đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường, thì sang phiên chiều, nhóm cổ phiếu này đã đảo chiều, thay thế các mã họ P dẫn dắt thị trường duy trì đà tăng điểm. Cụ thể, VCB tăng 0,54%, CTG tăng 1,12%, MBB tăng 2,29%.

Bên cạnh đó, các trụ cột chính của thị trường dù có chút rung lắc nhưng cũng đã hồi phục về cuối phiên, đóng góp tích cực vào đà tăng của VN-Index như VNM tăng 0,63%, VIC tăng 0,35% hay các mã lớn như MWG tăng 1,5%, ROS tăng 0,83%, VJC tăng 0,76%, KDC tăng 3,46%...

Trong phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu khoáng sản cũng đã tạo sóng khi hầu hết các mã đều đua nhau tăng mạnh. Trong đó, LCM và DHM cùng tăng trần và cùng dư trần hơn 0,1 triệu đơn vị; các mã khác như LBM tăng 2,08%, KSB tăng 3,57%, KSB, KSH cũng tăng nhẹ…

Trái lại, GAS sau 3 phiên tăng liên tiếp đã đảo chiều giảm 0,2%, xuống mức 56.800 đồng/CP; còn các mã khác trong họ như PVC, PVB, PGS đều quay về mốc tham chiếu.

Cộng thêm đó, khá nhiều mã lớn cũng quay đầu giảm hoặc nới rộng biên độ như BVH, MSN, FPT, BMP, HPG, HSG, CTD, SAB… có mức giảm trên dưới 1%, đóng vai trò là lực hãm thị trường.

Tâm điểm đáng chú ý trong phiên chiều chính là nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ khi nhiều mã chịu áp lực bán ra mạnh và quay đầu giảm sâu, thậm chí chạm sàn. Điển hình là cặp đôi HQC và ITA đều giảm trên dưới 6,8% và đóng cửa tại mức giá sàn. Trong đó, HQC đã chuyển nhượng thành công 29,88 triệu đơn vị và dư bán sàn 48.070 đơn vị; còn ITA có khối lượng khớp lệnh đạt 19,84 triệu đơn vị và dư bán sàn 235.340 đơn vị.

Bên cạnh đó, FLC sau phiên hồi phục hôm qua cũng đã trở lại giao dịch trong sắc đỏ ở phiên chiều. Với mức giảm 2%, FLC kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày 8.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh thành công đạt 26,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, DXG giảm 1,74% xuống mức giá 22.600 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa chính của thị trường khi nhóm HNX30 có 15 mã tăng, chỉ 6 mã giảm và 8 mã đứng giá. Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,22%) lên 90,63 điểm. Thanh khoản tăng mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 78,48 triệu đơn vị, giá trị 735,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 7,63 triệu đơn vị, giá trị 252,67 tỷ đồng.

Trong đó, ACB là nguyên nhân chính hãm đà tăng thị trường. Lực bán tiếp tục tăng cao đã đẩy ACB lui về mức giá thấp nhất ngày 23.700 đồng/CP, giảm 2,87% với khối lượng khớp lệnh đạt 3,45 triệu đơn vị.

Trái lại, người anh em cùng họ SHB lại bùng nổ. Chịu áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài khá lớn khi bán ròng hơn 1,33 triệu đơn vị nhưng SHB vẫn duy trì được mức tăng cao với khối lượng khớp lệnh khủng. Cụ thể, SHB tăng 7,94%, kết phiên tại mức giá 6.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 35,55 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí có phần trầm lắng hơn thì các mã lớn trong nhóm bất động sản trên sàn HNX lại duy trì đà tăng khá tích cực cùng giao dịch mạnh, như HUT tăng hơn 3,7% với khối lượng khớp lệnh 2,3 triệu đơn vị; VCG tăng 1,95% và khớp 1,86 triệu đơn vị, CEO tăng 2,54% và khớp 4,21 triệu đơn vị…

Cũng giống sàn HNX, chỉ số trên sàn UPCoM cũng có phần thu hẹp hơn về cuối phiên. Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,69%) lên 57,46 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,66 triệu đơn vị, giá trị 94,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1,4 triệu đơn vị, giá trị gần 42 tỷ đồng.

Trong đó, HVN ghi nhận phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp, kết phiên tại mức giá 25.500 đồng/CP, giảm 3,4% và khối lượng giao dịch đạt 643.281 đơn vị. Ngoài ra, các mã lớn khác cũng đóng vai trò là lực hãm như FOX giảm 2,8%, ACV giảm gần 0,6%, SAS giảm 0,78%...

Trái lại, MCH vẫn duy trì đà tăng 1,72%, VIB tăng 1,07%, VIC tăng 0,73%, VGT tăng 0,83%...

SWC là cổ phiếu giao dịch mạnh nhất trên sàn với khối lượng giao dịch đạt 691.100 đơn vị và đóng cửa tại mức giá 21.100 đồng/CP, tăng 3,94%.