Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Phiên 1/3: Cổ phiếu "vua" đuối sức, VN-Index quay đầu giảm điểm
Nhóm cổ phiếu hỗ trợ VN-Index trong những phiên gần đây là ngân hàng đã bị chốt lời mạnh và đồng loạt quay đầu giảm giá. Mất chỗ bấu víu, VN-Index chính thức quay đầu giảm điểm sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Điểm tích cực của phiên đầu tháng 3 là sức cầu thị trường vẫn rất tốt, giúp VN-Index hãm bớt đáng kể đà rơi.
Điểm tích cực của phiên đầu tháng 3 là sức cầu thị trường vẫn rất tốt, giúp VN-Index hãm bớt đáng kể đà rơi.

Ngay khi thị trường mở cửa, VN-Index đã giảm điểm do áp lực chốt lời xuất hiện sớm. Tuy nhiên, chỉ số cũng nhanh chóng hồi phục khi lực cầu gia tăng và động lực chính vẫn là nhóm ngân hàng. Thậm chí, VN-Index trong phiên sáng có thời điểm đã gần tiếp cận mốc 1.130 điểm.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ một mình nhóm ngân hàng là chưa đủ để nâng đỡ thị trường trước mức 1.130 điểm  - mốc cản rất mạnh từ tháng 1 khiến VN-Index nhiều phen chao đảo từ đó cho đến nay. 

Điều này một lần nữa thể hiện trong phiên giao dịch chiều 1/3 khi ngay sau giờ nghỉ, áp lực bán ồ ạt khiến VN-Index rơi thẳng về mốc 1.110 điểm, tức giảm gần 15 điểm so mới mức chốt phiên sáng. Điểm tích cực là sức cầu thị trường vẫn rất tốt, giúp VN-Index hãm bớt đáng kể đà rơi.

Đóng cửa phiên giao dịch 1/3, VN-Index giảm 5,75 điểm (-0,51%) về 1.115,79 điểm với 171 mã giảm và 126 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 227,40 triệu đơn vị, giá trị 7.328,55 tỷ đồng, tăng 2,23% về khối lượng, nhưng giảm 6,68% về giá trị so với phiên 28/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,23 triệu đơn vị, giá trị 920,37 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 4,73 triệu cổ phiếu NVL, giá trị hơn 389 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu hỗ trợ và "cứu vớt" VN-Index trong những phiên gần đây bị chốt lời mạnh và đồng loạt quay đầu giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là BID và VCB khi mất hơn 3%.

Cụ thể, trên sàn HOSE, toàn bộ 8 mã ngân hàng đều đồng loạt giảm. CTG (-2,7%, xuống 32.700 đồng), VCB (-3,1%, xuống 71.500 đồng), BID (-3,1%, xuống 37.800 đồng), MBB (-1,5%, xuống 33.900 đồng), STB (-2,2%, xuống 15.750 đồng), HDB (-1%, xuống 43.950 đồng), VPB (-0,7%, xuống 59.200 đồng) và EIB (-1,3%, xuống 15.300 đồng). 

Dòng tiền tiếp tục tập trung tại nhóm này nên thanh khoản các cổ phiếu ngân hàng đều rất cao. CTG khớp 20,6 triệu đơn vị - dẫn đầu sàn, STB đứng thứ 2 với 17,47 triệu đơn vị được khớp. Ngoại trừ EIB, các mã khác khớp lệnh từ 2-8 triệu đơn vị. 

Trong bối cảnh nhóm ngân hàng bị bán mạnh, các trụ đỡ khác như chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng... duy trì khá tốt đà tăng để hỗ trợ chỉ số. Đáng chú ý, SSI bật tăng 2,4%, thanh khoản cũng vọt lên hơn 8,97 triệu đơn vị. Các mã HPG, HSG, NVL, ROS... cũng tăng tương đối mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, với lượng khớp từ 1-6 triệu đơn vị.

Dưới áp lực chốt lời, nhóm cổ phiếu thị trường đa phần giữ sắc đỏ, trong đó có FLC, KBC, IDI, DXG, HNG, ITA, ASM, HAI, GTN, QCG, OGC, DLG... FLC khớp lệnh cao nhất nhóm, đạt 4,2 triệu đơn vị. 

VHG có phiên giảm giảm sàn thứ 3 liên tiếp về 900 đồng, khớp lệnh 1,892 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã HAR, DRH, VOS, NVT, CDO... tăng trần, riêng HAR khớp lệnh 3,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến giao dịch vẫn khá tương đồng so với HOSE, song thanh khoản lại tăng mạnh. 

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,74%) về 127,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,26 triệu đơn vị, giá trị 1.254,22 tỷ đồng, tăng 20,23% về khối lượng và 31,98% về giá trị so với phiên 28/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,36 triệu đơn vị, giá trị 131,77 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 3,3 triệu cổ phiếu SHB, giá trị hơn 42,79 tỷ đồng.

Hầu hết các mã lớn trên sàn HNX đều giảm điểm, trong đó có ACB, SHB, PVS, PVC, NTP, MAS, LAS, BDC... SHB giảm 3,1% và khớp 19,12 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. PVS giảm 2,4%, khớp lệnh 6,139 triệu đơn vị, đứng sau SHB. ACB giảm 2,1%, khớp lệnh 5,377 triệu đơn vị.

VCS và L14 bất ngờ tăng trần, đạt lần lượt 54.800 đồng và VCS đạt 235.200 đồng. Hôm nay là ngày chốt quyền mua cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 12.000 đồng/CP. Còn VCS vừa trình phương án trả cổ tức tỷ lệ 100%. Cũng đạt sắc tím kèm thanh khoản cao là DS3 và VE9. 

VCG và SHB cùng tăng mạnh, khớp lệnh cao, đạt 4,8 triệu và 5,7 triệu đơn vị. Cũng khớp hơn 4 triệu đơn vị là PVX và TDN, nhưng 2 mã đều giảm điểm.

NBC có sự đột biến về thanh khoản với hơn 5 triệu cổ phiếu được khớp, song giảm sàn về 8.000 đồng.

Trên sàn UPCoM, chỉ số sàn này càng về cuối càng đuối. Thanh khoản sụt giảm.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,45%) về 59,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,32 triệu đơn vị, giá trị 192,58 tỷ đồng, giảm 14,57% về khối lượng và 23,5% về giá trị so với phiên 28/2. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Trong ngày đầu tiên giao dịch, BSR là ngôi sao của UPCoM khi leo lên mức giá trần 31.100 đồng khi đóng cửa và có thêm khoảng 3 triệu đơn vị được sang tên trong phiên chiều, nâng tổng khớp cả phiên lên 14,16 triệu đơn vị và còn dư mua ở mức giá trần hơn 1,69 triệu đơn vị.

4 mã có thanh khoản cao tiếp sau là LPB với 3 triệu đơn vị, HVN, VIB và PXL cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị, song đều giảm điểm. Nhiều mã lớn khác cũng giữ sắc đỏ như DVN, VGT, MSR, QNS, SDI, LTG, SKH...

Nhà đầu tư chứng khoán rục rịch tìm "hàng" mùa đại hội
Sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng bước vào mùa đại hội 2018. Đâu là những cổ phiếu có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư