Tuy nhiên, đà tăng chỉ vững hơn trong phiên chiều khi đa phần cổ phiếu vốn hóa cùng tăng điểm. Trước đó, dù tăng điểm, song VN-Index diễn biến khá giằng co bởi sức cầu chưa mạnh.

Trong phiên chiều nay, không chỉ các bluechips, mà sắc xanh còn lan tỏa sang nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp VN-Index nhẹ nhàng chinh phục mốc 825 điểm.

Chưa dừng lại ở đó, trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), thị trường đã có cú “đề pa” bất ngờ, giúp VN-Index tăng vọt qua mốc 828 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày với thanh khoản cũng được cải thiện mạnh.

Đóng cửa, với 146 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 8,86 điểm (+1,08%) lên 828,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 177,22 triệu đơn vị, giá trị 3.914,85 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,86% về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 3,64% về giá trị so với phiên 16/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,9 triệu đơn vị, giá trị 575,82 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 2,93 triệu cổ phiếu VPB ở mức giá trần, giá trị hơn 127 tỷ đồng và 3,11 triệu cổ phiếu MSN, giá trị hơn 179 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 17/10
Diễn biến VN-Index phiên 17/10

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ STB, còn lại đều tỏa sáng trong phiên giao dịch hôm nay. 

Cụ thể, BID tăng tới 5,7% lên 21.500 đồng/CP và khớp tới 5,85 triệu đơn vị, mạnh nhất nhóm. Việc được khối ngoại mua ròng hơn 0,8 triệu đơn vị đã hỗ trợ không nhỏ cho đà tăng của cổ phiếu này. Cùng khớp được hơn 5 triệu đơn vị, song MBB tăng khiêm tốn hơn, đạt 1,5% lên 23.450 đồng/CP.

VCB cũng tăng 5% lên 41.000 đồng/CP và khớp lệnh 3,06 triệu đơn vị. CTG tăng 1,3%, lên 19.400 đồng với hơn 3 triệu đơn vị đươc khớp. VPB tăng 1,5% lên 41.200 đồng/CP, qua đó củng cố vị thế cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất.

Ngoài VCB và BID, trong top 10 mã vốn hóa, có 6 mã khác cùng tăng điểm và chỉ duy nhất MSN giảm điểm. Trong khi các mã ngân hàng tạo lực đẩy thì SAB đóng vai trò “dây kéo” của thị trường. SAB hiện đang trên đường test lại vùng đỉnh cũ 280.000-290.000 đồng/CP khi kết phiên này với mức tăng 2,6% lên 279.000 đồng/CP.

Sắc xanh cũng chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 19 mã tăng so với 10 mã giảm. Thanh khoản của các cổ phiếu này khá tích cực.

Đối với nhóm cổ phiếu thị trường, sau 9 phiên trần liên tiếp, HAI chính thức nằm sàn về mức 11.950 đồng/CP với hơn 5,88 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn 3,17 triệu đơn vị.

FLC dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với 17,5 triệu cổ phiếu được sang tên, song cũng giảm 3,6% về 7.600 đồng/CP. AMD đứng giá tham chiếu. Riêng ROS vẫn tăng 0,52% lên 115.500 đồng/CP, qua đó tiếp tục kéo dài chuỗi tăng liên tục lên con số 14.

Nhiều cổ phiếu nhỏ có được sắc tím như IDI, KSA, PPI, VOS, CLG… IDI có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp lên 7850 đồng/CP, khớp lệnh 2,36 triệu đơn vị. KSA khớp 1,09 triệu đơn vị. 

Không suôn sẻ như HOSE, sàn HNX diễn biến rung lắc rất mạnh, thậm chí có thời điểm đã lùi qua tham chiếu. Tuy nhiên, cũng giống HOSE, phiên bùng nổ ATC đã kéo HNX-Index tăng vọt lên mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,5%) lên 109,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt đạt 50,14 triệu đơn vị, giá trị 560,39 tỷ đồng, tăng 11,5% về khối lượng và 5,26% về  giá trị so với phiên 16/10.

Nhóm cổ phiếu bluechips trên sàn HNX giao dịch yếu nên không hỗ trợ cho chỉ số sàn này. Các mã như PVS, PVC, PVI, VCG, MAS, đồng loạt giảm; CEO, HUT, LHC, VNR đứng giá tham chiếu. Một số mã trụ còn tăng điểm là ACB, SHB, SHS, NTP, LAS, VCS, VC3, BVS…

SHB khớp lệnh 13,63 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn và vượt trội so với phần còn lại. KLF đứng thứ 2 với 7 triệu đơn vị được khớp, nhưng giảm điểm. Ngoài ra, cũng chỉ có thêm 8 mã có lượng khớp từ 1-2 triệu đơn vị.

Trên HNX có khá nhiều mã thị giá nhỏ tăng trần như HVA, PGC, VIG, KSQ, PVV, VAT, SD7, MCO…, song thanh khoản không cao.

Tương tự, sàn UPCoM cũng may mắn được “cứu” chỉ trong ít phút trước khi đóng cửa, trong khi trước đó giao dịch dưới tham chiếu, thanh khoản rất yếu ớt.

Chốt phiên, với 58 mã tăng và 64 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,13%) lên 54,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 8,2 triệu đơn vị, giá trị 136,34 tỷ đồng, giảm 41,84% về khối lượng và 64,24% về giá trị so với phiên 16/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,38 triệu đơn vị, giá trị 59,44 tỷ đồng.

LPB tiếp tục đóng vai tro ngôi sao trên sàn UPCoM với lượng khớp 2,35 triệu đơn vị, chiếm hơn 1/4 lượng khớp toàn sàn, kết phiên tăng 6,3% lên 13.400 đồng/CP. Đây cũng là phiên tăng thứ 2 liên tục của cổ phiếu này và phiên tăng thứ 3 kể từ khi chào sàn ngày 5/10. Dường như LPB đang trên đường tìm lại mức giá của ngày chào sàn là 14.200 đồng/CP.

Ngoài LPB, 5 mã có thanh khoản đứng sau đều không đến ngưỡng 1 triệu đơn vị. DDV vẫn giữ ở mức trần 8.100 đồng/CP và khớp lệnh đứng thứ 2 với hơn 900.000 đơn vị được khớp.

Các mã HVN, DVN, ART, SDI, SAS… có được sắc xanh. Ngược lại, giữ sắc đỏ có GEX, MSR, VIB, ACV, LTG…

Chứng khoán phái sinh phiên 17/10 có 7.467 hợp đồng được giao dịch, giá trị 608,7 tỷ đồng, giảm 8,7% so với phiên 16/10.