Áp lực chốt lời từ 2 phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó, cộng thêm chịu ảnh hưởng từ đà giảm của TTCK thế giới, chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên sáng nay 18/10 với mức giảm khá mạnh.

Cùng với đó, dòng tiền vào thị trường khá nhỏ giọt do tâm lý thận trọng trước lượng cung hàng lớn khiến đà hồi phục của VN-Index bị hạn chế đáng kể, dù đã có những nỗ lực.

Đây cũng là lý do hạn chế động lực hồi phục của thị trường, nên dễ hiểu khi áp lực xả tăng mạnh về cuối phiên thị đà giảm của VN-Index cũng tăng theo, đồng thời khiến thanh khoản sụt giảm mạnh.

Đóng cửa, với 99 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index giảm 8,13 điểm (-0,84%) xuống 963,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 145,46 triệu đơn vị, giá trị 3.258 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên 17/10.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,34 triệu đơn vị, giá trị gần 562 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 2,9 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 227 tỷ đồng; 5,7 triệu cổ phiếu SAM, giá trị gần 45 tỷ đồng; 2,1 triệu cổ phiếu GEX, giá trị 56,7 tỷ đồng; 4,52 triệu cổ phiếu NVT, giá trị gần 28 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 18/10
Diễn biến VN-Index phiên 18/10

Sức ép gia tăng khiến rổ cổ phiếu VN30 chỉ còn 4 mã tăng là VIC, HSG, GMD và ROS, song mức tăng rất khiêm tốn, trong khi có tới 22 mã giảm điểm. Cổ phiếu ngân hàng là nhóm tác động tiêu cực nhất tới chỉ số khi đồng loạt giảm điểm. Trong đó, VCB -2% về 58.000 đồng, CTG -1,8% về 24.850 đồng, MBB -2,3% về 21.150 đồng...

Cùng với đó, nhóm dầu khí cũng đa phần giảm diểm do ảnh hưởng từ việc giá dầu mất mốc 70 USD/thùng, cũng như chịu sức ép sau chuỗi tăng dài vừa qua. GAS -2,2% về 114.500 đồng, PVD -1,8% về 19.000 đồng... Tuy nhiên, PVT đi ngược chiều với mức tăng 0,6% lên 17.600 đồng nhờ thông tin kết quả kinh doanh 9 tháng vượt 23% kế hoạch cả năm.

Ngoài ra, các mã lớn, đầu ngành khác như VNM, MSN, VHM, VJC, NVL, SSI, MWG, SAB... cũng đều giảm điểm, tạo sức ép lớn lên Index.

Về thanh khoản, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm hút mạnh nhất dòng tiền, với STB khớp 14,18 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE (-0,4% về 13.500 đồng); MBB khớp 4,18 triệu đơn vị; BID và CTG cùng khớp trên 3 triệu đơn vị, trong đó BID đứng giá 34.600 đồng...

Nhóm thủy sản, dệt may như HVG, VHC, TCM, TNG... cũng hút tương đối tốt dòng tiền nên tăng khá tích cực, trong đó HVG tăng trần.

Cổ phiếu bất động sản diễn biến phân hóa khi HBC, FLC, DLG, SCR, PDR... giảm điểm, trong khi VIC, ROS, QCG, HAR, TDC... tăng điểm.

Các mã TGG, APG, LMH, C47, SKG... giảm sàn, trong khi HCD, ATG, AMD, QBS, HID... tăng trần.

Trên HNX, chỉ số sàn này cũng lao dốc cuối phiên chiều trước áp lực bán tăng ồ ạt, trong khi sức cầu tỏ ra dè dặt.

Đóng cửa, với 67 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 1,48 điểm (-1,35%) xuống 107,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,82 triệu đơn vị, giá trị 547 tỷ đồng, giảm gần 6% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên 17/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,86 triệu đơn vị, giá trị 52,6 tỷ đồng chủ yếu đến từ thỏa thuận của 3,26 triệu cổ phiếu DNP ở mức giá sàn, giá trị 44 tỷ đồng.

Do kết quả kinh doanh kém khả quan, VCS bị bán mạnh và giảm sàn về 71.500 đồng (-9,9%), bên mua trắng lệnh, trở thành một trong những mã gây tiêu cực lên chỉ số. Tương tự là ACB -1,6% về 31.000 đồng, SHB -2,4% về 8.100 đồng, PVS -2,4% về 20.600 đồng, VGC -1,2% về 16.800 đồng, DL1 -3% về 32.800 đồng.

Các mã VCG, NDN, DGC, NTP, PHP... tuy tăng, nhưng mức tăng nhẹ nên không tác động nhiều lên chỉ số.

ART khớp lệnh 4,76 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX, nhưng giảm sàn về 5.500 đồng (-9,8%). PVS đứng thứ 2 với 4,4 triệu đơn vị được khớp. SHB phiên này chỉ khớp lệnh 3,67 triệu đơn vị, còn ACB là 1,69 triệu đơn vị.

Ngược lại, NVB tăng 2,1% lên 9.600 đồng, TNG tăng 1,9% lên 16.500 đồng và cùng khớp lệnh trên 1,3 triệu đơn vị.

Ngoài VCS, ART, giảm sàn còn có NHP, VIG, SRA, HKB..., trong khi các mã tăng trần có VIX, BII, PVX, PVV, SJC...

Trên sàn UPCoM, sắc đỏ cũng diễn ra trong suốt thời gian giao dịch, tuy nhiên đà giảm sàn này đã thu hẹp khá đáng kể trong những phút cuối phiên, thanh khoản sụt giảm mạnh.

Đóng cửa, với 60 mã tăng và 88 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,52%) xuống 52,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11,3 triệu đơn vị, giá trị 257 tỷ đồng, giảm 48% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên 17/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 6 tỷ đồng.

Đa phần các mã lớn trên sàn này giữ sắc đỏ, bao gồm cả 3 mã thanh khoản cao nhất sàn là POW với lượng khớp 1,47 triệu đơn vị (-3,4% về 14.400 đồng), MPC với lượng khớp 1,41 triệu đơn vị (-7,5% về 44.700 đồng), BSR với lượng khớp 1,25 triệu đơn vị (-2,9% về 16.800 đồng) hay LPB, VIB, HVN, ACV OIL, VEA, VGI, VGG...

Một số mã tăng như QNS, VGT, MSR, DVN, SSN..., nhưng thanh khoản không cao.