Dư âm từ phiên tăng tích cực trước đó giúp VN-Index mở cửa phiên giao dịch hôm nay 19/6 vẫn trong sắc xanh. Tuy nhiên, chỉ số này nhanh chóng gặp thử thách khi áp lực điều chỉnh gia tăng mạnh bởi chuỗi phiên tăng liên tục đang đưa VN-Index tiệm cận mốc cản tâm lý 950 điểm. Và thực tế, chỉ số đã 2 lần thử thách mốc này và đều không thành công, thậm chỉ có lúc còn bị đẩu lùi qua tham chiếu. Dù vậy, nhờ dòng tiền hoạt động tích cực nên VN-Index vẫn tăng điểm khi chốt phiên sáng.

Trong phiên giao dịch chiều, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bluechips phân hóa rõ nét khi nhóm tiêu dùng, xăng dầu hay vật liệu xây dựng tăng tốt, còn nhóm ngân hàng, bất động sản đã bị bán mạnh, dòng tiền tiếp tục là điểm tựa giúp VN-Index cân bằng, qua đó chính thức ghi nhận phiên tăng điểm thứ 6 liên tục. So với phiên bùng nổ trước đó, thanh khoản thị trường phiên này tuy có phần giảm sút, nhưng nhìn chung vẫn rất tích cực.

Đóng cửa, với 153 mã tăng và 144 mã giảm, VN-Index tăng 1,58% (+0,17%) lên 943,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 199,2 triệu đơn vị, giá trị 4.521,95 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 8,5% về giá trị so với phiên 18/7.

Diễn biến VN-Index phiên 19/7
Diễn biến VN-Index phiên 19/7

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,36 triệu đơn vị, giá trị 853,8 tỷ đồng. Đáng chú ý là các thỏa thuận của 10,3 triệu cổ phiếu EIB, giá trị 145,7 tỷ đồng; 2,83 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 151 tỷ đồng; 1,26 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 100 tỷ đồng; 2,08 triệu cổ phiếu MBB ở mức giá trần 24.700 đồng, giá trị 51,3 tỷ đồng; 3,3 triệu triệu cổ phiếu SHA ở mức giá trần 7.250 đồng, giá trị 24 tỷ đồng...

Tuy dòng tiền chảy mạnh, song sự không đồng thuận của nhóm bluechips khiến VN-Index không thể tăng mạnh. Phiên này ghi nhận sự tích cực của nhóm cổ phiếu tiêu dùng, xăng dầu hay vật liệu xây dựng, tạo lực đỡ cho VN-Index. Theo đó, các mã đầu ngành như VNM, MSN, VJC, GAS, PLX, MWG, HSG, BVH... đều tăng mạnh.

VJC sau thông tin ký hợp đồng mua máy bay tăng 4,1% lên 140.000 đồng, có thời điểm mã này còn tăng trên 5%, khớp lệnh 1,19 triệu đơn vị. GAS với kết quả kinh doanh tích cực quý II tăng 1,4% lên 84.200 đồng. MSN tăng 4,1% lên 79.100 đồng...

Đáng chú ý, HSG tăng trần lên 11.550 đồng (6,9%), khớp lệnh 3,78 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,4 triệu đơn vị, trong khi chưa có thông tin nào đáng kể hỗ trợ.

Ở chiều ngược lại, sau chuỗi tăng tốt, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bị bán mạnh ở phiên này.  Thêm HDB quay đầu giảm điểm cuối phiên là tất cả các mã ngân hàng trên HOSE đều giảm.

VCB giảm 1,2% về 56.800 đồng; CTG giảm 2% về 24.400 đồng; BID giảm 1,3% về 25.800 đồng; MBB giảm 2,1% về 22.600 đồng, VPB giảm 1,2% về 29.700 đồng, STB giảm 1,8% về 11.000 đồng; các mã HDB, TCB và TPB có mức giảm dưới 1%.

MBB khớp 7,1 triệu đơn vị, mạnh nhất nhóm. Tiếp theo là CTG với 6,56 triệu và VPB với 5,4 triệu đơn vị. STB và BID cùng khớp trên 3 triệu đơn vị. VCB và HDB cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Các mã trụ khác như SAB, VHM, VIC, VRE, FPT... cũng đều không tăng, trong đó VIC và VRE rất nỗ lực mới về được tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ khá chiếm ưu thế với hàng loạt mã giảm như HAG, GTN, FLC, SCR, KBC, HQC, HAI, QCG... Trong đó, HAG giảm 1,1% về 6.260 đồng, khớp lệnh 21,44 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE và nhiều nhất trong 3 tháng qua.

Đáng chú ý, GTN giảm sàn về 9.160 đồng (-6,9%), khớp lệnh đột biến 12,24 triệu đơn vị, cao nhất kể từ khi niêm yết vào đầu tháng 10/2014 đến nay.

Ngược lại, HNG tăng trần lên 14.400 đồng (6,7%), khớp lệnh 4,48 triệu đơn vị. LDG cũng lên mức trần 13.350 đồng (6,8%) và khớp 1,88 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tục của LDG, trong đó có 3 phiên trần.