Sang phiên chiều, trong khi nhóm VN30 trở nên phân hóa và đi ngang thì lực cầu bất ngờ tăng mạnh cùng sự hỗ trợ khá tích cực của bộ tứ VNM, GAS, SAB và PLX, đã giúp VN-Index leo cao và tiến sát mốc 775 điểm. Tuy nhiên, chưa kịp chạm ngưỡng kháng cự này, thị trường đã hạ độ cao đột ngột do áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Trong nhóm VN30 có tới 18 mã giảm, 10 mã tăng và 2 mã đứng giá, VN30-Index quay đầu giảm 3,55 điểm (-0,48%) xuống 737,77 điểm, là tác nhân chính hãm đà tăng mạnh của thị trường.

Đáng kể, dù có báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm lãi vượt 8% kế hoạch cả năm nhưng CII đã khá tiêu cực. Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên đã đẩy CII về mức giá sàn, giảm 7%, xuống mức 34.800 đồng/CP với khối lượng khớp 4,58 triệu đơn vị.

Tương tự, nhiều mã lớn khác cũng nới rộng đà giảm như BVH giảm 1,38%, CTD giảm 0,71%, FPT giảm 1,88%, HSG giảm 2,16%, HPG giảm 0,78%, VIC giảm 0,71%...

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa, trong khi BID và CTG vẫn duy trì sắc xanh thì các mã VCB, STB, MBB đều kết phiên dưới mệnh giá, thậm chí EIB quay đầu giảm 6,67% xuống mức giá sàn 11.200 đồng/CP.

Tuy nhiên, các cổ phiếu vốn hóa lớn chi phối tới diễn biến của chỉ số chung của thị trường lại tăng khá tốt. Trong top 10 mã có vốn hóa lớn, ngoại trừ VIC giảm nhẹ, MSN đứng giá, còn lại đều khởi sắc như VNM tăng 0,7%, SAB tăng 2,7%, VCB tăng %, GAS tăng 2,7%, PLX tăng 0,6%, CTG tăng 1,6%%, BID và VJC cùng tăng 0,5%, hỗ trợ tốt giúp thị trường duy trì đà tăng điểm trong phiên hôm nay.

Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 145 mã tăng/144 mã giảm, VN-Index tăng 3,81 điểm (+0,5%) lên 771,3 điểm. Thanh khoản đạt xấp xỉ phiên qua với khối lượng 236,85 triệu đơn vị, giá trị 4.388,67 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với 31,63 triệu đơn vị, giá trị 1.005,36 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 19/7
Diễn biến VN-Index phiên 19/7

Trong khi nhóm VN30 giao dịch thiếu tích cực thì dòng tiền đầu cơ vẫn giúp nhiều mã thị trường nổi sóng. Điển hình FLC đảo chiều tăng khá tốt với biên độ 5,9% và khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 30,93 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Cổ phiếu FIT cũng có lúc thời điểm được kéo lên trần nhờ báo cáo kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 98% kế hoạch cả năm. Chốt phiên, FIT tăng 4,6% với khối lượng khớp lệnh đạt 8,15 triệu đơn vị.

Tương tự, các mã khác như HHS, TSC, NVT cũng không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng khá tốt. Còn HAR, HAI, AGR vẫn tiếp tục tăng kịch trần.

Trên sàn HNX, sự hỗ trợ tích cực của nhóm HNX30 đã giúp đà tăng được duy trì khá ổn định. Kết phiên, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,21%) lên 98,81 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 61,6 triệu đơn vị, giá trị 521,58 tỷ đồng, tăng 18,9% về lượng và 2,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,94 triệu đơn vị, giá trị hơn 39 tỷ đồng.

Một số mã lớn đã không giữ được đà tăng và quay về mốc tham chiếu như ACB, NTP, PVS cũng góp phần khiến HNX-Index không giữ được ngưỡng 99 điểm.

Cũng giống sàn HOSE, hàng loạt mã tí hon trên sàn HNX cũng đua nhau tăng mạnh. Trong đó, KLF vẫn là điểm sáng khi giữ vững sắc tím với mức tăng 10% và khối lượng khớp lệnh 15,74 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, không được thuận lợi như 2 sàn chính, lực bán về cuối phiên khiến chỉ số sàn khá rung lắc nhưng đã may mắn thoát hiểm và tiếp tục có thêm phiên tăng điểm.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%) lên 56,3 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,83 triệu đơn vị, giá trị 60,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 8,13 triệu đơn vị, giá trị hơn 82 tỷ đồng, đáng kể BSG thỏa thuận 6,2 triệu đơn vị, giá trị 50,58 tỷ đồng.

Trong khi HVN không giữ được mốc tham chiếu và quay đầu giảm nhẹ 0,38% thì ACV vẫn tiếp tục tăng khá tốt với biên độ 1,87%, đóng góp tích cực giúp thị trường bảo toàn sắc xanh.

Cổ phiếu nhỏ TOP tăng 5,26% với khối lượng giao dịch đạt 571.400 đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM. Tiếp đó, DVN chuyển nhượng thành công 444.900 đơn vị.