Trong phiên giao dịch sáng, với sự phân hóa của nhóm cổ phiếu lớn, VN-Index giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu và may mắn có sắc xanh nhạt khi chốt phiên. Thanh khoản của thị trường tương đương với phiên sáng trước đó, nhưng điểm đáng chú ý là nhiều cổ phiếu có tính thị trường nhận được lực cầu khá lớn và tiếp tục duy trì đà tăng.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu bất ngờ gia tăng đầu phiên, kéo VN-Index lên thẳng ngưỡng 810 điểm, tạo lập mức đỉnh mới. Tuy nhiên, với lực cầu yếu như hiện nay, việc chinh phục mốc 810 điểm thời điểm này không phải dễ với VN-Index, nhất là nhóm cổ phiếu lớn không tìm được sự đồng thuận.

Do vậy, ngay khi vừa vượt qua ngưỡng 810 điểm, lực cung đã nhanh chóng gia tăng, trong khi bên mua lại không dám mạo hiểm, khiến VN-Index bị đẩy lùi trở lại, sau đó, chỉ số này muốn thử sức lại một lần nữa, nhưng chưa kịp trở lại mốc 810 điểm đã bị “trượt chân” lao thẳng về dưới mốc tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Cụ thể, chốt phiên hôm nay, VN-Index giảm 1,94 điểm (-0,24%), xuống 805,93 điểm với 123 mã tăng và 148 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 172,85 triệu đơn vị, giá trị 3.817,53 tỷ đồng, tương đương với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,36 triệu đơn vị, giá trị 368,23 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 19/9
Diễn biến VN-Index phiên 19/9

Tương tự VN-Index, HNX-Index sau nỗ lực lấy lại đà tăng nửa đầu phiên sáng cũng đã bị đẩy lùi trở lại xuống dưới tham chiếu và cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày khi giảm 0,4 điểm (-0,38%), xuống 104,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 53,2 triệu đơn vị, giá trị 566,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,31 triệu đơn vị, giá trị 82,36 tỷ đồng.

Trên HOSE, lực cung gia tăng khiến nhiều mã thị trường quay đầu giảm. Cụ thể, FLC đóng cửa giảm 0,52%, xuống 7.660 đồng với 19,1 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng gần 2,5 triệu cổ phiếu.

FIT cũng quay đầu giảm giá khi đóng cửa ở mức 12.900 đồng (-2,64%) với 6,37 triệu đơn vị được khớp. SCR, HQC, OGC, HAG, cũng chìm trong sắc đỏ, trong khi HAI, QCG, DLG, ITA lại có được sắc xanh, TSC không giữ được đà tăng trần tiếp theo khi đóng cửa ở mức 5.040 đồng (+2,44%).

Trong nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, trong khi ROS vẫn duy trì đà tăng đều của mình, cùng với BID, CTG, HPG, PVD, VIC, BHN hỗ trợ cho thị trường, thì VNM lại đảo chiều giảm giá, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 148.400 đồng (-0,4%). Cũng có sắc đỏ phiên hôm nay còn có SAB, VCB, GAS, PLX, MSN, VJC, VPB…

Cổ phiếu NKG sau thông tin SMC sẽ mua 2 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ đã tăng mạnh, có thời điểm lên mức giá trần 35.500 đồng trong phiên sáng nay, trước khi đóng cửa ở mức 34.800 đồng (+4,81%).

Cũng không giữ được sắc tím khi chốt phiên như TSC, NKG còn có CCL, SAV, NAV, trong khi CDO dù cũng chịu lực cung khá lớn, nhưng vẫn giữ được mức trần 4.020 đồng với 2,27 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự HOSE, trên sàn HNX, đà giảm của chỉ số chính cũng do một số mã lớn đảo chiều như ACB đóng cửa giảm 0,35%, xuống 28.100 đồng, mức giá thấp nhất ngày với 1,33 triệu đơn vị được khớp.

PVS cũng đảo chiều giảm 1,2%, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 16.400 đồng với 2,57 triệu đơn vị được khớp. VCG cũng đảo chiều giảm vào cuối phiên và đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày 20.800 đồng (-0,48%) với 1,5 triệu đơn vị được khớp. SHB dù không giảm giá, nhưng cũng lùi về mức thấp nhất ngày là mức giá tham chiếu 7.900 đồng với 5,96 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, HUT, VGC, LAS tăng giá, nhưng mức tăng không lớn.

Ngược với nhóm thị trường trên HOSE, các mã thị trường nổi sóng trên HNX vẫn duy trì được đà tăng mạnh của mình trong phiên chiều. Trong đó, KLF có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, lên 4.800 đồng với 12,37 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 9,3 triệu đơn vị. KVC, KSK, ITQ, VLA cũng giữ được sắc tím khi chốt phiên.

Trên sàn UPCoM, không lao thẳng xuống đáy của ngày như 2 chỉ số chính, chỉ số UPCoM-Index lại nỗ lực leo ngược trở lại, nhưng vẫn không thể tránh khỏi phiên giảm điểm khi chốt phiên.

Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,18%), xuống 54,44 điểm với 7,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 111,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,15 triệu đơn vị, giá trị 24,85 tỷ đồng.

GEX vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE với 1,9 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,36%, lên 21.700 đồng. Tiếp theo là TOP với 1,74 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 2.100 đồng. Trong khi ART lùi về mức 21.600 đồng (-4,84%) với 510.100 đơn vị được chuyển nhượng.

Chứng khoán phái sinh hôm nay có 7.012 hợp đồng được giao dịch, giá trị 556,79 tỷ đồng, tăng 7% so với phiên trước đó.