Bên cạnh giao dịch thiếu tích từ nhóm cổ phiếu bluechip, các mã vốn hóa lớn cũng đua nhau giảm sâu khiến VN-Index mất tới gần 1%. Trong khi đó, 2 chỉ số còn lại của thị trường cũng lần lượt lui về mức giá thấp nhất khi chốt phiên.

Trong khi áp lực bán gia tăng và lan tỏa thì dòng tiền vẫn tham gia khá hạn chế bởi tâm lý nhà đầu tư còn dè dặt và lo sợ. Nỗi bất an vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch chiều khiến sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo trên bảng điện tử cùng thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh.

Tuy nhiên, sự cân bằng ở nhóm cổ phiếu bluechip với việc đón nhận nhiều mã hồi phục đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm đáng kể. Dù chưa chạm được mốc tham chiếu nhưng các chỉ số đều được kéo lên mức cao nhất trong phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HOSE có 178 mã giảm/103 mã tăng, VN-Index giảm 2,89 điểm (-0,37%) xuống 768,41 điểm. Thanh khoản giảm khá mạnh với 183,49 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng 3.421,22 tỷ đồng, cùng giảm hơn 22% cả về lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 11,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 366 tỷ đồng, đáng kể VCI thỏa thuận 2,41 triệu đơn vị, giá trị 139,25 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 20/7
Diễn biến VN-Index phiên 20/7

Tương tự, HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,15%) xuống 98,65 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 57 triệu đơn vị, giá trị 530,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 24,89 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ VCB và STB vẫn chưa thoát khỏi đà giảm, còn lại đều đã đảo chiều thành công với BID tăng khá tích cực 2,89%, MBB tăng 1,46%, CTG tăng 0,53%, EIB tăng 2,2%, ACB tăng 0,4%.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn đã đảo chiều tăng điểm, hỗ trợ tốt giúp thị trường hãm mạnh đà giảm sâu như SAB tăng 0,8%, VIC tăng gần 1%, MSN tăng 0,5%, hay HSG sau thông tin Công ty TNHH tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu cũng đã bứt lên sau 3 phiên giảm điểm với mức tăng 1,9%...

Trái lại, một số mã lớn tiếp tục tạo gánh nặng lên thị trường như VNM giảm 0,7%, GAS giảm 1,1%, PLX giảm 0,9%, VCB giảm 0,4%...

Trong khi SAB phục hồi khá tốt thì cổ phiếu khác trong nhóm ngành bia là BHN lại nhận phiên giao dịch tiêu cực khi bị đẩy xuống mức giá sàn sau 6 phiên tăng liên tiếp, trong đó có tới 3 phiên tăng trần hoặc sát trần. Với mức giảm 6,9%, BHN kết ở mức giá 87.400 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, phần lớn cũng đều giảm điểm như FLC, ITA, KBC, HQC, HBC, NLG…

Mặt khác, các mã quen thuộc như HAR, HAI, AGR vẫn đi ngược thị trường khi tiếp tục tăng trần. Đáng kể, OGC sau 2 phiên giảm sàn cũng đã lấy được sắc tím với mức tăng 6,8% và đã chuyển nhượng thành công 9,62 triệu đơn vị, dư mua trần 1,34 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, bên cạnh mã lớn ACB đã lấy lại sắc xanh, một số mã hồi phục cũng đã góp phần giúp chỉ số sàn tiến gần hơn tới mốc tham chiếu như VCS, SHS, VND, PLC, DP3…

Cổ phiếu thị trường KLF đã quay đầu giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp, với mức giảm hơn 3% và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường khi chuyển nhượng thành công hơn 16 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, UPCoM-Index cũng chỉ giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,03%) đứng ở mức 56,28 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,53 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 53,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,5 triệu đơn vị, giá trị 23,96 tỷ đồng, trong đó SWC thỏa thuận 1,39 triệu đơn vị, giá trị 20,46 tỷ đồng.

ACV tiếp tục nới rộng đà tăng với biên độ 3,27% lên mức cao nhất ngày 50.500 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 23.000 đơn vị.

Bên cạnh đó, sự cân bằng hơn ở một số mã lớn khi GEX, VGT, VOC… đã lấy lại mốc tham chiếu, cũng góp phần giúp thị trường bớt giảm sâu.

Cổ phiếu DVN tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 599.500 đơn vị và đóng cửa tại mức giá 17.700 đồng/CP, giảm 4,39%.