Tâm lý thoải mái giúp dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, giúp nhiều mã cổ phiếu có sự đột biến. Song đó là chưa đủ để giúp thị trường có thể bứt phá.

Trong phiên sáng, dù nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng thị trường đã không thể bứt lên đã chinh phục đỉnh cũ 720 điểm khi lực cản vẫn còn, nhất là ở cổ phiếu ngành bia và VIC.

Trong phiên giao dịch chiều, sau nhịp bứt lên ở đầu phiên, thị trường đã trở lại trạng thái giằng co, lình xình vốn có và kéo dài trong suốt thời gian còn lại của phiên. Điểm tích cực nhất lúc này là tâm lý giao dịch của nhà đầu từ đã cởi mở hơn rất nhiều so với tuần trước đó, thời điểm mà thị trường chịu sự ảnh hưởng của một số thông tin như hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, biến động giá dầu hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD...

Chính sự hào hứng của dòng tiền đã giúp thị trường duy trì được sắc xanh trong những phiên đầu tuần này, khi mà áp lực bán ra vẫn khá mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/3, với 124 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 1,11 điểm (+0,16%) lên 716,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 231,63 triệu đơn vị, giá trị xấp 4.500 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30 triệu đơn vị, giá trị trên 673 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất trong đó là thỏa thuận của 13,74 triệu cổ phiếu EIB, giá trị gần 165 tỷ đồng. Tiếp đến là 1,6 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 109,4 tỷ đồng; 1,86 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 84,5 tỷ đồng; 1,02 triệu cổ phiếu HPG, giá trị 42,6 tỷ đồng…

Diễn biến VN-Index phiên 21/3
Diễn biến VN-Index phiên 21/3

Các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản không sự đồng thuận là nguyên nhân khiến thị trường không thể bứt phá. Dòng tiền có sự phân hóa rất rõ ràng, chủ yếu tập trung tại nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng và ngân hàng.

Sau thời gian khá lâu yên ắng, dòng tiền đã trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên ngày hôm nay. Ngoại trừ VCB khớp lệnh 0,975 triệu đơn vị, các mã ngân hàng khác trên HOSE đều khớp trên 1 triệu đơn vị.

BID dẫn đầu với lượng khớp đột biến hơn 10 triệu đơn vị và tăng 3,9% lên 17.400 đồng/CP. EIB ngoại trừ được thỏa thuận mạnh, còn khớp lệnh 1,25 triệu đơn vị, tăng 3,5% lên 11.800 đồng/CP. Các mã ngân hàng cũng đồng loạt tăng.

Trong khi nhóm ngân hàng tăng tốt, thì nhóm cổ phiếu bất động sản chịu áp lực bán mạnh, nên đồng loạt giảm điểm, cho dù là nhóm tập trung mạnh nhất dòng tiền.

“Ông lớn” VIC giảm mạnh 4,3% về 41.450 đồng/CP, song thanh khoản tăng đột biến với 6,74 triệu đơn vị, mức cao nhất trong vòng 2,5 năm qua. Ngoài ra, nhiều mã khác như NVL, HQC, SCR, DXG, LCG… cũng đều giảm điểm. HQC khớp lệnh 13,9 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, vẫn có những mã tăng tốt nhờ thông tin hỗ trợ. Điển hình là FLC và ROS, sau thông tin đầu tư quần thể nghỉ dưỡng giá trị 2 tỷ USD tại Quảng Ninh, cũng là nơi có casino đầu tiên cho người Việt, FLC đã tăng kịch trần lên 8.240 đồng/CP (+6,9%) và khớp 35,8 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường, ROS tăng 0,8% lên 152.700 đồng/CP và khớp 3,62 triệu đơn vị.

ITA cũng có thanh khoản mạnh khi khớp lệnh hơn 15 triệu đơn vị, tăng 0,5% lên 4.060 đồng/CP.

Trên sàn HNX, tâm điểm vẫn là ACB, với tổng lượng khớp tăng đột biến, đạt 10,6 triệu đơn vị, cao nhất kể từ tháng 12/2008. Kết phiên tăng mạnh 4,6% lên 25.000 đồng/CP, mức cao nhất ngày. Ngoài ra, ACB còn được khối ngoại thỏa thuận 5,37 triệu đơn vị, giá trị 120,7 tỷ đồng.

Nhờ lực đẩy rất mạnh của ACB, cùng một vài mã trụ khác như PVS, PGS, VND, VCG đã giúp HNX-Index chinh phục được mức đỉnh 90 điểm, cũng là mức cao nhất ngày, khi mà nhiều mã trụ khác như VCS, DBC, LAS, CEO, BVS, NTP, DBC… đồng loạt giảm.

Đóng cửa phiên 21/3, với 75 mã tăng và 92 mã giảm HNX-Index tăng 1,1 điểm (+1,23%) lên 90,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,1 triệu đơn vị, giá trị 682,28 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với gần 140 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuạn của ACB.

Ngoài ACB, giao dịch trên HNX không có nhiều chú ý.

Trên sàn UPCoM, áp lực bán mạnh ở hàng loạt cổ phiếu lớn thuộc dòng hàng không, thực phẩm, bất động sản như MSR, MCH, ACV, SDI, GEX, QNS… khiến chỉ số sàn này giảm khá mạnh. Giao dịch cũng không còn đột biến trong phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (-0,89%) xuống 58,07 điểm, với 9,4 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị gần 371 tỷ đồng, mức kỷ lục của sàn này.

HNF vẫn là điểm đáng chú nhất trên sàn này, với lượng khớp đột biến của mã HNF với hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cũng biến động “chóng mặt” từ mức trần 44.100 đồng về mức sàn 32.700 đồng khi chốt phiên.