Dù lực cung giá thấp được tiết giảm trong phiên chiều, nhưng VN-Index vẫn thiếu chút may mắn để có thể thoát khỏi sắc đỏ trong phiên hôm nay.

Sau 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã chịu áp lực bán dâng cao và nhanh chóng quay đầu đi xuống trong phiên sáng nay. Đáng chú ý tại thời điểm hơn 11h, lực cung giá thấp ồ ạt tung ra khiến thị trường ngập trong sắc đỏ, đẩy cả 3 chỉ số đều rơi xuống mức thấp nhất. Đáng kể, VN-Index thủng ngưỡng 760 điểm và HNX-Index cũng đe dọa mốc 98 điểm.

Ngay sau cú rơi thẳng đứng trên, lực cầu hấp thụ khá tích cực đã quay lại giúp thị trường hồi phục, đà giảm được thu hẹp đáng kể, tuy nhiên VN-Index vẫn “ngậm ngùi” chia tay ngưỡng 765 điểm trong phiên sáng nay.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu giảm khiến sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo trên thị trường. Thị trường diễn biến khá ảm đạm trong gần hết phiên giao dịch, tuy nhiên, dòng tiền gia tăng mạnh trong đợt khớp ATC đã giúp thị trường tiến sát mốc tham chiếu.

Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ 0,58 điểm (-0,08%) xuống 767,41 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 248,54 triệu đơn vị, giá trị gần 4.505 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 55,55 triệu đơn vị, giá trị 604,25 tỷ đồng. Riêng NVL thỏa thuận 2,3 triệu đơn vị, giá trị 156,65 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 21/6
Diễn biến VN-Index phiên 21/6

Trong khi đó, diễn biến trên sàn HNX vẫn khá tiêu cực do gánh nặng lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Kết phiên, HNX-Index giảm 1,12 điểm (-1,12%) xuống 98,68 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 64,51 triệu đơn vị, giá trị hơn 765 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 7,2 triệu đơn vị, giá trị 73,94 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa khá mạnh. Trong khi STB tăng nhẹ nhờ lực cầu ngoại hỗ trợ khá tốt, MBB tiếp tục khởi sắc với mức tăng 2,3 thì các mã khác trong nhóm lại đảo chiều giảm khá sâu sau nhiều phiên tăng liên tiếp, như BID giảm 1,2%, VCB giảm 2,2%, CTG giảm 3,1%.

Dòng bank trên sàn HNX cũng có diễn biến tiêu cực với ACB giảm 1,9% và khớp hơn 3,9 triệu đơn vị; còn SHB giảm 1,3% và khớp hơn 21 triệu đơn vị, tiếp tục dẫn đầu thanh khoản của thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng hầu hết đều đảo chiều giảm như HCM và SSI cùng giảm hơn 05%, thành viên mới trên sàn HOSE là CTS cũng quay đầu giảm 2%... Trên sàn HNX, APS giảm 2,6%, MBS giảm 3,1%, SHS giảm 4,3%, ORS giảm 3,2%, VND giảm 0,5%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có gam màu sáng hơn. Ngoài ROS duy trì đà tăng 0,83%, “ông lớn” đầu ngành VIC cũng bứt lên trong phút cuối với mức tăng 1,2%, trong nhóm còn nổi lên các điểm sáng.

Điển hình là SCR. Cú đảo chiều nhích nhẹ khi chốt phiên sáng đã là bàn đạp để SCR “bay cao” trong phiên chiều nay. Dòng tiền chảy mạnh đã giúp SCR leo lên sát giá trần với mức tăng 6,5% lên 12.350 đồng/CP và đã chuyển nhượng 9,95 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.

Cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản trên sàn HNX là VCG cũng có phiên khởi sắc khi đóng cửa tăng 1,03% và đã chuyển nhượng 3,33 triệu đơn vị, chỉ đứng sau thanh khoản của 2 mã ngân hàng SHB và ACB trên sàn HNX.

Một trong những điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là BHS. Thông tin về việc sáp nhập của BHS với SBT đã được ĐHĐCĐ của 2 Công ty thông qua, đã giúp BHS có đợt tăng mạnh.

Tính đến hiện tại, phương án sáp nhập đã được thông qua nhưng thời gian thực hiện hoán đổi chưa được quyết định. Đồng thời, cổ phiếu BHS sẽ bị hủy niêm yết để thực hiện hoán đổi.

Trong phiên hôm nay, BHS đã được gom mạnh và tăng kịch trần trong phiên chiều với giao dịch sôi động. Kết phiên, BHS tăng 7% lên mức giá trần 23.750 đồng/CP với khối lượng khớp 6,62 triệu đơn vị.

Tuy vậy, khoảng cách của BHS và SBT vẫn còn khá xa khi đây cũng là phiên thứ 4 liên tiếp của SBT. Đóng cửa phiên hôm nay, SBT tăng 1,3% lên mức 36.450 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, mặc dù có thời điểm đã hồi phục sắc xanh nhưng áp lực bán khá lớn khiến UPCoM-Index nhanh chóng trở lại giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,11%) xuống 56,93 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,1 triệu đơn vị, giá trị 85,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 57,36 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn DVN tiếp tục có phiên giao dịch tích cực. Với mức tăng 2,1%, DVN kết phiên tại mức giá 24.200 đồng/CP và đã chuyển nhượng 885.200 đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.

Đứng ở vị trí thứ 2 là DRI có khối lượng giao dịch 468.000 đơn vị và đóng cửa tại mức giá 12.300 đồng/CP, giảm 2,38%.