Diễn biến giao dịch cho thấy, ngoại trừ ít phút “bốc” lên đầu phiên sáng, thị trường đã suy yếu thấy rõ trước áp lực bán mạnh tập trung tại nhóm bluechips. VN-Index chỉ không giảm sâu nhờ sức cầu tốt, cộng với đà tăng tích cực ở nhóm cổ phiếu bất động sản xây dựng.

Trong phiên giao dịch chiều, mặc dù dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, nhóm cổ phiếu vẫn duy trì “phong độ”, song sức ép tiếp tục gia tăng, nhất là tại nhóm ngân hàng. Trong bối cảnh sức ép gia tăng, lại mất nhóm cổ phiếu dẫn dắt, nên việc VN-Index tiếp tục yếu đà là dễ hiểu.

Hôm qua 21/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Thông tin này được kỳ vọng sẽ giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ giao dịch bùng nổ trở lại.

Tuy nhiên, thực tế giao dịch lại không như kỳ vọng. Trong 2 phiên giao dịch vừa qua, nhóm cổ phiếu “vua” giao dịch không mấy nổi bật, nhất là trong phiên chiều hôm nay 22/6. Dường như nhà đầu tư chỉ “chờ thông tin ra là bán”, nên nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm điểm.

Sự kém tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng, cũng như cổ phiếu bluechips và vốn hóa lớn nói chung là nguyên chính khiến đà giảm của VN-Index gia tăng trong những phút cuối phiên.

Đóng cửa, với 157 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index giảm 1,11 điểm (-0,14%) xuống 766,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 224,84 triệu đơn vị, giá trị gần 4.510 tỷ đồng.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 29,65 triệu đơn vị, giá trị 780,75 tỷ đồng. Ngoài giao dịch thỏa thuận 12 triệu cổ phiếu MBB, giá trị 275,7 tỷ đồng, HOSE còn một số thỏa thuận đáng chú ý khác như 2,3 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 155,45 tỷ đồng; 5,44 triệu cổ phiếu HNG, giá trị 55 tỷ đồng; 1,15 triệu cổ phiếu CAV, giá trị 64,4 tỷ đồng…

Diễn biến VN-Index phiên 22/6
Diễn biến VN-Index phiên 22/6

Trước sức ép, nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn mã nào tăng. BID giảm 2,2% về 19.850 đồng/CP, STB giảm 2,1% về 14.300 đồng/CP và cùng khớp trên 4,7 triệu đơn vị. MBB ngoài thỏa thuận mạnh, cũng khớp hơn 2,4 triệu đơn vị, giảm 0,9% về 21.700 đồng/CP. VCB và CTG cũng giảm khá mạnh và đều khớp trên 1,5 triệu đơn vị.

Tương tự, các mã VNM, GAS, VIC, MSN hay SSI, PVD, KDC, DHG, BVH… cũng chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, ảnh hưởng lớn từ giá dầu khiến PVD đang lùi dần về mệnh giá. Chốt phiên này, PVD giảm 2,6% về 13.000 đồng/CP và khớp 3,24 triệu đơn vị. Kể từ đầu năm đến nay, PVD đã mất gần 40% giá trị và khối ngoại đã bán ròng liên tiếp 10 phiên gần nhất.

Trong khi các bluechip chìm trong sắc đỏ, thì nhóm cổ phiếu bất động sản xây dựng giao dịch tích cực, tiêu biểu là ROS, SCR, DXG, HQC, NVL, LCG, PDR… SCR khớp 10,5 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE và tăng 1,6% lên 12.550 đồng/CP.

Sau chuỗi giảm liên tiếp, ROS đang tiếp đà hồi phục với phiên tăng thứ 3 liên tục lên 85.300 đồng/CP (+0.4%) và khớp 1,26 triệu đơn vị. Tuy nhiên, FLC vẫn tiếp tục giảm về 7.060 đồng/CP (-0,6%) và khớp 7,2 triệu đơn vị. AMD cũng ghi nhận phiên nằm sàn thứ 3 liên tục về 14.100 đồng/CP (6,9%) và khớp 7,98 triệu đơn vị.

Cặp đôi HAG-HNG cũng giao dịch sôi động, lần lượt khớp 7,8 triệu và 3,6 triệu đơn vị và đều tăng điểm. Mới đây, có thông tin HAG sẽ bắt tay với MWG để đưa các sản phẩm hoa quả vào bán trong chuỗi siêu thị Bách hóa xanh. Phiên này, MWG cũng tăng khá tốt.

Tân binh HII trong này chào sàn HOSE giữ vững sắc tím, dư mua trần hơn 3,8 triệu đơn vị trong khi chỉ khớp lệnh 1.900 đơn vị. Tuy nhiên, AAA vẫn giảm điểm và khớp lệnh 1,95 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán vẫn giao dịch khá tích cực, song chỉ số HNX-Index vẫn giảm điểm do sức ép của nhóm ngân hàng và dầu khí.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%) xuống 98,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,53 triệu đơn vị, giá trị 638,92 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ là hơn 9 tỷ đồng.

Hai mã ngân hàng là ACB và SHB cũng đều giảm điểm. SHB giảm 3,9% về 7.400 đồng/CP và khớp 14,12 triệu đơn vị, dẫn dầu thị trường. ACB giảm 0,8% về 26.100 đồng/CP, khớp lệnh 1,99 triệu đơn vị.

Trong nhóm bất động sản xây dựng, VCG khớp lệnh 3,7 triệu đơn vị, tăng 3,6% lên 20.400 đồng/CP. Các mã VC3, NDN, S55, VCS… cũng đều tăng điểm.

Trái với 2 sàn niêm yết chính, UPCoM lại tăng điểm trong ít phút cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,26%) lên 57,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,44 triệu đơn vị, giá trị 94,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá lớn với gần 15,16 triệu đơn vị, giá trị 322,38 tỷ đồng, riêng DVN thỏa thuận 11,8 triệu đơn vị, giá trị 283,2 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn như GEX, ACV, HVN, SSN, SDI, VIB, SAS… đồng loạt tăng điểm, giúp sàn này hồi phục trong ít phút trước khi đóng cửa.

SBS dẫn đầu thanh khoản sàn UPCoM và cũng là mã duy nhất khớp lệnh vượt mức 1 triệu đơn vị. SBS khớp 3,36 triệu đơn vị và tăng trần lên 2.300 đồng/CP (+15%).