Trong phiên giao dịch sáng, sau khi “thốc” lên ở đầu phiên, áp lực cung mạnh đã khiến VN-Index nhanh chóng hạ nhiệt. Chỉ số này khép phiên sáng mà không giảm điểm là nhờ may mắn. Vì thế, việc VN-Index giảm điểm trong phiên chiều là điều đã nằm trong dự đoán, khi mà các cổ phiếu trụ tiếp tục chịu sức ép, vấn đề chỉ là giảm bao nhiêu mà thôi.

Mặc dù VN-Index ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tục, song phiên giảm này là không quá tiêu cực, khi mức giảm nhẹ và thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên trước cho thấy, áp lực bán tháo không diễn ra.

Kết thúc phiên giao dịch 2/3, với 136 mã giảm và 118 mã tăng, VN-Index giảm 2,01 điểm (-0,28%) về 707,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 176,44 triệu đơn vị, giá trị 3.089,7 tỷ đồng.

Trong đó, giao dịch thỏa thuân đóng góp khiêm tốn 11,49 triệu đơn vị, giá trị 243,7 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 5,841 triệu cổ phiếu SAM, giá trị 52,56 tỷ đồng và 1,36 triệu cổ phiếu VIP, giá trị 10,5 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 1/32
Diễn biến VN-Index phiên 2/3

Trong TOP 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ còn ROS và HPG tăng điểm, còn lại là giảm giá. Đáng kể, VNM nới rộng đà giảm lên 0,8%, về còn 129.700 đồng/CP, VCB cũng quay đầu giảm 0,8% về 36.900 đồng/CP, cho dù SAB đã thu hẹp mức giảm còn 0,4% về 224.900 đồng/CP.

Tại nhóm VN30, số mã giảm (18 mã) cũng gấp đôi số mã tăng (9 mã). Sức ép từ nhóm cổ phiếu lớn cũng như bluechips tuy không thực sự mạnh, song là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm điểm về mức thấp nhất ngày

VCB khớp 1,14 triệu đơn vị. BID khớp 2,35 triệu đơn vị và giảm 1,5% về 16.050 đồng/CP. PVD và SSI cùng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

HPG tăng 2,7% lên 42.000 đồng/CP và khớp 7,9 triệu đơn vị. Được biết, HPG vừa chính thức điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận 2017 thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 6.000 tỷ đồng. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG cho biết, Tập đoàn tăng kế hoạch lợi nhuận 2017 là do kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2017, cũng như thị trường thép có nhiều dấu hiệu khả quan.

Trong khi đó, chuỗi tăng điểm kể từ giữa tháng 12 năm ngoái của ROS đến nay vẫn chưa có hồi kết, khi mã này tiếp tục tăng 0,9% lên 151.400 đồng/CP.

Với cổ phiếu VJC, lượng cung nhỏ giọt trong khi sức cầu quá lớn giúp cổ phiếu này có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp lên mức giá 123.500 đồng/CP, qua đó trở thành mã có vốn hóa lớn thứ 12 trên HOSE.

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, FLC tiếp tục thể hiện sự vượt trội về thanh khoản với 42,88 triệu đơn vị được sang tên, so với mã đứng thứ 2 là HQC khớp lệnh 12,59 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cả FLC và HQC đều chịu áp lực bán mạnh, nên cùng giảm về gần mức sàn, lần lượt là 7.200 đồng/CP và 2.660 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã có thanh khoản cao từ 5-6 triệu đơn vị như FIT, ITA, HAG cũng đều giảm điểm.

Đối với sàn HNX, diễn biến có phần tích cực hơn đôi chút so, nhất là ở thời điểm cuối phiên. Việc nhiều mã trụ như ACB, DBC, LAS hay nhóm dầu khi thu hẹp đáng kể đà giảm, trong khi các mã như VCS, HUT, PGS, CEO, VCG… duy trì được sắc xanh, giúp HNX-Index “coi như” chạm tay vào vạch đích.

Đóng cửa phiên 2/3, với 76 mã giảm và 78 mã tăng, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) về 86,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,09 triệu đơn vị, giá trị 414,76 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Đáng chú ý trên HNX phiên này là nhóm cổ phiếu đầu cơ hút tiền mạnh, nên một loạt mã đã tăng kịch trần như KLF, DCS, SPI, KHB, KSK, ACM, KVC, NHP, KTM, SVN, DPS…

Trong đó, KLF khớp 8,68 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Các mã DPS, KVC, NHP, SPI, DCS, ACM, cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

HKB và SHB cùng khớp trên 3,5 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm.

Trên UPCoM, với số mã tăng giảm cân bằng, cùng 45 mã, nhưng chỉ số sàn này vẫn giảm 0,08 điểm (-0,14%) về 56,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,477 triệu đơn vị, giá trị 70,7 tỷ đồng.

Giao dịc tại HVN đã giảm rõ rệt so với một vài phiên vừa qua, với lượng khớp 1,19 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu 34.700 đồng/CP.

TOP dẫn đầu thanh khoản với 1,76 triệu đơn vị được khớp và tăng trần lên 2.300 đồng/CP.

Các mã ACV, GEX, SEA tăng điểm, ngược lại, các mã MSR, QNS, VGG, SAS, MCH… giảm điểm.