Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phiên 23/10: Chủ tịch quyết mua vào, FLC vẫn giảm mạnh
 
Lực bán gia tăng mạnh và diễn ra trên diện rộng khiến thị trường lao dốc mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Trong đó, FLC giảm 4,08%, xuống 7.050 đồng dù ông Trịnh Văn Quyết đăng ký mua vào 37 triệu cổ phiếu.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 23/10
Diễn biến VN-Index phiên ngày 23/10

Mở đầu tuần mới, lực bán xuất hiện trong cuối phiên tuần trước tiếp tục duy trì và có phần mạnh hơn đã khiến cả 2 sàn chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, trong phiên sáng, với sự hỗ trợ đắc lực của SAB, VCB, ROS và VPB, nên đà giảm được hãm lại.

Tuy nhiên, dù SAB và ROS nới rộng đà tăng, cộng thêm VIC có sắc xanh nhạt, nhưng chỉ đủ giúp VN-Index không mất ngưỡng hỗ trợ 820 điểm, chứ không thể giúp chỉ số thoát khỏi phiên giảm sâu.

Cụ thể, chốt phiên đầu tuần, VN-Index giảm 6,8 điểm (-0,82%), xuống 820,04 điểm với 65 mã tăng, trong khi có tới 218 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 210,65 triệu đơn vị, giá trị 4.475,83 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng, nhưng giảm 6% về giá trị. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,21 triệu đơn vị, giá trị 785 tỷ đồng.

Đà tăng của VCB và VPB đã biến mất trong phiên chiều và cả 2 đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày. Như vậy, toàn bộ 7 mã ngân hàng niêm yết trên HOSE đều chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, VCB giảm 2,2%, xuống 39.900 đồng, BID giảm 2,34%, xuống 20.900 đồng, CTG giảm 2,57%, xuống 18.950 đồng, VPB giảm 1,21%, xuống 40.800 đồng, MBB giảm 1,33%, xuống 22.200 đồng, STB giảm 2,16%, xuống 11.300 đồng, giảm nhẹ nhất là EIB khi chỉ mất 0,4%.

Không chỉ nhóm ngân hàng, các mã lớn khác cũng đồng loạt giảm như VNM giảm 0,34%, GAS giảm 3,68%, PLX giảm 1,42%, MSN giảm 0,88%...

Trong khi đó, ROS vẫn đi ngược lại với xu hướng của thị trường khi được kéo lên mức giá gần trần. Chốt phiên, ROS tăng 6,72%, lên 150.800 đồng với 2,6 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ROS, SAB cũng được sử dụng để hãm đà rơi của VN-Index và VN30-Index khi đóng cửa tăng 3,7%, lên 280.000 đồng với thanh khoản nhỏ giọt. VIC cũng đảo chiều tăng nhẹ 0,18% khi chốt phiên.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, dù nhận thông tin tích cực là ông Trịnh Văn Quyết đăng ký mua vào tiếp 37 triệu cổ phiếu, giúp FLC giữ được sắc xanh nhạt trong phiên sáng, nhưng với lực cầu khủng được tung  ra trong phiên chiều, FLC đã quay đầu giảm. Cụ thể, FLC giảm 4,08%, xuống 7.050 đồng với 48 triệu đơn vị được khớp.

Một người họ hàng khác của FLC là AMD cũng có giao dịch rất sôi động trong phiên chiều. Cổ phiếu này cũng bị bán mạnh và xuống mức sàn 9.300 đồng, nhưng nhờ lực cầu đỡ giá nên đóng cửa chỉ còn giảm 6%, xuống 9.400 đồng.

Trong khi đó, không có lực cầu thêm, HAI vẫn đóng cửa ở mức sàn 10.350 đồng với 2,93 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị.

Cũng lùi về mức sàn còn có OGC với 4,7 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa ở mức giá 2.700 đồng; HAR giảm sàn xuống 11.250 đồng, CTS giảm sàn xuống 10.250 đồng, CDO giảm sàn xuống 3.110 đồng, PXS giảm sàn xuống 7.210 đồng…

Trên HNX, với sắc đỏ tràn ngập trong top 10 mã có vốn hóa lớn nhất, HNX-Index lao dốc mạnh hơn khi giảm tới 1,9 điểm (-1,76%), xuống 106,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 50 triệu đơn vị, giá trị 631,58 tỷ đồng, tâng mạnh 22,3% về khối lượng và 41,8% về giá trị so với phiên cuối tuần qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,26 triệu đơn vị, giá trị 48,59 tỷ đồng.

ACB đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 30.700 đồng, giảm 3,15% với 2,6 triệu đơn vị được khớp, VCS giảm 1,82%, xuống 199.500 đồng, VCG giảm 5,8%, xuống 21.100 đồng với 4,7 triệu đơn vị được khớp, SHB giảm 1,23%, xuống 8.000 đồng với 8,6 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX, PVS giảm 0,63%...

Không chỉ các mã lớn, các mã nhỏ như KLF, HKB, NHP, APS…, cũng đóng cửa trong sắc đỏ.

Tương tự, UPCoM cũng nới rộng đà giảm trong phiên chiều khi UPCoM-Index đóng cửa giảm 0,6 điểm (-1,1%), xuống 53,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,79 triệu đơn vị, giá trị 378 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 222.000 đơn vị, giá trị 4,59 tỷ đồng.

DBD vượt qua LPB trở thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn với mức đột biến 5,29 triệu đơn vị được sang tên, đóng cửa ở mức tham chiếu 48.000 đồng.

LPB đứng vị trí thứ 2 với gần 1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,07%, xuống 12.600 đồng, GEX giảm 3,98%, xuống 21.700 đồng với 797.900 đơn vị.

Mã gây nóng thời gian qua là VKD phiên hôm nay bị đẩy xuống mức sàn 96.000 đồng với 141.100 đơn vị được khớp.

Thị trường chứng khoán: Dòng tiền không ngại rủi ro
Xu hướng trên thị trường chứng khoán toàn cầu cho thấy, dòng tiền đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng và không ngại rủi ro. Một nhịp điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư