Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Phiên 23/3: VIC và SAB đảo chiều giúp VN-Index gượng dậy
 
Lực cầu bắt đáy gia tăng tại một số mã lớn, nhất là tại VIC và SAB đảo chiều ngoạn mục đã giúp VN-Index lấy lại được gần nửa số điểm đã mất khi chốt phiên hôm nay.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 23/3
Diễn biến VN-Index phiên ngày 23/3

Trong phiên giao dịch sáng, cùng với đà lao dốc của chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Việt Nam cũng chứng khiến đà bán tháo mạnh, đẩy VN-Index lao từ mức đỉnh lịch sử 1.172 điểm xuống dưới 1.144 điểm ngay từ đầu phiên. Sau đó, dù nỗ lực gượng dậy, nhưng lực cung quá mạnh đẩy chỉ số này lao dốc mạnh trở lại và đóng cửa dưới ngưỡng 1.145 điểm.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán giá thấp tồn dư của cuối phiên sáng đẩy tiếp VN-Index thoái lui, giảm tới gần 34 điểm, xuống dưới 1.140 điểm và xác lập mức đáy của ngày.

Tưởng chừng hôm nay thị trường tiến tới kỷ lục buồn của phiên 5/2, thì bất ngờ lực cầu bắt đáy gia tăng tại một số mã lớn, kéo nhiều mã thoát khỏi mức thấp nhất ngày, trong đó VIC và SAB thậm chí còn đảo chiều ngoạn mục, giúp VN-Index thoát khỏi vực sâu, lấy lại được gần một nửa số điểm đã mất trước đó.

Chốt phiên cuối tuần (23/3), VN-Index giảm 18,77 điểm (-1,60%), xuống 1.153,59 điểm với 75 mã tăng, trong khi có tới 230 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 261,96 triệu đơn vị, giá trị 7.757,16 tỷ đồng, tăng 12,27% về khối lượng và 16,98% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,85 triệu đơn vị, giá trị 970 tỷ đồng.

Tương tự, HNX-Index cũng tạo mức đáy trong ngay ngay đầu phiên chiều do lực quán tính của cuối phiên sáng, trước khi bật trở lại, cũng lấy lại được gần một nữa số điểm đã mất.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,17 điểm (-1,62%), xuống 131,88 điểm với 54 mã tăng, trong khi có tới 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 89 triệu đơn vị, giá trị 1.535 tỷ đồng, tăng 49,6% về khối lượng và 35,56% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,84 triệu đơn vị, giá trị 116 tỷ đồng.

Khi VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.140 điểm và HNX-Index xuống sát 130 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc khá tốt, kéo nhiều mã thoát khỏi mức giá thấp nhất ngày.

Trên HOSE, trong Top 10 mã có vốn hóa lớn nhất sàn, đã xuất hiện 2 sắc xanh là VIC và SAB, thay vì chỉ mỗi VIC đứng ở tham chiếu như phiên sáng.

Cụ thể, VIC tăng 1,39%, lên 109.500 đồng với 3,46 triệu đơn vị được khớp, SAB tăng 1,9%, lên 235.400 đồng.

Các mã còn lại cũng hãm bớt đà giảm, như VNM giảm 0,96%, xuống 207.000 đồng, VCB giảm 2,92%, xuống 69.900 đồng, GAS giảm 2,17%, xuống 130.900 đồng, BID giảm 4,4%, xuống 42.350 đồng, có thời điểm mã này đã xuống 41.400 đồng, CTG giảm 2,37%, xuống 34.950 đồng, MSN giảm 1,54%, xuống 102.000 đồng, PLX giảm 2,07%, xuống 85.100 đồng, VPB giảm 2,3%, xuống 63.700 đồng.

Ngoài ra, một số bluechip khác cũng có sắc xanh như GEX tăng 1,16%, lên 35.000 đồng, VCI tăng 0,38%, lên 106.900 đồng. DPM cũng về được mức giá tham chiếu 22.850 đồng.

Trong khi đó, ROS giảm sàn xuống 135.100 đồng, HAR cũng tiếp tục lùi về mức sàn 9.350 đồng. NBB sau thông tin cháy lớn gây hậu quả rất nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza, quận 8, TP.HCM khiến 13 người chết rạng sáng nay, cũng giảm sàn về 23.750 đồng, với thanh khoản thấp do không nhiều nhà đầu tư xuống tiền.

Trong khi đó, có một số mã lại đi ngược thị trường như NVT tiếp tục đà tăng trần lên 7.070 đồng, VHC tăng lên trần 61.400 đồng, HU3 tăng trần lên 14.150 đồng, FDC tăng lên 21.250 đồng…

Trong phiên hôm nay, sàn HOSE có 4 cổ phiếu được khớp trên 10 triệu đơn vị là STB (17,46 triệu), CTG (13,24 triệu), FLC (12,96 triệu) và SCR (11,6 triệu). Không chỉ CTG, tất cả 3 mã còn lại cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó STB giảm 1,56%, xuống 15.750 đồng, FLC giảm 1,95%, xuống 6.050 đồng, SCR giảm 4,18%, xuống 12.600 đồng.

Trên HNX, PVS đảo chiều tăng 0,38%, lên 26.300 đồng với 12,39 triệu đơn vị được khớp, PVI cũng đảo chiều tăng 1,47%, lên 41.500 đồng, NTP tăng 0,79%, lên 64.000 đồng, trong khi phiên sáng trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất HNX không có mã nào có sắc xanh.

ACB cũng hồi phục dần khi đóng cửa chỉ còn giảm 2,13%, xuống 46.000 đồng, có lúc đã giảm 5,32%, xuống 44.500 đồng, tổng khớp đạt 6,4 triệu đơn vị. SHB cũng giảm 3,01%, xuống 12.900 đồng với 24,97 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX, mức thấp nhất trong ngày của SHB lfa 12.500 đồng.

Trong khi đó, một số mã nhỏ lại ngược dòng tốt như SPP, SGO, PVV, C69, FID, SCJ khi đóng cửa ở mức giá trần.

Trên UPCoM, diễn biến cũng khá tương đồng với 2 sàn niêm yết khi nới rộng đà giảm trong đầu phiên chiều, sau đó hồi phục dần và đóng cửa ở mức cao gần nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,80%), xuống 59,91 điểm với 85 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,17 triệu đơn vị, giá trị 562 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,5 triệu đơn vị, giá trị 115,58 tỷ đồng.

Các mã lớn trên sàn này ngoại trừ SDI, MCH, MPC, KLB, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, POW được khớp lớn nhất sàn với 3,36 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,23%, xuống 16.100 đồng, LPB giảm 3,13%, xuống 15.500 đồng với 2,77 triệu đơn vị, BSR giảm 2,95%, xuống 26.300 đồng với 1,51 triệu đơn vị, HVN giảm 3,3%, xuống 46.900 đồng, OIL giảm 4,13%, xuống 20.900 đồng.

Đằng sau sự thăng hoa của cổ phiếu bất động sản
Kết quả kinh doanh nổi bật, cùng kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng ngành được xem là yếu tố thúc đẩy nhóm cổ phiếu bất động sản tăng mạnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư