Trong phiên chiều, dòng tiền vào thị trường tuy không chậm như phiên sáng nhưng vẫn khá dè dặt. Bởi vậy, sự hồi phục của VN-Index không cải thiện nhiều. Đà giảm của VN-Index chỉ được hạn chế bớt chủ yếu nhờ 3 mã vốn hóa lớn nhất sàn là VHM, VIC và VNM tăng điểm.

Mức giảm của thị trường tuy không lớn nhờ sự hỗ trợ của một số mã trụ, nhưng thanh khoản lại sụt giảm mạnh vì không nhận được sự hậu thuận của dòng tiền.

Đóng cửa, với 120 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index giảm 3,02 điểm (-0,31%) xuống 985,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 129,28 triệu đơn vị, giá trị 4.129,44 tỷ đồng, giảm 29% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên 23/5.

Diễn biến VN-Index phiên 24/5
Diễn biến VN-Index phiên 24/5

 

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 837 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 5,744 triệu cổ phiếu NVL, giá trị hơn 285 tỷ đồng và 3,06 triệu cổ phiếu KDC, giá trị 107,1 tỷ đồng.

Sau phiên tăng mạnh trước đó, sắc đó đã trở lại với nhóm bluechips. Rổ cổ phiếu VN30 chỉ còn 5 mã tăng và 1 mã đứng giá, còn lại là giảm điểm. Trong đó, ROS giảm sàn về 65.100 đồng (-7%), bên mua trắng lệnh và khớp được 0,995 triệu đơn vị. Trong 10 phiên gần nhất, cổ phiếu này giảm tới 7 phiên với mức giảm từ 2-7% mỗi phiên.

Ngoài ROS, các mã VJC, CTD, BVH, DHG, FPT, DPM, SSI, SBT cũng ghi nhận mức giảm mạnh. SBT giảm 3,5% về 16.400 đồng, khớp lệnh 4,57 triệu đơn vị, nhiều nhất trong rổ VN30. SSI giảm 2,4% về 30.450 đồng, khớp lệnh 2,97 triệu đơn vị. FPT giảm 1,8% về 59.500 đồng, khớp lệnh 1,03 triệu đơn vị...

Ngoại trừ EIB, nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn mã nào tăng. HDB giảm 5,8% về 35.500 đồng, khớp lệnh 2,36 triệu đơn vị; VCB giảm 2,2% về 53.300 đồng và khớp 1,3 triệu đơn vị; CTG giảm 2,3% về 27.350 đồng, khớp lệnh 2,6 triệu đơn vị; BID giảm 2,6% về 29.650 đồng, khớp lệnh 1,08 triệu đơn vị; VPB giảm 2,2% về 44.100 đồng, khớp lệnh 1,83 triệu đơn vị. MBB, STB và TPB cùng giảm điểm nhẹ, nhưng chỉ MBB và STB có thanh khoản cao, đạt tương ứng 4,27 triệu và 3,47 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng bao trùm rất nhiều mã giảm, trong đó có FLC, SCR, OGC, ASM, HAG, HNG, DXG, HQC, VHG, HAR, IDI, ITA, GTN... Thanh khoản của nhóm này cũng không cao, mã khớp lệnh nhiều nhất như FLC hay SCR cũng chỉ đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc xanh cũng chỉ xuất hiện ở thời điểm đầu phiên, sau đó là chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, đà giảm trên HNX là mạnh hơn hẳn so với HOSE khi các mã trụ đều giảm mạnh. Cùng với đó, thanh khoản sàn này cũng giảm rất mạnh khi dòng tiền gần như đứng ngoài thị trường.

Đóng cửa, với 79 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 1,04 điểm (-0,88%) xuống 117,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,36 triệu đơn vị, giá trị 384 tỷ đồng, giảm 45% về khối lượng và 41% về giá trị so với phiên 23/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp rất khiêm tốn hơn 4 tỷ đồng.

Tại rổ HNX30, tuy số mã giảm không áp đảo so với số mã tăng, nhưng việc những mã vốn hóa lớn nhất như ACB, SHB, PVS, VCG, SHS... đông loạt giảm điểm nên chỉ số HNX-Index không tránh được phiên giảm khá mạnh.

SHB giảm 0,4% về 9.100 đồng và khớp 3,45 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. ACB giảm 0,5% về 41.000 đồng và khớp 1,35 triệu đơn vị. PVS giảm 0,6% về 19.300 đồng và khớp 2,15 triệu đơn vị. SHS giảm 0,5% về 16.000 đồng và khớp 1,46 triệu đơn vị...

Ngược lại, CEO bật tăng 1,1% lên 17.900 đồng, khớp lệnh 2,42 triệu đơn vị, chỉ sau SHB. Các mã VGC,VCS, NDN, NTP, LAS... cũng tăng, nhưng thanh khoản cao chỉ có VGC với 2,2 triệu đơn vị được sang tên.

Các mã PVX, DST và NSH cũng nằm trong số mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng đều không tăng điểm.

Trên sàn UPCoM, tuy mức giảm không mạnh, nhưng cũng chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch. Một trong những nguyên nhân khiến động lực tăng điểm sàn này yếu là dòng tiền vào thị trường rất kém, khiến thanh khoản vô cùng èo uột.

Đóng cửa, với 72 mã tăng và 70 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,36%) xuống 53,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 7,43 triệu đơn vị, giá trị 134 tỷ đồng, giảm 78% về khối lượng và 69% về giá trị so với phiên 23/5. Giao dịch thỏa thuận cũng đóng góp vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng trong phiên này.

Trên sàn, duy nhất mã LPB là đạt mức khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị (1,42 triệu đơn vị), đóng cửa tăng 0,1% lên 12.100 đồng. Mã có thanh khoản đứng thứ 2 sàn này là BSR với 0,77 triệu đơn vị được khớp, tăng 0,3% lên 20.000 đồng.

Một số mã nóng khác cũng có được sắc xanh dù thanh khoản thấp như POW, VGT, TOP, ACV, ART, MSR...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa khi LPB và KLB tăng điểm (+4,4% lên 11.900 đồng), VIB đứng giá (29.700 đồng), còn BAB giảm điểm (-0,4% về 22.300 đồng).