Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, áp lực chốt lời diễn ra mạnh mẽ đã khiến VN-Index lao dốc xuống dưới tham chiếu. Dù vậy, may nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng một số mã lớn đã nhanh chóng lấy lại phong độ và đóng cửa trong sắc xanh, với thanh khoản cải thiện hơn so với phiên trước đó.

Kết phiên, sàn HOSE khá cân bằng với 138 mã tăng/140 mã giảm, VN-Index tăng 2,53 điểm (+0,26%) lên 968,46 điểm. Thanh khoản vẫn khá tốt với khối lượng giao dịch đạt 235,83 triệu đơn vị, giá trị 5.906,74 tỷ đồng, tăng 26,79% về lượng và 12,46% về giá trị so với phiên hôm qua.

Diễn biến VN-Index phiên 27/12
Diễn biến VN-Index phiên 27/12

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 58 triệu đơn vị, giá trị 1.594,46 tỷ đồng. Trong đó, ngoài FLC thỏa thuận lớn từ phiên sáng, còn có thêm NVL thỏa thuận 6,71 triệu đơn vị, giá trị 410,17 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1,24 triệu đơn vị, giá trị 164,92 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 4 triệu đơn vị, giá trị 159,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được bao phủ bởi sắc xanh, trong đó cổ phiếu lớn VCB tiếp tục duy trì đà tăng tốt 2,14% lên mức 52.500 đồng/CP, còn STB và MBB vẫn là 2 mã giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh đạt 18.18 triệu đơn vị và hơn 7 triệu đơn vị; các mã còn lại cũng có khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu vua, nhiều trụ cột cũng tăng khá tốt như VNM tăng 1% lên mức 205.000 đồng/CP, GAS tăng 1,3% lên mức 98.800 đồng/CP, HPG tăng 3,4% lên mức 45.400 đồng/CP, ROS tăng 1,1% lên 167.400 đồng/CP…

Trái lại, một số mã lớn quay đầu hoặc nới rộng đà giảm, là tác nhân khiến VN-Index một lần nữa “lỗi hẹn” với mốc 970 điểm như VIC giảm 1,03% xuống mức 77.200 đồng/CP, SAB giảm 1,87% xuống mức 252.200 đồng/CP, BHN giảm 1,6% xuống mức 122.000 đồng/CP, MSN giảm 0,66% xuống mức 75.000 đồng/CP, VRE giảm 1,1% xuống mức 47.450 đồng/CP, VJC giảm 0,3% xuống mức 142.500 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh người anh cả VIC giảm sâu hơn, nhiều mã vừa và nhỏ cũng đã chịu áp lực điều chỉnh và quay đầu giảm như HQC, OGC, ITA, SCR…

Trong khi đó, FLC cũng chỉ còn nhích nhẹ 0,14% và kết phiên ở mức giá 6.960 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 14,21 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau STB.

Trên sàn HNX, ACB vẫn đóng vai trò là điểm tựa chính dẫn dắt thị trường.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 1,52 điểm (+1,33%) lên mức 115,58 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 49,68 triệu đơn vị, giá trị 826,92 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% về lượng và hơn 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 6,75 triệu đơn vị, giá 144,56 tỷ đồng.

Như đã đề cập ở trên, cổ phiếu ACB vẫn duy trì đà tăng mạnh nhờ lực cầu hấp thụ lớn. Kết phiên, ACB tăng 5,2% lên mức 36.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 6,67 triệu đơn vị. Còn “người anh em cùng họ” SHB tiếp tục có mức thanh khoản tốt nhất sàn đạt 9,74 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 9.200 đồng/CP, tăng 1,1%.

Bên cạnh đó, các mã lớn trong nhóm bất động sản cũng tăng khá tốt như VCG tăng 2,88% lên mức 21.400 đồng/CP, VGC tăng 1,95% lên mức 26.100 đồng, HUT tăng 0,93% lên mức 10.800 đồng/Cp, NDN tăng 2,91% lên mức 10.600 đồng/CP…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí lại chịu áp lực bán tăng mạnh và hầu hết các mã lớn như PVC, PVS, PVB đều quay đầu đi xuống.

Trên sàn UPCoM, đà giảm được duy trì suốt cả phiên chiều bởi các mã lớn vẫn giao dịch thiếu tích cực.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,32%) xuống 54,2 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,29 triệu đơn vị, giá trị 174,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 6,24 triệu đơn vị, giá trị 261,54 tỷ đồng.

Các mã lớn như LPB, GEX, VIB, MCH, SCS… tiếp tục nới rộng đà giảm trong phiên chiều. Trong đó, LPB đảo chiều giảm 0,78% xuống mức 12.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,72 triệu đơn vị, tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.

Đứng ở vị trí tiếp theo, GEX có khối lượng giao dịch 1,6 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 24.100 đồng/CP, giảm 2,82%. Ngoài ra, HVN và DVN cũng có khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị.