Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tuần nước, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở lại, hòa vào những con sóng chứng khoán, dầu khí và bất động sản, giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại mốc 990 điểm trong phiên sáng đầu tuần.

Sang phiên chiều, đà tăng tiếp tục được nới rộng giúp chỉ số VN-Index lên sát mốc 995 điểm chỉ sau gần 20 phút giao dịch. Tuy nhiên, ngay khi áp sát ngưỡng cản tâm lý này, lực bán đã bất ngờ gia tăng trong khi dòng tiền tham gia có phần thận trọng hơn, đã đẩy nhiều mã quay đầu đi xuống khiến thị trường thu hẹp đà tăng điểm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Nhật Cường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank, VN-Index vẫn chưa thực sự sẵn sàng để chinh phục lại ngưỡng điểm tâm lý 1.000 điểm trong cuối tháng 8 do thị trường hiện vẫn đang thiếu vắng sự hỗ trợ từ dòng tiền lớn của khối ngoại trong bối cảnh xu hướng bán ròng vẫn đang là chủ đạo cộng hưởng với việc dòng tiền nhà đầu tư nội hiện vẫn chưa tạo được tính ổn định cũng như liên tục để có thể nâng đỡ thị trường.

Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản đang chịu áp lực bán ra khá lớn sau những phiên liên tiếp khởi sắc với nhiều mã giao dịch dưới mốc tham chiếu khi kết phiên như FLC, SCR, OGC, DIG, ITA, HQC…, hay VHM, DXG, KBC, IDI, HBC… đứng giá tham chiếu.

Bên cạnh đó, trụ cột chính VNM tiếp tục gia tăng gánh nặng khi giảm 1,17% xuống 160.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,14 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã bluechip khác cũng đóng vai trò lực hãm như ROS, KDC, FPT, VRE…

Ở nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có sự phân hóa. Trong khi cặp đôi lớn PLX và GAS thu hẹp đà tăng thì PVD, PVS đảo chiều giảm.

Hôm nay (27/8) là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tạm ứng năm 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, nên cổ phiếu GAS thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu từ 101.500 đồng/CP xuống 99.500 đồng/CP. Kết phiên, GAS tăng nhẹ 0,7% lên 100.200 đồng/CP và khớp 451.380 đơn vị.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm hút dòng tiền và đóng vai trò là điểm tựa chính giúp VN-Index bảo toàn được mốc 990 điểm.

Cụ thể, MBB tăng 1,7% lên 23.900 đồng/CP và khớp lệnh 11,33 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn; CTG tăng 4,21% lên 27.200 đồng/CP và khớp 9,44 triệu đơn vị; STB tăng 0,88% lên 11.400 đồng/CP và khớp 4,28 triệu đơn vị, VPB tăng gần 1% lên 25.300 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị, BID tăng 1,8% lên 34.000 đồng/CP và khớp 2,54 triệu đơn vị; VCB tăng 1,77% lên 63.100 đồng/CP và khớp 1,8 triệu đơn vị.

Là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 7 trên toàn thị trường, SAB cũng đã có phiên giao dịch khởi sắc sau 1 tuần lình xình quanh mốc tham chiếu với thông tin HĐQT Sabeco thông qua kế hoạch tạm ứng cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 35%, trong đó đợt 1 được trả 15% bào tháng 10/2018 và đợt 2 tạm ứng 20% vào tháng 12,2018. Kết phiên, SAB tăng 2,8% lên 219.000 đồng/CP và khớp 67.490 đơn vị.

Đóng cửa sàn HOSE có 150 mã tăng và 144 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,87 điểm (+0,49%) lên 991,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 189,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.477 tỷ đồng, tăng 5,28% về lượng và đạt xấp xỉ giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 16,82 triệu đơn vị, giá trị 588,16 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 27/8
Diễn biến VN-Index phiên 27/8

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã lớn lùi về mốc tham chiếu hoặc quay đầu giảm giá, là tác nhân đẩy thị trường đi xuống.

Kết phiên, HNX-Index đứng giá tham chiếu 111,62 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 50,52 triệu đơn vị, giá trị 683,72 tỷ đồng, tăng 12,27% về lượng và giảm 10,84% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,33 triệu đơn vị, giá trị 46,92 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, những mã tác động mạnh khiến thị trường quay về điểm xuất phát phải kể đến ACB, VCG, HUT, PGS… lùi về mốc tham chiếu, bên cạnh đó PVS giảm gần 0,5% xuống 20.600 đồng/CP, CEO giảm 3,5% xuống 13.800 đồng/CP, NVB giảm 2,4% xuống 8.100 đồng/CP, VCS giảm 1,67% xuống 88.500 đồng/CP…

SHB vẫn duy trì mức tăng nhẹ 1,19%, kết phiên tại mức giá 8.500 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu trên sàn với 10,85 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

Trên sàn UPCoM, giao dịch tiếp tục giằng co nhẹ. Sau hơn 1 giờ liên tục đổi sắc, chỉ số thị trường đã lùi về dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%) xuống 51,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,15 triệu đơn vị, giá trị 177,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 48,18 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn BSR và POW cùng có được sắc xanh nhạt, với mức tăng lần lượt 1,2% lên 16.800 đồng/CP và 0,76% lên 13.300 đồng/CP. Đây cũng là 2 mã giao dịch tốt nhất trên sàn, trong đó BSR đạt khối lượng giao dịch hơn 2 triệu đơn vị, còn POW đạt 1,14 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác như VGT, DVN, HVN, ACV… cũng có được mức tăng nhẹ, đã không đủ sức giúp thị trường khởi sắc trước sức ép đến từ các mã lớn khác như VEA, MSR, VIB…