Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phiên 29/2: Cổ phiếu khoáng sản, dược phẩm nổi sóng
 
Mặc dù nhóm cổ phiếu dược tăng mạnh cùng sắc tím lan rộng trong nhóm cổ phiếu khoáng sản, nhưng gánh nặng đến từ các cổ phiếu bluechip đã kéo thị trường giảm sâu trong phiên 29/2, chỉ số VN-Index đánh mất mốc 560 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Sau thời gian chùng đầu phiên, thị trường đã bứt lên nhờ lực đỡ từ các cổ phiếu dầu khí và chứng khoán giúp chỉ số VN-Index giằng co quanh mốc tham chiếu và có lúc vươn lên mức giá xanh. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng cuối phiên với sức hãm chủ yếu từ nhóm “cổ phiếu vua” khiến thị trường rơi xuống dưới mốc tham chiếu.

Bước vào phiên giao dịch chiều, sức nặng của các ông lớn VNM, MSN cùng đà giảm mạnh của các mã ngân hàng kéo thị trường tiếp tục rớt giá. Trong khi lực cầu có dấu hiệu chững lại và suy yếu dần từ phiên cuối tuần trước thì áp lực đẩy bán có dấu hiệu tăng mạnh, đặc biệt trong đợt khớp ATC. Lực bán gia tăng mạnh và tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu bluechip đã kéo thị trường suy giảm mạnh, chỉ số VN-Index xuyên thủng mốc 560 điểm xuống mức điểm thấp nhất trong phiên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,74 điểm (-1,19%) xuống 559,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 129,71 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.074,23 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 12,71 triệu đơn vị, trị giá 278,32 tỷ đồng với sự đóng góp tích cực của hơn 1,2 triệu cổ phiếu VNM, trị giá 160,78 tỷ đồng. VN30-Index giảm 7,05 điểm xuống 570,66 điểm với 8 mã tăng, 16 mã giảm và 6 mã đứng giá.

Diễn biến VN-Index phiên 29/2
Diễn biến VN-Index phiên 29/2

HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,41%) xuống 78,73 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 46,21 triệu đơn vị, trị giá 485,96 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,45 triệu đơn vị, trị giá hơn 31 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 1,01 điểm xuống 139,49 điểm với 7 mã tăng, 16 mã giảm và 7 mã đứng giá.

Diễn biến HNX-Index phiên 29/2
Diễn biến HNX-Index phiên 29/2

Cùng với đà giảm được nới rộng của các ông lớn như VNM và MSN cùng giảm 2.000 đồng/CP; VIC giảm 900 đồng/CP thì các cổ phiếu họ ngân hàng cũng đều lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu như VCB giảm tới 1.000 đồng; BID giảm 700 đồng; CTG giảm 500 đồng; STB giảm 400 đồng; MBB, SHB và ACB cùng giảm 200 đồng; EIB giảm 100 đồng.

Trong khi đó, lực đỡ chính của thị trường là các cổ phiếu dầu khí lại hãm đà tăng như PVD chỉ còn tăng 400 đồng/CP, GAS tăng 200 đồng/CP, PVX và PVS vẫn giữ mức tham chiếu trong khi PVC không giữ được sắc xanh và đảo chiều giảm 100 đồng…

Trái với diễn biến khá xấu từ các cổ phiếu bluechip, họ khoáng sản lại có cú bứt phá mạnh đi ngược xu hướng khi hầu hết các mã trong nhóm đều tăng kịch trần với dư bán trống sàn như ALV, BGM, BMC, FCM, KSA, KSH, KSS, LCM, BAM, KSK, KSQ… Đáng chú ý, có những mã dư mua trần khá lớn như BAM và KSA dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị, BGM có phiên tăng trần thứ 12 liên tiếp và dư mua trần 1,98 triệu đơn vị trong phiên… Tuy nhiên, sức mạnh của nhóm cổ phiếu này không đủ lớn để giúp thị trường hãm phanh trước gánh nặng của các “ông lớn”.

Một điểm sáng khác của thị trường trong phiên là các cổ phiếu ngành dược. Bất chấp thị trường chung điều chỉnh khá mạnh, nhiều mã trong nhóm cổ phiếu dược tiếp tục đà tăng khá mạnh như DMC, IMP, DHG, DHT, LDP cùng tăng từ 2.000 đồng/CP trở lên, TRA tăng 1.000 đồng/CP…

Cặp đôi cổ phiếu đáng chú ý HAG và HNG tiếp tục chịu sức ép bán ra và giảm mạnh. Trong khi HAG giảm sát sàn xuống mức 8.100 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu đạt 8,79 triệu đơn vị thì HNG đã lùi về mức giá sàn 8.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, SCR là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn với 6,52 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đóng cửa, SCR đứng ở mốc tham chiếu 9.600 đồng/CP.

Petrolimex: Lãi 3.138,5 tỷ đồng, quỹ bình ổn giá dư 2.377 tỷ đồng
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất với doanh thu và lợi nhuận khủng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư