Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường giao dịch có phần chùng xuống. Tuy nhiên, đà tăng nhẹ của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng những mã lớn giúp VN-Index duy trì sắc xanh và đứng vững trên mốc 805 điểm.

Bất ngờ đã xảy ra ở những phút cuối, khi vào đợt khớp ATC, lực bán ồ ạt gia tăng mạnh đẩy thị trường đột ngột lao dốc. Trong đó, SAB điều chỉnh khá mạnh cùng đà giảm của PLX, GAS, MSN… , khiến VN-Index thủng mốc tham chiếu, kết phiên trong sắc đỏ với thanh khoản sụt giảm khá mạnh.

Kết phiên cuối tuần, VN-Index giảm 0,4 điểm (-0,05%) xuống 804,42 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 139,48 triệu đơn vị, giá trị 3.097,33 tỷ đồng, giảm 27,6% về lượng và 19,83% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,25 triệu đơn vị, giá trị 352,86 tỷ đồng, trong đó NVL thỏa thuận 1,32 triệu đơn vị, giá trị 80,73 tỷ đồng, SVI thỏa thuận 1,15 triệu đơn vị, giá trị 57,27 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 29/9
Diễn biến VN-Index phiên 29/9

Trên sàn HNX, dù sắc đỏ chiếm giữ gần hết phiên giao dịch nhưng trái với sàn HOSE, chỉ số sàn HNX đã bất ngờ đảo chiều tăng điểm về cuối phiên nhờ sự hồi phục của ACB và một số mã bluechip.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,23 điểm (+0,21%) lên 107,66 điểmvới tổng khối lượng giao dịch đạt 59,38 triệu đơn vị, giá trị 496,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,11 triệu đơn vị, giá trị 32,06 tỷ đông.

Các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE khá phân hóa, trong khi BID, CTG, STB đảo chiều giảm thì VPB, VCB, MBB vẫn duy trì sắc xanh với mức tăng 0,7-1,3%.

Sau phiên đóng vai trò là trụ đỡ chính ngày hôm qua, cổ phiếu lớn SAB đã bất ngờ lao dốc về cuối phiên trước lực cung gia tăng mạnh. Với mức giảm 2,3%, SAB lùi về mức giá thấp nhất ngày 260.000 đồng/CP.

Đà giảm mạnh cũng lan sang nhiều mã lớn khác, điển hình như GAS cũng lao về mức giá thấp nhất khi giảm 2,3%, MSN đảo chiều giảm 1,1%, PLX giảm 1,3%...

Trái lại, nhóm cổ phiếu thép có màn lội ngược dòng thị trường khá tốt khi hầu hết đều được kéo tăng khá tốt như HPG tăng 3% và khớp hơn 6 triệu đơn vị, POM tăng 1,9%, YLG tăng 0,8%, NKG tăng 1%, HSG và VIS cùng tăng 0,4%, DTL tăng 2,9%...

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu thị trường giao dịch vẫn tiêu cực. Bên cạnh FIT, còn có thêm sự góp mặt của các mã đầu cơ quen thuộc cũng bị đẩy về mức giá sàn như HAI, HAR, JVC. Trong đó, FIT duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với 8,54 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

Ngoài ra, các mã khác trong nhóm như FLC, HAG, OGC, TSC, DLG, HNG, ITA, GTN… cũng đều giữ sắc đỏ khi kết phiên.

Trên sàn HNX, trong khi SHB vẫn đứng ở mốc tham chiếu thì ACB tăng khá tốt 1% với khối lượng khớp 0,92 triệu đơn vị, là điểm tựa chính giúp thị trường dành lại sắc xanh sau 2 phiên điều chỉnh.

Cũng giống FIT, cổ phiếu KLF vẫn chịu áp lực bán tháo và tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp. Với mức giảm 9,52%, KLF đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 9 tại mức giá 3.800 đồng/CP và vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường đạt hơn 28 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, mặc dù diễn biến lình xuyên suốt gần cả phiên chiều, nhưng trái với sàn HOSE, chỉ số sàn này đã tạo bước đột phá khi tăng vọt về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,41%) lên 54,39 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 114 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,4 triệu đơn vị, giá trị 83,58 tỷ đồng, trong đó VIR thỏa thuận 3,66 triệu đơn vị, giá trị 40,3 tỷ đồng.

Lực đỡ thị trường đến từ một số mã lớn như LTG, VOC, MCH, ACV…

Bộ đôi tí hon ATA và NTB cùng tiến bước với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM, lần lượt đạt 890.200 đơn vị, giá trị 862.200 đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu mới KDF duy trì sắc đỏ với mức giảm nhẹ 0,3% và khối lượng giao dịch đạt 469.200 đơn vị.