Trong phiên giao dịch chiều, trong khi VN-Index được kéo mạnh lên đầu phiên, tiến sát ngưỡng kháng cự 850 điểm, thì HNX-Index lại nhanh chóng quay đầu và xuống dưới tham chiếu sau hơn 20 phút giao dịch.

Tuy nhiên, khi VN-Index tiến sát ngưỡng 850 điểm, áp lực bán diễn ra mạnh, đẩy chỉ số này thoái lui. Nhiều mã không hưởng lợi từ việc VN-Index liên tiếp lập đỉnh, nhưng chịu “họa” ngay khi thị trường điều chỉnh.

Số mã giảm lan rộng khắp bảng điện từ và kết thúc phiên, trên sàn HOSE, sắc đỏ gấp 2 lần sắc xanh (93 mã tăng, trong khi có 187 mã giảm). Dù vậy, với việc 6/10 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh, đặc biệt là ROS bất ngờ được kéo lên mức trần trong những phút cuối phiên, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh và đóng cửa trên ngưỡng 845 điểm.

Cụ thể, chốt phiên, VN-Index tăng 4,83 điểm (+0,57%), lên 845,2 điểm với 197,25 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 4.512,19 tỷ đồng, tăng 37,5% về khối lượng và tăng 31,6% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,15 triệu đơn vị, giá trị 880,78 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 30/10
Diễn biến VN-Index phiên 30/10

Trong Top 10 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường, 6 mã tăng mạnh là SAB (+2,32%, lên 287.000 đồng), VIC (+1,75%, lên 58.000 đồng), GAS (+5,2%, lên 72.900 đồng), ROS (+6,99%, lên 209.700 đồng – đỉnh giá lịch sử mới), BID (tăng 3,07%, lên 21.850 đồng) và MSN (+2,56%, lên 60.000 đồng).

Trong khi đó, 4 mã còn lại giảm, nhưng mức giảm rất nhẹ. Cụ thể, VNM (-0,33%), VCB (-0,24%), PLX (-0,96%) và CTG (-0,79%).

Trong nhóm nay, BID là mã có thanh khoản tốt nhất với 5,5 triệu đơn vị, VCB với 3,8 triệu đơn vị, GAS với 2,17 triệu đơn vị. Trong khi đó, ROS dù tăng được kéo lên mức trần, nhưng thanh khoản lại khiêm tốn hơn rất nhiều so với các phiên trước, với chỉ hơn 0,6 triệu đơn vị được khớp.

Trong số các mã nhỏ, đa số cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó FLC có thanh khoản tốt nhất với 12,82 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,9%, xuống 6.700 đồng. ASM cũng có thanh khoản tốt với hơn 10 triệu đơn vị, nhưng cũng giảm mạnh 6,67%, xuống 11.400 đồng, thậm chí có lúc đã xuống mức sàn 11.200 đồng.

Không may mắn như ASM, các mã QCG, HAR, FIT, HBC… đều không thể thoát được mức sàn khi chốt phiên hôm nay.

Trong khi đó, giống người anh em ROS, HAI lại khởi sắc khi đóng cửa ở mức trần 9.670 đồng với 3,89 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần tới hơn 2,6 triệu đơn vị.

Trên HNX, sau khi về dưới tham chiếu, chỉ số HNX-Index giằng co nhẹ quanh ngưỡng này, nhưng những phút cuối, trước áp lực bán gia tăng mạnh, HNX-Index đã lùi mạnh về mức giá thấp nhất ngày khi đóng cửa.

Cụ thể, HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,45%), xuống 105,98 điểm với 41,16 triệu đơn vị được khớp, giá trị 574,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị 11,17 tỷ đồng.

Đa số các mã trong HNX30 đều giảm, trong đó ACB giảm 1,88%, xuống 31.300 đồng với gần 2 triệu đơn vị được khớp, SHB giảm 1,25%, xuống 7.900 đồng với 4,55 triệu đơn vị được khớp (dẫn đầu thanh khoản sàn HNX), NTP giảm 0,68%, xuống 73.500 đồng. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có một số cổ phiếu tăng mạnh như VCS tăng 5,09%, lên 214.800 đồng, PHP tăng 8,33%, lên 13.000 đồng, VNR tăng 7,88% lên 26.000 đồng…

Trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index chủ yếu lình xình quanh tham chiếu trong phiên chiều và đóng cửa tăng nhẹ.

Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,14%), lên 52,66 điểmvới 7,61 triệu đơn vị, giá trị 145,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8 triệu đơn vị, giá trị 346,29 tỷ đồng.

Hôm nay, 2 mã có thanh khoản tốt nhất là DVN và LPB với 1,4 triệu đơn vị và 1,1 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa lại trái chiều nhau. Trong đó, DVN tăng 3,61%, lên 17.200 đồng, thì LPB giảm 1,48%, xuống 13.300 đồng.

ART tăng 4,29%, lên 17.000 đồng với 0,88 triệu đơn vị được khớp, có lúc đã lên mức trần 18.700 đồng.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hôm nay có 15.700 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.312,46 tỷ đồng, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 15,1% về giá trị so với phiên cuối tuần qua.