Trong phiên sáng, áp lực chốt lời ROS diễn ra mạnh khi mã này có chuỗi tăng giá ấn tượng kể từ đầu tháng 10 với mức tăng 95%, đã ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index.
Có thời điểm, ROS bị giảm xuống mức sàn 195.100 đồng, cùng với sắc đỏ ở hàng loạt mã khác khiến VN-Index giảm hơn 7,4 điểm. Tuy nhiên, sau đó lực cầu bắt đáy gia tăng, khiến đà giảm tại các mã lớn bị hãm lại, cùng với đó thị trường còn có sự hỗ trợ của VIC, BID, PVD giúp đà giảm của thị trường cũng được hãm lại.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên lực bán lại diễn ra mạnh và lan rộng trên bảng điện tử, trong khi lực cầu lại tỏ ra thận trọng, khiến số mã giảm gấp hơn 2 lần số mã tăng, khiến VN-Index lao dốc mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, với 87 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index giảm 7,92 điểm (-0,94%) xuống 837,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 192,05 triệu đơn vị, giá trị 4.042,6 tỷ đồng, giảm 2,64% về khối lượng và 10,41% về giá trị so với phiên 30/10.

Diễn biến VN-Index phiên 31/10
Diễn biến VN-Index phiên 31/10

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 32 triệu đơn vị, giá trị 1.042 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 4,443 triệu cổ phiếu MSN, giá trị hơn 275 tỷ đồng và 5 triệu cổ phiếu VPB, giá trị 195 tỷ đồng.

Đánh chú ý trong phiên hôm nay là ROS. Việc cổ phiếu ROS liên tiếp tăng mạnh thời gian qua đã góp phần kéo VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới trong 10 năm. Tuy nhiên, sau khi lên ngưỡng 209.700 đồng, tăng 97% so với phiên 28/9, ROS đã bị chốt lời mạnh, trong khi lực cầu hạn chế, kéo mã này giảm mạnh 4,6% về 200.000 đồng/CP, thậm chí có lúc đã giảm sàn.

Trong thời gian 23 phiên tăng liên tiếp trên của ROS, VN-Index cũng tăng tới 15 phiên, với mức tăng gần 40 điểm, từ 805,63 điểm lên 845,27 điểm, tức tăng 4,92%. Với tác động lớn như vậy, việc ROS “hắt hơi” khiến VN-Index “sổ mũi” theo cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài ROS, góp phần dìm chỉ số còn phải kể đến đà giảm của nhiều bluechips khác. Trong top 10 mã vốn hóa, còn tới 7 mã giảm điểm, đáng kể là GAS (-1,9%), SAB (-0,5%)… và chỉ có 1 mã tăng nhẹ là VIC. Cùng với đó, rổ VN30 cũng chỉ le lói vài sắc xanh là HSG, HPG, PVD, FPT và KDC. Việc MBB và và BID lùi về tham chiếu khiến các mã ngân hàng thêm yếu khi chỉ còn EIB là tăng điểm.

HSG, HPG và MBB là mã có thanh khoản tốt nhất rổ khi cùng khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Đà giảm cũng bao trùm lên các nhóm ngành khác trên thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu bất động sản, trong đó có những mã “nóng” là HQC, ASM, AMD, HAI, PPI, QCG… trong đó, HQC khớp hơn 9,97 triệu đơn vị và còn dư bán sàn tới 2,45 triệu đơn vị; AMD và HAI khớp hơn 2 triệu đơn vị…

FLC khớp 20,7 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường, đóng cửa giảm 5,4% về 6.340 đồng/CP.

Ngược lại, cặp đôi HAG và HNG đi ngược thị trường với mức tăng khá ổn sau khi kết quả kinh doanh được công bố tích cực. HAG khớp 8,1 triệu đơn vị, HNG khớp 1,7 triệu đơn vị.

KSA phiên này tăng trần lên 1.930 đồng/CP và khớp 2,955 triệu đơn vị.

Trên HNX, diễn biến cũng không sáng hơn là mấy. Đa phần cổ phiếu lớn trên sàn này đều giảm điểm khiến chỉ số HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,82 điểm (-0,77%) xuống 105,16  điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,1 triệu đơn vị, giá trị 486,79 tỷ đồng, tăng 7% về khối lượng, nhưng giảm 15% về giá trị so với phiên 30/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa đến 10 tỷ đồng.

Trong rổ HNX30, chỉ còn một vài mã còn tăng là CEO, MAS, PLC, PGS, PVI và VCS, nhưng chỉ CEO là có thanh khoản cao khá đột biến, với hơn 5 triệu đơn vị được khớp, chỉ đứng sau mã dẫn đầu thanh khoản của sàn là KLF đạt 6,77 triệu đơn vị, nhưng KLF giảm 5,1% về 3.700 đồng/CP.

SHB khớp 3,8 triệu đơn vị, ACB là 2,3 triệu đơn vị, các mã SHS, PVS, HUT và VCG cùng khớp trên 1 triệu đơn vị, song đều giảm điểm.

Các mã BCC, ACM, VE9, VMI giảm sàn, trong khi PVV, VIG tăng trần.

Tương tự 2 sàn niêm yết, sắc đỏ cũng bao trùm sàn UPCoM. Tuy nhiên, khác với 2 sàn này khi đều giảm mạnh hơn ở đợt khớp ATC, thì UPCoM lại hồi nhẹ và hãm bớt đà giảm.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm(-0,29%) xuống 52,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 6,44 triệu đơn vị, giá trị 121,34 tỷ đồng, giảm 15,37% về khối lượng và 16,4% về giá trị so với phiên 30/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,4 triệu đơn vị, giá trị 91,47 tỷ đồng, trong đó mã VCW thỏa thuận 1,2 triệu đơn vị, giá trị 45,95 tỷ đồng.

Đi ngược với các mã ngân hàng trên thị trường, VIB phiên này tăng điểm, song thanh khoản vẫn khá yếu. Các cổ phiếu LTG, MCH, MIG, SDI, CTR, SSN… cũng tăng điểm.

Ngược lại, các mã như LPB, DVN, ART, HVN, QNS, GEX, MSR, VKD… đều giảm điểm. LPB khớp lệnh dẫn đầu UPCoM với 0,998 triệu đơn vị được khớp. DVN đứng thứ 2 với 0,502  triệu đơn vị.

Thị trường chứng khoán phái sinh phiên 31/10 có 19.803 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.651,45 tỷ đồng, tăng 26,3% về khối lượng và 25,8% về giá trị so với phiên 30/10.