Thị trường đã có một tháng 6 “thăng hoa” với mức tăng gần 40 điểm và liên tiếp lập đỉnh 10 năm, thanh khoản cũng tăng mạnh khi dòng tiền lớn được duy trì.

Đặc biệt, trong 4 phiên gần đây nhất, dù dòng tiền có dấu hiệu suy yếu, nhưng với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính, chứng khoán, thị trường đều có được sắc xanh, đưa VN-Index test mốc đỉnh 780 điểm.

Sau chuỗi ngày giao dịch tích cực, áp lực bán đã gia tăng, trong khi dòng tiền vẫn tỏ ra dè dặt, khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh khá mạnh trong phiên hôm nay (4/7). Nhiều ý kiến cho rằng, những phiên điều chỉnh kiểu này sẽ là những nhịp “nghỉ ngơi” của thị trường trước khi bước vào nhịp tăng mới.

Đóng cửa phiên giao dịch 4/7, với 116 mã tăng và 150 mã giảm, VN-Index giảm 3,34 điểm (-0,43%) xuống 775,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 232,64 triệu đơn vị, giá trị 3.480,41 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 22,48 triệu đơn vị, giá trị 207,7 tỷ đồng. Riêng ITA thỏa thuận 16,84 triệu đơn vị, giá trị 67,34 tỷ đồng, HAG thỏa thuận 2,49 triệu đơn vị, giá trị 22,67 tỷ đồng…

Diễn biến VN-Index phiên 4/7
Diễn biến VN-Index phiên 4/7

Áp lực trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân khiến VN-Index giảm điểm, song chỉ số chỉ giằng co nhẹ cho thấy áp lực nhìn chung là không quá mạnh.

Trong Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn thì có tới 8 mã giảm điểm. Trong đó, BID giảm mạnh 1,9% về 20.300 đồng/CP, qua đó ngắt mạch 4 phiên tăng liên tục, khớp lệnh 3,96 triệu đơn vị,.

Các mã ngân hàng cũng không mã nào tăng. STB khớp 5,3 triệu đơn vị, MBB là 2,8 triệu đơn vị.

Ngược lại, SAB và ROS tăng điểm tốt, góp phần hãm bớt đà giảm của VN-Index. Phiên hôm nay là ngày chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:1 của ROS nên giá cổ phiếu đã được điều chỉnh đạt 81.500 đồng/CP (+0,7%). Với phiên tăng này, ROS đã có chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tiếp, kết phiên khớp lệnh 2,55 triệu đơn vị.

Nhóm VN30 cũng có được sự hồi phục nhẹ cuối phiên, giúp VN-Index không bị tuột mất mốc 775 điểm. Đáng kể là sự tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản của KDC, SSI, KBC, FPT, REE…, trong đó  SSI khớp 3,96 triệu đơn vị và tăng 1,1%, KBC khớp 3,45 triệu đơn vị và tăng 1,9% …

Trong khi nhóm bluechips hoạt động không mấy khả quan, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại giao dịch hết sức, với hàng loạt mã tăng trần như OGC, ITA, CDO, CCL, PPI, JVC, HAR…

Đáng chú ý, OGC bứt lên chiếm vị chí dẫn đầu thanh khoản thị trường với 23,43 triệu đơn vị được sang tên và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. Với mức giá 2.410 đồng/CP, đây là phiên trần thứ 8 liên tiếp của OGC.

Lực cung kém hơn nên ITA đành lùi xuống vị trí thứ 2 với 16,23 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần 2,7 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức 4.230 đồng/CP.

Không có thanh khoản cao, song HAR và PPI có lường dư mua trần lớn hàng triệu đơn vị.

Ngược lại, AMD có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp về 10.650 đồng/CP, khớp lệnh 3,69 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ trong 1 tháng qua, AMD đã giảm từ mức giá gần 24.000 đồng/CP về sát mệnh giá và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Tương tự, QCG cũng có phiên nằm sàn thứ 3 liên tiếp về 23.400 đồng/CP, với lượng dư bán sàn hơn 1,4 triệu đơn vị. Như vậy, trong 3 tháng qua, cổ phiếu QCG đã tăng phi mã từ 5.000 đồng/CP lên tới hơn 29.300 đồng/CP (ngày 26/6), trước khi giảm về mức như hiện nay.

Trong khi đó, HNX-Index lại may mắn có được sắc xanh trong những phút cuối phiên.

Đóng cửa, với 82 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 0,15 điểm (+0,15%) lên 100,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,3 triệu đơn vị, giá trị 602,94 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,36 triệu đơn vị, giá trị 56,4 tỷ đồng. Riêng SHS thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 45,78 tỷ đồng.

Một loạt mã lớn trên sàn này như PVS, PVC, PVI, MAS, SHS, VND, BVS… đã đồng loạt tăng, giúp chỉ số tăng điểm.

Tuy nhiên, tâm điểm trên sàn này cũng chính là các mã thị giá nhỏ như PVX, PVL, PVV, PXA, KSQ… với mức tăng trần, trong đó PVX khớp lệnh đột biến đạt 10,8 triệu đơn vị, trong khi vẫn còn dư mua trần và ATC hơn 12 triệu đơn vị.

SHB dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 11,12 triệu cổ phiếu được sang tên, kết phiên đứng giá tham chiếu 8.000 đồng/CP.

Trên sàn UPCoM, dù đã có sự hồi phục, song chỉ số sàn này chưa thể về được tham chiếu.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,29%) về 57,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,86 triệu đơn vị, giá trị 82,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,9 triệu đơn vị, giá trị 60,3 tỷ đồng. Riêng GEX thỏa thuận 2,75 triệu đơn vị, giá trị 53,1 tỷ đồng.

PFL và TOP là 2 mã khớp lệnh mạnh nhất sàn, lần lượt đạt 1,74 triệu và 1,53 triệu đơn vị, đều tăng điểm, trong đó PFL tăng trần lên 1.900 đồng/CP.