Bên cạnh đó, nỗ lực leo đỉnh bất thành của VN-Index còn bởi sức cầu thị trường tỏ ra quá yếu. Điều này phần nào do chịu ảnh hưởng từ phiên “hút chết” ngày hôm qua, khi lực bán tháo xuất hiện ở nhóm cổ phiếu thép, từ đó lan rộng ra thị trường, các chỉ số tránh được phiên giảm thứ 3 liên tiếp nhờ lực đỡ của một số mã lớn.

Nhìn chung, phiên này ghi nhận sự chuyển biến tương đối tích cực về mặt điểm số, song thanh khoản lại là điểm trừ, khi tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với con số của phiên trước.

Đóng cửa phiên giao dịch 5/10, với 130 mã tăng và 101 mã giảm, VN-Index tăng 2,84 điểm (+0,42%) lên 687,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,298 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.131,58 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 10,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 233 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 4,1 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 20,09 tỷ đồng và 1,396 triệu cổ phiếu GTN, giá trị hơn 25 tỷ đồng.

Tương tự, với 79 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 0,46 điểm (+0,55%) lên 85,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 459,35 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ gần 25 tỷ đồng.

Như đã nêu ở trên, sự tích cực về điểm số thị trường do nhận được sự đồng thuận của đa phần các mã bluechips.

Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu dầu khí với GAS, PVD…, nhóm ngân hàng với VCB, BID, CTG…, hay BVH, SSI, REE, NT2, KDC… đều có được đà tăng tốt, góp phần duy trì sắc xanh của VN-Index.

Trong khi đó, trước áp lực bán ở mức giá cao, một số mã lớn khác đã quay đầu giảm điểm như VNM, VIC, MWG, HPG, HSG. Dù mức giảm không mạnh, song nó khiến VN-Index suy yếu rõ rệt.

HPG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trong các bluechips với 4,99 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, các mã SSI, PVD, DPM, CTG và BID khớp lệnh từ 1-1,6 triệu đơn vị.

Trong khi thanh khoản của nhóm bluechips không tốt, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là các mã đầu cơ có sự cải thiện khá rõ. Điển hình là FLC và KBC. Đây là 2 mã có thanh khoản vượt trội so với phần còn lại.

KBC khớp được 10,64 triệu đơn vị và quay đầu tăng 1,1% lên 18.650 đồng/CP.

Tuy nhiên, FLC ấn tượng hơn với thanh khoản tăng vọt lên 16,18 triệu đơn vị, trong khi phiên sáng chỉ khớp hơn 4 triệu đơn vị, đồng thời điểm số cũng tăng trần lên 5.470 đồng/CP (+6,8%). Có vẻ như sự thăng hoa của FLC phần nào được tiếp sức nhờ “người họ hàng” ROS khi mã này chính thức ghi nhận phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp lên 41.700 đồng/CP, gấp hơn 3 lần so với mức giá chào sàn ngày 1/9 là 12.600 đồng/CP.

Được biết, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC hiện đang là cổ đông lớn nhất của ROS với tỷ lệ sở hữu 65% vốn của ROS. Với lượng cổ phiếu FLC và ROS đang nắm giữ, ông Quyết đang là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt.

Trên HNX, cổ phiếu có họ hàng với FLC và ROS là KLF cũng được kéo lên mức giá trần 2.000 đồng với hơn 0,7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần rất lớn.

Tương tự là cặp cổ phiếu HHS-TCH. Đây là phiên giao dịch đầu tiên của 329 triệu cổ phiếu TCH và cổ phiếu này đã tăng kịch biên độ lên 18.000 đồng/CP, khớp hơn 0,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,71 triệu đơn vị. HHS cũng tăng trần lên 6.460 đồng/CP (+7%) và khớp được 3,55 triệu đơn vị.

Nhiều mã khác cũng có sự chuyển biến tốt về giá hay thanh khoản như HHS, ITA, GTN, FIT, HBC, DLG, BHS… Riêng OGC vẫn đo sàn ở mức giá 1.230 đồng/CP, khớp lệnh 4,71 triệu đơn vị, trong khi còn dư bán sàn 1,53 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, cổ phiếu HKB chính là điểm sáng khi đã tăng trần lên 9.900 đồng/CP, với 5,95 triệu đơn vị khớp lệnh, cao nhất sàn, trong khi vẫn còn dư mua giá trần và ATC hơn 2 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó là HUT, SHB, SCR khi cùng khớp trên 2 triệu đơn vị, còn PVS khớp 1,89 triệu đơn vị. Các mã đều tăng khá tốt, góp phần duy trì sắc xanh của HNX-Index.

PVX cũng có thanh khoản cao, hơn 3,65 triệu đơn vị được khớp, nhưng vẫn giậm chân tại mốc tham chiếu 2.500 đồng/CP.