Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Phiên 5/3: Nhà đầu tư choáng váng với "cú đánh lịch sử"
Trần Lê - 05/03/2018 15:54
 
Thị trường giao dịch giật cục trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi lực cầu và cung thay nhau chiếm ưu thế. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra trong đợt ATC khi lực cung ồ ạt tung ra khiến cả 2 sàn lao dốc.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 5/3
Diễn biến VN-Index phiên ngày 5/3

Trong phiên giao dịch sáng, dòng tiền chảy mạnh ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch đã giúp VN-Index nhảy vọt lên vùng đỉnh cũ 1.130 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn đang là vùng kháng cự mạnh của VN-Index, nên chỉ số này 2 lần bị đẩy lại và đóng cửa chỉ còn mức tăng khiêm tốn. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản tăng cao.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường lại tiếp tục có những đợt co giật mạnh. Ngay đầu phiên, VN-Index bị đẩy xuống sát 1.120 điểm, nhưng sau đó nhanh chóng được kéo vọt qua 1.132 điểm. Sau khoảng 15 phút đi ngang ở mức 1.130 điểm, lực cung một lần nữa xuất hiện mạnh, đẩy chỉ số này lùi hẳn xuống dưới tham chiếu.

Tuy nhiên, nỗi lo không chỉ dừng lại ở đó, mà xảy ra trong đợt ATC. Trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, lệnh mua, bán được giấu khá kỹ, khiến nhiều nhà đầu tư không thể biết trước được “cú đánh lịch sử” đang diễn ra.

Lực cung giá thấp ồ ạt được tung mạnh ra trong đợt khớp lệnh này kéo hàng loạt mã lao dốc, đóng cửa ở mức sàn, trong đó có nhiều mã bluechip như HPG, SSI, VRE, BID, VND, HCM, BSI.

Với đà giảm của các mã trên, VN-Index có cú lao dốc mạnh, mất hơn 27 điểm khi đóng cửa phiên hôm nay.

Cụ thể, chốt phiên đầu tuần mới, VN-Index giảm 27,73 điểm (-2,47%), xuống 1.093,48 điểm với 125 mã tăng và 173 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 277,68 triệu đơn vị, giá trị 9.749,49 tỷ đồng, tăng 32,18% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,89 triệu đơn vị, giá trị 1.827,96 tỷ đồng.

Một trong các mã đáng chú ý trong chiều nay là HPG khi bị nhà đầu tư bán tháo mạnh, dù nỗ lực thoát khỏi mức sàn, nhưng cú bồi thêm trong đợt ATC khiến mã này đóng cửa ở mức sàn 61.700 đồng với khối lượng khớp lệnh kỷ lục 18,96 triệu đơn vị và còn dư bán sàn. Phiên hôm nay, HPG bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh với gần 3,15 triệu đơn vị.

Về mặt kỹ thuật, biểu đồ kỹ thuật của HPG báo một thân nến đỏ dài là một tín hiệu kỹ thuật xấu cho các phiên tới. Câu chuyện của cổ phiếu HPG hết margin tại SSI đã có từ tuần trước và hôm nay không có bất cứ tin tức giải thích thêm, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Trước đó, HPG cho biết, 3 ngày sau kỳ nghỉ Tết (21-23/2/2018), thép xây dựng Hòa Phát đã tiêu thụ gần 50.000 tấn, bao gồm 15.000 tấn thép xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế nhập khẩu thép vào thị trường này ở mức 25% và nhôm 10% từ tuần này.

Ngoài HPG, nhiều mã lớn khác cũng đồng loạt giảm sàn như VRE giảm về mức sàn 51.400 đồng với 4,79 triệu đơn vị được khớp, BID đóng cửa ở mức 35.200 đồng với 2,6 triệu đơn vị được khớp. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu chứng khoán với những cái tên như SSI, HCM, VDN, BSI cũng đồng loạt đóng cửa với sắc xanh mắt mèo. Trong đó, SSI khớp 8,9 triệu đơn vị, VND khớp 2 triệu đơn vị, HCM khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Trong Top 10 mã có vốn hóa lớn, ngoại trừ VNM có mức tăng khá 1,56%, lên 202.400 đồng, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VCB, CTG dù thoát mức sàn, nhưng cũng giảm mạnh 5,29% và 6,73% đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 94.000 đồng và 35.200 đồng. Ngoài ra, VPB, MBB cũng đảo chiều giảm mạnh 5,49% và 4,97%, EIB giảm 3,32%, STB giảm 4,78%, xuống 14.950 đồng với 17,43 triệu đơn vị được khớp. Giảm ít nhất trong nhóm ngân hàng trên sàn HOSE là HDB khi chỉ mất 1,26%, xuống 43.000 đồng với 2,58 triệu đơn vị được khớp.

Sắc tím của IDI, TCH cũng đã không còn, trong khi HBC, VHG, TLD, ANV, NVT, LHG lại duy trì đà tăng trần tốt.

Trên HNX, đà lao dốc mạnh của ACB cũng kéo HNX-Index lao theo và cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Cụ thể, HNX-Index giảm 2,74 điểm (-2,14%), xuống 125,51 điểm. Tổng khối lượng khớp đạt 65,24 triệu đơn vị, giá trị 1.230,75 tỷ đồng, tăng hơn 27% cả giá trị và khối lượng so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,78 triệu đơn vị, giá trị 56,3 tỷ đồng.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất trên sàn HNX, đa số chìm trong sắc đỏ (4 mã), chỉ có PVI và NTP tăng, VPI và DL1 đứng ở tham chiếu.

Trong đó, ACB đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 44.000 đồng, giảm 5,38% với 6,17 triệu đơn vị được khớp. SHB cũng giảm 0,79%, xuống 12.600 đồng với 19,82 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu sàn HNX.

Xen giữa 2 mã ngân hàng này là PVS với 9,1 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 1,6%, xuống 24.600 đồng. Ngoài ra, VCG giảm 3,82%, xuống 25.200 đồng (mức thấp nhất ngày), VGC giảm 2,94%, xuống 23.100 đồng (mức thấp nhất ngày), VCS giảm 3% xuống 226.000 đồng…

Trong khi đó, cũng lao mạnh cuối phiên, nhưng UPCoM-Index lại may mắn giữ được sắc xanh.

Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,45%), lên 60,44 điểm với 14,31 triệu đơn vị, giá trị 336,21 tỷ đồng được khớp. Giá trị giao dịch có thêm 0,44 triệu đơn vị, giá trị 10 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn UPCoM với 4 triệu đơn vị,đóng cửa giảm 5,2%, xuống 31.000 đồng (giá trung bình 31.400 đồng, giảm 4%).

Ba mã có thanh khoản tốt tiếp theo là LPB, HVN và VIB với 2,25 triệu đơn vị, 1,52 triệu đơn vị và 1,5 triệu đơn vị. Trong đó, chỉ có VIB đóng cửa với sắc xanh nhạt, còn lại đều giảm.

Vụ án 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà: Đề nghị triệu tập nhiều đơn vị thi công VC1, VC2, VC3, VC6...
Sáng 5/3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Hoàng Thế Trung và các đồng phạm trong vụ án 18 lần vỡ đường ống nước sông Đà.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư