Dù hụt mất ngưỡng 860 điểm trong đợt khớp lệnh ATC, nhưng VN-Index vẫn có phiên thăng hoa và có mức điểm đóng cửa ở mức kỷ lục mới trong hơn 9 năm.

Dù không có yếu tố đột biến từ giao dịch thỏa thuận như phiên sáng qua, nhưng phiên hôm nay chứng kiến dòng tiền hoạt động khá sôi động. Nếu trừ đi giao dịch thỏa thuận, thì thanh khoản trong phiên khớp lệnh hôm nay tăng mạnh so 2 phiên trước đó.

Kết phiên, VN-Index tăng 9,37 điểm (+1,1%) lên 859,7 điểm với thanh khoản tích cực đạt 171,68 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 5.098,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,38 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.169 tỷ đồng, trong đó riêng MSN thỏa thuận 6,79 triệu đơn vị, giá trị hơn 412 tỷ đồng; TRA thỏa thuận hơn 0,96 triệu đơn vị, giá trị 128,13 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 8/11
Diễn biến VN-Index phiên 8/11

Bộ đôi SAB và ROS đã tạo màn co giật mạnh về cuối phiên, là tác nhân chính hãm đà bùng nổ của thị trường. Trong đó, sau khi bứt mạnh và được kéo lên mức 298.900 đồng/CP, tăng 4,84%, cổ phiếu SAB đã đột ngột lao về dưới mốc tham chiếu và giảm 1,3%, đóng cửa tại mức giá 281.500 đồng.

Trong khi đó, ROS dù dần hồi phục và tiếp cận mốc tham chiếu nhưng cũng bất ngờ rơi về sát mức giá sàn 186.900 đồng/CP, giảm 6,8%.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là những ngôi sao trong phiên hôm nay khi hầu hết đều bứt mạnh. Cụ thể, VCB tăng 2,71% lên mức 43.600 đồng/CP; BID tăng 4,16% và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 23.800 đồng/CP, CTG tăng 2,05% lên mức 19.900 đồng/CP, MBB tăng 2,37% lên mức 23.800 đồng/CP, VPB tăng 1,8% lên mức 40.200 đồng/CP.

Đây cũng là nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường với các mã đều khớp vài triệu đơn vị, trong đó MBB duy trì vị trí vua thanh khoản với 8,31 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM cũng đã có phiên giao dịch bùng nổ. Với mức tăng 1,5%, VNM đóng cửa tại mức giá 160.200 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh tích cực đạt 2,43 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng đua nhau khoe sắc như VIC tăng 5,6% và đóng cửa tại mức cao nhất ngày 65.500 đồng/CP, GAS tăng 2,5% lên mức 76.600 đồng/CP, VJC tăng 2,4% lên mức 116.200 đồng/CP, PLX tăng 1,6% lên mức 56.900 đồng/CP.

Trên sàn HNX, dù có chút rung lắc đầu phiên nhưng chỉ số sàn đã nhanh chóng đi lên khá vững vàng nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip và đóng cửa tại mức cao nhất ngày.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,91 điểm (+0,87%) lên 105,74 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 38,5 triệu đơn vị, giá trị 451,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,54 triệu đơn vị, giá trị 65,11 tỷ đồng, trong đó PCT thỏa thuận 3,7 triệu đơn vị, giá trị 33,3 tỷ đồng và VGC thỏa thuận 1,2 triệu đơn vị, giá trị 26,91 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 có tới 17 mã tăng, chỉ 8 mã giảm và 5 mã đứng giá, chỉ số HNX30-Index tăng 1,96 điểm (+1%) lên 197,54 điểm.

Cổ phiếu ACB đã bứt mạnh về cuối phiên với mức tăng 1,9% và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 31.400 đồng/CP với khối lượng khớp 1,34 triệu đơn vị. Còn SHB giữ mức tăng 1,28% lên mức 7.900 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu sàn HNX đạt 7,13 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng nới rộng biên độ tăng, hỗ trợ tốt cho thị trường đi lên như CEO tăng hơn 5,6% lên mức 11.300 đồng/CP và khớp 4,68 triệu đơn vị; VCG tăng 1,39% lên mức 21.900 đồng/CP và khớp 2,05 triệu đơn vị; VCS tăng 1,51% lên mức 227.900 đồng/CP, TV2 tăng 1,27% lên mức 167.000 đồng/CP…

Trên sàn UPCoM, trái với diễn biến khởi sắc ở 2 sàn chính, chỉ số trên sàn này tiếp tục rơi trong phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,42%) xuống 52,94 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,39 triệu đơn vị, giá trị 152,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,69 triệu đơn vị, giá trị 88,11 tỷ đồng, trong đó IBC thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 40,8 tỷ đồng và GEX thỏa thuận hơn 1,2 triệu đơn vị, giá trị 25,98 tỷ đồng.

Hòa cùng không khí bùng nổ của dòng bank, cổ phiếu LPB đã hồi phục sau 8 phiên liên tiếp giao dịch thiếu tích cực với mức tăng 3,2% và đóng cửa tại mức giá 12.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch tiếp tục dẫn đầu toàn sàn UPCoM, đạt 3,42 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã lớn khá như GEX, HVN, DVN, LTG, TLT… tiếp tục mất điểm.

Đứng sau LPB về thanh khoản là DDV và GEX có khối lượng giao dịch lần lượt đạt 622.400 đơn vị và 530.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, phiên hôm nay có 20.367 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.733,97 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,19% về lượng và 1,7% về giá trị so với phiên trước.