Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phiên 8/12: VCG "đo sàn", dư bán 6,58 triệu đơn vị
 
Sau 3 phiên điều chỉnh mạnh, thị trường đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, sức ép vẫn chưa qua khi lực bán tại một số bluechip vẫn đang khá mạnh.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 8/12
Diễn biến VN-Index phiên ngày 8/12

Sau 3 phiên liên tiếp đón nhận áp lực bán chốt lời mạnh và giảm sâu, nhiều mã lớn đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trong phiên sáng cuối tuần ngày 8/12. Cùng với đó, lực cung giá thấp trên diện rộng cũng được tiết chế giúp sắc xanh có phần lan tỏa hơn trên thị trường, giúp VN-Index vượt qua mốc tham chiếu thành công.

Tuy nhiên, theo nhận định của SSI, yếu tố định giá của chứng khoán Việt Nam không còn hấp dẫn khi sau phiên giảm điểm ngày 7/12, đã đưa mức định giá P/E của VN-Index tại 18.4x.

Theo SSI, thị trường sẽ khó tăng đồng thuận trước khi xem xét mức độ phản ánh kết quả kinh doanh quý IV vào định giá. Các lựa chọn đầu tư mới chỉ nên hướng đến các nhóm cổ phiếu có định giá thấp và nhìn thấy triển vọng tăng trưởng rõ ràng trong quý IV…

Với những đánh giá và phân tích trên cùng tâm lý thận trọng lo ngại rủi ro sau chuỗi ngày dài tăng nóng khiến thị trường có phần hạ nhiệt hơn khi bước vào phiên giao dịch chiều.

Mặc dù các mã trong nhóm VN30 vẫn đóng vai trò là điểm tựa chính dẫn dắt thị trường nhưng đà tăng đã có phần hãm mạnh so với phiên sáng; bên cạnh đó, áp lực bán đã có dấu hiệu gia tăng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khiến nhiều mã đảo chiều giảm điểm, là những nguyên nhân khiến độ rộng thị trường bị thu hẹp.

Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index tăng 1,51 điểm (+0,16%) lên 940,16 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 197,62 triệu đơn vị, giá trị 5.189,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,52 triệu đơn vị, giá trị 1.584,36 tỷ đồng.

Trong đó, một số mã giao dịch thỏa thuận lớn như NVL với 2,82 triệu đơn vị, giá trị 169,78 tỷ đồng; STG thỏa thuận 5,85 triệu đơn vị, giá trị 125,6 tỷ đồng; VIC thỏa thuận 5,55 triệu đơn vị, giá trị 399,74 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 118,5 tỷ đồng; VNM thỏa thuận 1,57 triệu đơn vị, giá trị gần 298 tỷ đồng.

Trái lại, trên sàn HNX tiếp tục suy giảm do sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip. Kết phiên, HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,63%) xuống 113,81 điểm với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 598 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 117,37 tỷ đồng.

“Ông lớn” VNM tiếp tục bật cao ngay đầu phiên chiều nhưng sau khi vượt qua mức giá 193.000 đồng/CP, lực bán xuất hiện khiến cổ phiếu này hạ độ cao. Đóng cửa, VNM chỉ còn tăng 1,1% lên mức 188.100 đồng/CP với khối lượng khớp 839.440 đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã trụ cột khác như GAS, VJC, BVH cũng hạ độ cao, phần nào tác động khiến VN-Index thu hẹp đà tăng điểm.

Một điểm đáng tích cực là mã lớn đầu ngành bất động sản VIC đã có phiên hồi phục tích cực trong 3 phiên suy giảm. Với mức tăng 1,4%, VIC kết phiên tại mức giá 73.000 đồng/CP và khớp 1,77 triệu đơn vị.

Trái với sự khởi sắc của VIC, nhiều mã vừa và nhỏ trong nhóm bất động sản lại quay đầu đi xuống do áp lực bán gia tăng như SCR, ASM, DXG, HBC…

Trên sàn HNX, cổ phiếu VCG vẫn diễn biến tiêu cực do áp lực bán ồ ạt dâng cao. Với mức giảm 9,82%, VCG kết phiên tại mức giá sàn 24.800 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 3 triệu đơn vị, dư bán sàn lên tới 6,58 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng nới rộng đà giảm như VGC giảm 3,46% xuống mức 25.100 đồng/CP, PVS giảm 1,6% xuống mức thấp nhất ngày 18.500 đồng/CP, NTP giảm 3,78% xuống mức 73.800 đồng/CP, PVI giảm 3,58% xuống mức 32.300 đồng/CP…

SHB vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản với 9,59 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, tuy nhiên lực bán gia tăng khiến cổ phiếu này đứng không vững và đảo chiều giảm 1,05%.

Trên sàn UPCoM, một số mã lớn vẫn là trụ cột giúp chỉ số sàn duy trì đà tăng khá tốt.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,39%) lên mức 54,47 điểm với tổng khối lượng giao dịch gần 9 triệu đơn vị, giá trị 139,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,29 triệu đơn vị, giá trị 48,18 tỷ đồng.

Cặp đôi MSR và MCH duy trì đà tăng mạnh của phiên sáng và đều đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày, trong đó MSR không có thêm nhiều giao dịch do vắng bóng lực cung và khối lượng giao dịch vẫn là hơn 1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu LPB chính thức đảo chiều thành công sau 3 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng 1,6% và đóng cửa tại mức giá 13.100 đồng/CP, khối lượng giao dịch lớn nhất sàn UPCoM đạt 1,69 triệu đơn vị.

Chứng khoán phái sinh phiên này có 16.751 hợp đồng được giao dịch, giá trị 1.569,44 tỷ đồng, giảm 9,12% so với phiên trước đó.

Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu "vua" duy trì vị thế
Việc các ngân hàng rục rịch lên sàn niêm yết, có kết quả kinh doanh khởi sắc và được nhà đầu tư ngoại săn đón… đã khiến giá cổ phiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư