Nhiều nhà đầu tư bắt sóng từ giai đoạn đầu đã có khoảng lớn khủng với mã này. Tuy nhiên, những nhà đầu tư lao theo sau khi mức giá của HAI ở mức trên 20.000 đồng, nhất là ở mức đỉnh 24.050 đồng trong phiên 9/8 không kịp thoát ra bị thua lỗ nặng.

“Bạo phát, bạo tàn”, leo từ mức 4.070 đồng lên mức đỉnh 24.050 đồng trong 28 phiên, HAI cũng nhanh chóng giảm không phanh sau đó.

Ngay trong phiên 9/8, khi lên mức 24.050 đồng, HAI đã bị chốt lời và đóng cửa ở mức sàn 20.950 đồng và lao một mạch về dưới mệnh giá chỉ trong 19 phiên. Sau đó, cổ phiếu này giao dịch lình xình theo hướng giảm dần xuống 7.080 đồng trong phiên 3/10 trước khi chậm ngòi một đợt sóng mới.

Từ mức 7.080 đồng hôm 3/10, HAI đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp để leo lên mức 8.650 đồng trong phiên cuối tuần qua. Trong phiên sáng nay, HAI mở cửa tăng lên mức 9.000 đồng, sau đó hạ nhiệt dần do áp lực chốt lời gia tăng.

Rút kinh nghiệm từ đợt sóng trước, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, nhiều nhà đầu tư chấp nhận “ăn non”, nên lực chốt lời càng gia tăng mạnh kéo mã này giảm về gần mức sàn 8.100 đồng (mức sàn 8.050 đồng). Tuy nhiên, một số nhà đầu tư không muốn đợt sóng mới của HAI dừng lại sớm, nên lực cầu mạnh cũng được tung vào nửa cuối phiên chiều, kéo HAI lên thẳng mức giá trần 9.250 đồng khi chốt phiên với hơn 8 triệu đơn vị được khớp và còn dưa mua trần tới 6,78 triệu đơn vị. Thanh khoản của HAI đứng sau “người anh” FLC với 13,43 triệu đơn vị.

Trong phiên chiều, FLC lại nới rộng đà tăng trong những phút đầu, sau đó áp lực bán cũng gia tăng, khiến đà tăng của FLC bị hãm lại, chốt phiên đầu tuần chỉ còn tăng 1,49%, lên 7.500 đồng.

Trong các mã có tính thị trường khác FIT, HQC, DLG, KBC, HAR, TSC, QCG đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, FIT thậm chí đầu phiên chiều còn bị kéo xuống mức sàn 7.920 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 8.150 đồng, giảm 4,2%.

Trong khi đó, OGC, “anh em” HAG, HNG, SCR lại có mức tăng nhẹ với thanh khoản cũng không quá mạnh.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, dù đà tăng tiếp tục bị thu hẹp, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đồng loạt giữ được sắc xanh, cùng với sự trở lại của VJC, FPT, MSN, BHN và HPG lên mức cao nhất ngày, cùng với sự vững chắc của ROS, DCM, MWG, giúp VN-Index lấy lại được sắc xanh và đóng cửa trên tham chiếu sau khi bị kéo xuống dưới vạch xuất phát đầu phiên do đà giảm của VNM, GAS, VIC, PLX, PVD…

Chốt phiên, VN-Index tăng 1,16 điểm (+0,14%), lên 808,96 điểmvới 148 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 167,58 triệu đơn vị, giá trị 3.372 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với phiên cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,44 triệu đơn vị, giá trị 752,6 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 9/10
Diễn biến VN-Index phiên 9/10

Tương tự, diễn biến của HNX-Index cũng giống VN-Index, nhưng HNX-Index nhận được sự hỗ trợ của ACB và SHB, nên HNX-Index không dưới dưới tham chiếu.

Chốt phiên đầu tuần, HNX-Index tăng 0,77 điểm (+0,71%), lên 108,75 điểm với 50,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị 617,35 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,5% về lượng và 4,4% về giá trị so với phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận trong phiên này tăng mạnh với 7,6 triệu đơn vị, giá trị 416,3 tỷ đồng do giao dịch tại NTP với 5,3 triệu đơn vị, giá trị 392,57 tỷ đồng trong phiên sáng.

Trong phiên chiều cả ACB và SHB đều giữ được đà tăng như phiên sáng với SHB tăng 2,5%, lên 8.200 đồng, ACB tăng 1,92%, lên 31.900 đồng. Thanh khoản của SHB đạt 16,14 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường, ACB đứng thứ 3 với hơn 3 triệu đơn vị và xen kẽ giữa 2 mã này là KLF với 7,28 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 4,87%.

VCG cũng tăng tốt 1,44%, lên 21.100 đồng với 2,28 triệu đơn vị được khớp. SHB, PVB, PVC, PGS, NVB cũng đóng cửa trong sắc xanh.

Trong phiên chiều nay, CTP bất ngờ tạo sóng khi tăng mạnh lên mức trần 16.500 đồng với tổng khớp đạt 1,28 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần khá lớn.

Trong khi đó, UPCoM-Index may mắn có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa tăng 0,04 điểm (+0,08%), lên 54,14 điểm với 5,33 triệu đơn vị được khớp, giá trị 105,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,84 triệu đơn vị, giá trị 278,6 tỷ đồng.

LPB vẫn giữ được vị trí dẫn đầu về thanh khoản trên sàn này với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và giữ được mức tăng nhẹ 1 bước giá sau 2 phiên giảm liên tiếp khi chào sàn trước đó.

Trong khi đó, từ mức tăng mạnh gần 5,7% trong phiên sáng, ART đảo chiều 180 đô, đóng cửa giảm 5,26%, xuống 23.400 đồng với 656.500 đơn vị được khớp.

GEX và HVN đều về lại mức tham chiếu với 552.400 đơn vị và 495.200 đơn vị được khớp.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, thanh khoản thị trường có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi có 8.383 hợp đồng được giao dịch, giá trị 668,68 tỷ đồng, giảm 8% so với phiên cuối tuần qua.

Phiên cuối tuần qua, thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh cũng giảm hơn 11%.