Sau 2 phiên giảm sâu, VN-Index mở cửa phiên sáng nay với đà hồi phục khá mạnh mẽ nhờ lực cầu bắt đáy sớm được khởi động. Nhóm cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào đà tăng này là ngân hàng và dầu khí, trong đó nhóm dầu khí tăng nổi bật nhờ yếu tố giá dầu tiếp tục tăng.

Dù vậy, trước áp lực bán mạnh tại vùng giá 1.000 điểm, đà tăng của VN-Index gặp nhiều thử thách. Trong phiên, đã 2 lần chỉ số leo lên mức giá này, nhưng cả 2 lần đều nhanh chóng bị đẩy lùi trở lại.

Bước sang phiên chiều, diễn biến có phần kém cực hơn khi lực cầu khá dè dặt, trong khi áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng. Lúc này, nhiều mã lớn bao gồm cả cổ phiếu ngân hàng và dầu khí quay đầu giảm điểm nên đà tăng càng trở nên hạn chế.

Dù vậy, nhờ sự ổn định của một số mã lớn như GAS, VJC, PNJ, MWG..., VN-Index vẫn may mắn giữ được sắc xanh. VN-Index một lần nữa thử thách chinh phục lại ngưỡng 1.000 điểm, nhưng áp lực bán lại gia tăng, trong khi lực cầu dè dặt khiến VN-Index quay về sát mốc tham chiếu trong sự tiếc nuối của nhà đầu tư.

Đóng cửa phiên 9/10, với 127 mã tăng và 161 mã giảm, VN-Index tăng 0,07 điểm (+0,01%) lên 996,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 200,25 triệu đơn vị, giá trị 4.317,05 tỷ đồng, giảm 3% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên 8/10.

Diễn biến VN-Index phiên 9/10
Diễn biến VN-Index phiên 9/10

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,63 triệu đơn vị, giá trị 786 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 3,82 triệu cổ phiếu NVL, giá trị gần 236 tỷ đồng; 4 triệu cổ phiếu VND, giá trị 86 tỷ đồng; 3,8 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 74,1 tỷ đồng...

Áp lực chốt lời mạnh khiến nhiều mã bluechips giảm điểm, trong đó tác động tiêu cực nhất lên chỉ số là VNM (-1,6% về 130.900 đồng), MSN (-2% về 88.000 đồng), DHG (-2,5% về 91.500 đồng), BMP (-2,1% về 66.600 đồng)...

Nhóm ngân hàng chỉ còn 3 mã tăng nhẹ là TCB, BID và VCB, còn lại đều giảm. Trong đó, MBB giảm mạnh nhất 2,9% về 23.500 đồng, khớp lệnh 12,85 triệu đơn vị. STB giảm 2,2% về 13.550 đồng và khớp 19,46 triệu đơn vị. Đây là 2 trong 3 mã thanh khoản cao nhất HOSE.

Tương tự là nhóm cổ phiếu Vingroup khi cả VIC, VHM và VRE đều đứng giá tham chiếu. VHM trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC còn tăng gần 3%. VIC và HVM khớp trên dưới 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, GAS đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung của chỉ số khi tăng 2,4% lên 119.300 đồng, nhưng thanh khoản không cao. PVD tăng 4,4% lên 20.350 đồng và khớp lệnh 2,56 triệu đơn vị.

Ngoài các mã dầu khí, một số mã lớn khác cũng tăng tốt để giúp duy trì sắc xanh cho VN-Index như VJC +1,7% lên 143.000 đồng, PNJ +1,8% lên 108.600 đồng, MWG +1,2% lên 129.500 đồng, NVL +2,2% lên 64.900 đồng...

Dòng tiền phiên này tiếp tục hướng sang nhóm cổ phiếu thị trường, nên nhiều mã có thanh khoản cao, song đa phần đều giảm điểm. FLC khớp 21,8 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE, giảm 5,1% về 5.730 đồng; DLG khớp 4,5 triệu đơn vị và giảm 4,6% về 2.500 đồng; HAG khớp 2,7 triệu đơn vị và giảm 2,2% về 5.650 đồng...

Mã HCD bất ngờ tăng trần lên 11.200 đồng (+6,7%), thanh khoản cũng tăng cao với hơn 1,5 triệu đơn vị được sang tên.

Trên sàn HNX, việc sức cầu suy giảm và áp lực chốt lời gia tăng tại các mã lớn trong phiên chiều khiến sàn này không thể giữ được sắc xanh, bất chấp nhóm dầu khí vẫn tăng tốt.

Đóng cửa, với 84 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 0,09 điểm (-0,07%) xuống 114,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41 triệu đơn vị, giá trị 570,25 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên 8/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,96 triệu đơn vị, giá trị 75,6 tỷ đồng.

Áp lức bán mạnh khiến một loạt các mã trụ giảm điểm như SHB, VCG, VGC, NTP, PVI... giảm điểm. Trong đó, SHB giảm 1,1% về 8.700 đồng và khớp 5,18 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX. VCG giảm 4,6% về 18.800 đồng và khớp 3,45 triệu đơn vị...

ACB cũng lùi về tham chiếu 33.700 đồng và khớp hơn 3 triệu đơn vị. NVB giảm 1,1% về 9.300 đồng và khớp 2,28 triệu đơn vị.

Ngược lại, PVS tăng 2,2% lên 23.200 đồng và khớp 2,96 triệu đơn vị; PVC tăng 2,5% lên 8.200 đồng; VCS tăng 1,8% lên 83.000...

Trên sàn UPCoM, việc nhiều cổ phiếu lớn chịu sức ép khiến đà tăng càng về cuối càng yếu dần. Bù lại, nhờ sức cầu tốt mà sắc xanh may mắn được giữ lại.

Đóng cửa, với 87 mã tăng và 77 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%) lên 53,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,39 triệu đơn vị, giá trị 302 tỷ đồng, tăng 4% về lượng và 20% về giá trị so với phiên 8/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn hơn 13,6 tỷ đồng.

Khác với 2 sàn niêm yết, cổ phiếu dầu khí trên sàn này lại tạo gánh nặng lên chỉ số. Trong đó, BSR giảm 2,1% về 18.800 đồng và khớp 4,54 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. POW giảm 2,6% về 15.200 đồng và khớp 2,14 triệu đơn vị. OIL tuy tăng, nhưng không mạnh,d đạt 0,6% lên 16.400 đồng và khớp gần 0,6 triệu đơn vị.

Nhiều mã lớn khác như DVN, VGI, VIB, ACV, MSR... cũng giảm điểm.

Ngược lại, các mã tăng có QNS, VGT, HVN, VEA, KLB..., trong đó QNS khớp 1,22 triệu đơn vị, tăng 3,7% lên 41.600 đồng.

LPB phiên này đứng giá 10.200 đồng và khớp 1,22 triệu đơn vị.