Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Thẩm tra để cùng Chính phủ tìm giải pháp
Mạnh Bôn - 24/10/2016 08:25
 
Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội không phải là phê phán, đổ lỗi, mà là cùng với Chính phủ tìm ra nguyên nhân của hạn chế, khiếm khuyết, từ đó cùng tìm ra giải pháp, chính sách tháo gỡ, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông có bình luận gì về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của  Ủy ban Kinh tế?

Chính phủ rất thẳng thắn khi chỉ ra những mặt tích cực, kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế. Đối với Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội, chúng tôi thống nhất quan điểm phải đánh giá một cách khách quan, công tâm và trên cơ sở khoa học.

Những mục tiêu nào chưa rõ thì đề nghị Chính phủ giải trình, giải thích rõ ràng, minh bạch; những nội dung nào đồng tình cũng khẳng định luôn là đồng tình, còn chưa đồng tình thì đưa ra quan điểm rõ ràng, dứt khoát.   

.
.

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận xét, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế đã rất thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, thưa ông.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nhậm chức rất thẳng thắn, khi nêu lên thực tế là Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số, nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp… Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội.

Trên tinh thần đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ rất thẳng thắn, thì không cớ gì báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế lại vòng vo, né tránh, nói theo. Tôi xin nhắc lại, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội không phải là phê phán, đổ lỗi, mà là cùng với Chính phủ tìm ra nguyên nhân của hạn chế, khiếm khuyết, từ đó cùng tìm ra giải pháp, chính sách tháo gỡ, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và cả giai đoạn 2016-2020.

Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 6,5%, lý do gì khiến Ủy ban Kinh tế lại cho rằng, rất khó đạt được con số này?

Chính phủ đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng GDP căn cứ vào tình hình thực tế, kinh nghiệm điều hành các năm trước và dự báo khả năng các yếu tố tác động đến GDP trong quý IV, như tốc độ tăng trưởng tín dụng, giải ngân vốn đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, số lượng doanh nghiệp thành lập mới... Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, giả định các yếu tố tác động đến GDP trong quý IV chưa thực sự thuyết phục, vì đây chỉ là định tính, chứ chưa định lượng được, nên đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ thêm. Trên cơ sở này, các đại biểu Quốc hội mới có thêm thông tin, dữ liệu, số liệu để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào cuối tuần.

Còn mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 thì sao, thưa ông?

Mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra, như tôi nói là dựa trên rất nhiều yếu tố khách quan, khoa học và cũng tham khảo, dự báo của nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á... Tuy nhiên, với chức năng giám sát Chính  phủ, hơn nữa, Quốc hội không có bộ máy để phân tích, đánh giá, tập hợp, tổng hợp số liệu như Chính phủ, nên yêu cầu Chính phủ phải chỉ ra dựa trên những cơ sở nào để đưa ra mục tiêu tăng trưởng như vậy.

Tăng trưởng GDP 6,3%, 6,5% hay 6,7%... vô cùng quan trọng, vì GDP tăng thêm hay giảm đi 0,1 điểm phần trăm là nền kinh tế đã tăng thêm hoặc giảm đi hàng chục ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến cân đối rất nhiều chỉ tiêu vĩ mô khác, nên cả Chính phủ và Ủy ban Kinh tế mong muốn cung cấp cho đại biểu Quốc hội bức tranh đa dạng, nhiều chiều khi thảo luận.

Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đều thống nhất nhận định, cổ phần hóa còn rất chậm. Vấn đề là tất cả cơ chế, chính sách đã tương đối đầy đủ, vậy tại sao cổ phần hóa vẫn rất khó khăn?

Các chính sách về thoái vốn, cổ phần hóa đã tương đối đồng bộ, đầy đủ, kể cả giải pháp cho bán dưới mệnh giá, giảm giá bán nếu đấu giá không thành công, bán cả lô..., nhưng cổ phần hóa, bán vốn vẫn rất chậm chạp. Theo tôi, đó là do chúng ta đang bán cái mình có, chứ chưa bán cái thị trường cần. Nếu mạnh dạn bán vốn ở Sabeco, Habeco, Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnam Airlines, Vietcombank, BIDV…, thì chắc chắn cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đã khác nhiều.

Tôi cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2017 cũng như các năm sau, ngoài các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra, thì cần phải mạnh dạn bán vốn, cổ phần hóa tất cả doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Nếu mạnh dạn bán vốn tại những “ông lớn” kể trên sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng thu cho ngân sách nhà nước, thay vì trông chờ vào doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi hơn 86% trong tổng số trên 941.000 doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh thu dưới 100 tỷ đồng/năm) chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước qua thuế thu nhập doanh nghiệp 2.746 tỷ đồng.

"Tôi rất thích thú khi đọc Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020"
Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) sau khi nghiên cứu "Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020" do Bộ trưởng Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư