Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phó cục trưởng Cục Tài chính: Cổ phần hóa, thoái vốn không áp đặt từ trên xuống
Mạnh Bôn - 29/09/2017 07:49
 
Danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn từng năm cho giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ công bố. “Lộ trình CPH, thoái vốn theo 2 danh mục này không phải là sự áp đặt từ trên xuống”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định.

Ông nhận định thế nào về Danh mục CPH giai đoạn 2017 - 2020 theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và Danh mục doanh nghiệp thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1232/QĐ-TTg?

Kế hoạch CPH, thoái vốn cho từng năm trong giai đoạn 2017 - 2020 không hề áp đặt từ trên xuống. Đây cũng không phải là kế hoạch như kiểu nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ngày xưa, tức là cơ quan quản lý nhà nước đặt kế hoạch cụ thể cho từng doanh nghiệp năm nay phải sản xuất ra bao nhiêu mét vải, bao nhiêu cái xe đạp, khai thác bao nhiêu tấn than… mà không cần biết thị trường thế nào.

.
 Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính

Theo Công văn 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn 2017 - 2020 CPH tổng cộng 127 doanh nghiệp, trong đó, năm 2017 sẽ CPH 44 đơn vị, năm 2018 CPH 64 đơn vị, năm 2019 CPH 18 đơn vị và năm 2020 CPH 1 đơn vị còn lại. Còn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2017 - 2020 thoái vốn nhà nước tại 406 doanh nghiệp, trong đó năm 2017 thoái tại 135 đơn vị, năm 2018 thoái tại 181 đơn vị, năm 2019 thoái tại 62 đơn vị và năm 2020 thoái tại 28 đơn vị.

Danh sách doanh nghiệp CPH, thoái vốn, thoái với tỷ lệ tối thiểu bao nhiêu là do bản thân doanh nghiệp tự đăng ký dựa trên thực tế và căn cứ vào thị trường. Trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ công bố Danh mục CPH và Danh mục thoái vốn. Tức là kế hoạch CPH, thoái vốn được đăng ký từ dưới lên, chứ không phải là sự áp đặt từ trên xuống.

CPH, thoái vốn phụ thuộc rất lớn vào thị trường, vào nhà đầu tư. Theo ông, có nhất thiết phải đặt ra kế hoạch rất chi tiết, cụ thể không?

Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng đặt ra mục tiêu, cụ thể về doanh thu, lợi nhuận, chia cổ tức… cho từng năm và kế hoạch 5 năm. Trong điều hành, Quốc hội, Chính phủ cũng đặt ra các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách nhà nước, lạm phát, đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ vốn nhà nước… cho từng năm, cũng như trong trung hạn và kế hoạch 5 năm. Nói chung, trong quản lý, điều hành, bất cứ lĩnh vực gì muốn thực hiện có hiệu quả đều phải có định hướng, kế hoạch, mục tiêu, lộ trình cụ thể.

Năm 2017 phải CPH 44 doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước tại 135 doanh nghiệp. Với kết quả 9 tháng đầu năm, liệu trong năm nay có hoàn thành được mục tiêu đặt ra không, thưa ông?

Trong 9 tháng đầu năm đã thoái được 3.838 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 15.998 tỷ đồng; 34 doanh nghiệp đã phê duyệt phương án CPH, trong đó có 11 đơn vị nằm trong danh sách 44 doanh nghiệp CPH trong năm nay. Tiến độ CPH, thoái vốn thường được tập trung vào quý IV, hiện vẫn còn 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2017, nên không thể kết luận năm nay có hoàn thành mục tiêu hay không.

Doanh nghiệp đã đăng ký CPH, thoái vốn rồi, nhưng thực hiện chiếu lệ, đối phó thì lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tương tự như doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đã được cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý phê duyệt mà không hoàn thành kế hoạch. Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể bị xử lý ngay cả trong trường hợp đã nỗ lực, cố gắng nhưng không hoàn thành mục tiêu vì doanh nghiệp đăng ký lộ trình CPH, thoái vốn không căn cứ vào yếu tố thị trường, lập kế hoạch không sát với thực tế.

Sang năm sẽ CPH 64 doanh nghiệp, thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Mục tiêu này liệu có quá sức?

Chủ trương, định hướng sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trong đó có CPH, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 đã được định hình năm 2016. Năm 2017 tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách như việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; ban hành Quyết định 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020… Định hướng đã được xác định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này được hoàn thiện là cơ sở để tập trung CPH, thoái vốn vào năm 2018.

Tôi tin là năm 2018 sẽ hoàn thành được kế hoạch vì lĩnh vực này hiện rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam là 4.510,8 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm nay có khoảng 3.380 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3.500 triệu USD.

Nhưng với 1,3 - 1,5 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thoái thì ngay cả khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng khó có thể bán hết được, thưa ông?

Trước đây chúng ta nói thoái vốn, CPH nhưng không rõ thoái bao nhiêu, ở doanh nghiệp nào, CPH doanh nghiệp nào, vào thời điểm nào, nên nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà. Bây giờ công bố cụ thể, rõ ràng thoái ở đâu, thoái tối thiểu bao nhiêu, thoái vào thời điểm nào; CPH đơn vị nào, bán cho nhà đầu tư bao nhiêu, khi nào CPH đã rất rõ ràng, minh bạch, cụ thể, nên đã tăng sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Để tạo sức hấp dẫn, tạo lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính vào Việt Nam tại Nhật Bản. Với những động thái này, tôi tin rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ vốn mua cổ phần, vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

[Infographic] Phê duyệt cổ phần hoá 33 doanh nghiệp Nhà nước
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong tám tháng năm 2017, có 33 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, với giá trị thực tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư