Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phố trong mắt người yêu Hà Nội.
Trần Hậu Yên Thế - 22/02/2015 09:27
 
Trong khoảng hơn 15 năm nghiên cứu sưu tầm, người viết “Song xưa phố cũ” đã rong ruổi các ngõ phố Hà Nội để chụp ảnh, ghi chép, phân loại, đo đạc và phỏng vấn gia chủ ở phố xá Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hà Nội đã sẵn sàng cho Lễ hội chùa Hương
Hà Nội thanh bình, sâu lắng sáng mùng 1 Tết
Tết của người Hà Nội đầu thế kỷ XX

Đây cũng là khoảng thời gian chạy đua với những biến đổi khốc liệt của đô thị. Nhiều người bảo Hà Nội đẹp, nhưng không biết đẹp ở đâu, lúc nào và làm thế nào phục dưỡng, làm cơ sở để bảo tồn. Nếu không có đủ dữ liệu phê phán, không có dữ liệu của quá khứ thì chúng ta không thể ngăn chặn những tác động tiêu cực. Đó là câu chuyện rất logic giữa quá khứ và hiện tại.

phố Hà Nội, quy hoạch Hà Nội
 

Sự biến chuyển của Hà Nội từ một đô thị phong kiến cổ sang một thành phố cận và hiện đại của thế kỷ 20 biểu hiện ở nhiều mặt kiến trúc. Bên cạnh khu phố cổ là các khu hành chính, khu phố dân sự mới với những biệt thự và sân vườn, cùng một công nghệ xây dựng mới là các cửa sắt, ban công sắt, gỗ và nhiều trang trí kiến trúc.

Hà Nội là nơi phong cách kiến trúc thuộc địa có cơ hội phát triển. Nói chính xác hơn là phong cách kiến trúc phương Tây ở các nước thuộc địa - nền kiến trúc đòi hỏi nhiều công nghệ - được đem sang thực hiện ở Việt Nam, trong nền văn hóa Việt Nam.

Trang trí kiến trúc sắt rèn, gò vừa có tác dụng làm cổng, cửa và trang hoàng cho ngôi nhà, vừa nói lên ý tưởng sinh sống của chủ nhân với những mô-típ theo kiểu phương Đông hay phương Tây, đã ghi những dấu ấn thẩm mỹ đặc sắc lên bộ mặt đô thị Hà Nội.

Có lẽ cũng không quá lâu để những người thợ tài hoa Hà thành làm chủ những kỹ thuật ấy. Tôi có thể đinh ninh rằng, đại đa số những cánh cổng hoa sắt của các dinh thự lớn ở Hà Nội là do bàn tay người Việt dựng nên. Những chấn song hoa sắt trên tường rào, ban công, cửa đi, cửa sổ, ô gió đã tạo nên cho Hà Nội vẻ cổ điển, tài hoa và lịch lãm.

Kiến trúc Hà Nội ngày nay đã thay đổi nhiều, mà đặc điểm rõ nhất là tỷ lệ giữa đặc và rỗng. Độ đặc ngày càng lấp dần những khoảng trống của Hà Nội. Ký ức của trẻ con hiện không có bờ ao, không nghe tiếng lá rụng ngoài sân vườn. Vì vậy, nhà văn Ma Văn Kháng có viết “Mùa lá rụng trong vườn”, nhưng những nhà văn thế hệ sau này sẽ rất ít có được những áng văn như vậy.

Người Hà Nội có hai không gian là ký ức của Hà Nội trước đây và không gian từ chiêm nghiệm, chứng kiến những thay đổi. Rõ ràng, cái được có lẽ ít hơn những cái mất đi. Những cái mất đi đơn giản là gốc cây, mảnh ao, yếu tố quan trọng tạo ra phố làng, phố vườn. Trước kia, Hà Nội cũng có phố chợ như phố cổ, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ của Hà Nội. Còn hiện giờ, phố chợ đã được nhân rộng, tràn lan, trở thành trào lưu nhà sát mặt phố.

Đây là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa mất kiểm soát. Thời Pháp có quy định rất cứng là, nhà diện tích bao nhiêu thì mới được đua ban công và việc đua ban công ra phố bị đánh thuế. Nhưng hiện nhiều phố hầu như nhà nào cũng đua ban công ra ngoài, lấn chiếm khoảng thở của không gian.

Quy hoạch Hà Nội đã có định độ cao, nhưng chuyện ngoại lệ xảy ra ngày càng nhiều. Những khu phố cổ Hà Nội được quy định phải giữ nguyên hoặc xây thấp, song có những “gai mít” xuất hiện, do một số nhà xin được giấy phép hay thế nào đó lại xây cao hơn. Phố Hàng Gai là ví dụ điển hình cho quy hoạch mất kiểm soát.

Trong khi đó, khu phố cổ, ngoài tính thương mại, phải là nơi mang dấu ấn văn hóa. Nhưng Hà Nội không có đời sống cộng đồng như Hội An để đủ làm nơi giữ chân du khách chiêm nghiệm văn hóa, khám phá đời sống thực của những con người nơi phố cổ. Cuộc sống xáo trộn, nhà cổ nhưng người không cổ, nhà cổ nhưng chỉ có tầng 2, tầng 3 là cổ, do tầng 1 đã bị biến đổi cấu trúc để kinh doanh thương mại. Rõ ràng, du khách mong muốn trải nghiệm đời sống văn hóa, nhưng với kết cấu không đồng nhất của phố cổ Hà Nội, rất khó để đưa du lịch đến với cộng đồng.

Trước kia, tại những khu bán hàng là phố chợ, trên mỗi cửa hiệu trước cửa nhà, chủ nhà viết bằng xi măng tên của mình. Nhưng hiện mặt tiền được cho thuê, không còn là gương mặt của chủ nhân ngôi nhà và cái đó mang tính thời vụ, bởi mặt tiền luôn thay đổi. Thực tế này khiến ta có cảm giác hiện ở Hà Nội phố nào cũng buôn bán, có cảm giác toàn thành phố là phố chợ.

Hà Nội đang có nguy cơ thay đổi cuốn theo thương mại hóa toàn cầu. Ký ức con người phụ thuộc vào mức độ thương mại, thương hiệu lớn. Trước kia, mặt phố là mặt người thì nay, mặt phố là mặt tiền.

Hà Nội đang dấn sâu vào toàn cầu hóa, nhưng đồng thời mất đi phần địa phương hóa. Mặc dù mạng lưới bán buôn, bán lẻ phủ khắp Thành phố, nhưng mạng lưới toàn cầu này không liên quan đến sản xuất của địa phương. Ví dụ, hàng Đào trước kia chủ yếu bán những sản phẩm tơ, lụa, nhưng hiện ở phố này, tỷ lệ sản phẩm nội địa rất ít.

Những câu chuyện nhỏ nhưng đằng sau đó là biến đổi lớn của Hà Nội, một phần khác là biến đổi số phận con người. Thông điệp giá trị tinh hoa của Hà Nội, nếu nhìn nhận, soi xét thì không còn nhiều, đôi khi thấy mong manh. Nhiều nhà văn hóa đã nhắc đến, nếu văn hóa yếu sẽ bị toàn cầu hóa bóp chết.

Hà Nội như một thành phố đang tìm hướng đi cho chính mình, nhưng ít nhất và trước hết, nên nhìn nhận lại xem chúng ta có cái gì, cần giữ lại cái gì. Nếu không rõ điều đó thì sẽ mất mát nhiều, trong khi chúng ta chưa tìm ra mình sẽ làm gì thì phải kiểm lại xem đã có cái gì.

Phố xá Hà Nội giờ đã thay đổi nhiều, biển hàng, biển hiệu xanh đỏ che kín mặt tiền. Ngay cả những nét kiến trúc cổ của Hà Nội như sắt thép tưởng thật chắc bền, nhưng trong cơn lốc thương mại hóa vỉa hè, mặt tiền thành tiền mặt, cũng thật mong manh. Và cách chúng ta ngắm phố cũng khác, ngắm phố với tốc độ trung bình 35 km/h, trong tiếng còi, tiếng rẹt bô xe máy.

Nhưng Hà Nội vẫn ẩn dấu vẻ lịch lãm và sang trọng, dẫu rằng Thành phố nhộn nhạo và ồn ào như một bến xe. Đằng sau vẻ đẹp tài hoa đó là phẩm giá, là tâm hồn Hà Nội, là một chút hương thầm, sắc ẩn còn vương lại, dẫu rằng nó bất chợt thoảng qua, rất khó nhận ra trong tiếng ồn và mùi khói từ thập cẩm các phương tiện giao thông và biển hiệu quảng cáo hôm nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư