Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Phụ nữ Việt Nam: Tự hào và áp lực vượt qua những giới hạn
- 08/03/2017 08:31
 
Hôm qua (7/3), 100 gương mặt nữ tiêu biểu trong mọi ngành nghề đã được vinh danh trong Chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam, nhiều người trong đó là doanh nhân. Trước đó vài ngày, 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 cũng được Tạp chí Forbes Việt Nam tôn vinh, 20 trong số đó là những doanh nhân tên tuổi.
TIN LIÊN QUAN

Họ xứng đáng bởi những đóng góp bền bỉ và thiết thực cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Họ xứng đáng bởi đó là những người phụ nữ mạnh mẽ, sáng tạo, những người dám đi đầu, làm khác. Họ đang làm nên những thay đổi căn bản trong tư duy và hành động trong bối cảnh vẫn còn các tiêu chí mang tính định hướng về sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo.

.
.

Hơn chục năm trước, sẽ không dễ lựa chọn những gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu. Khi đó, xã hội vẫn nặng về quan niệm rằng, phụ nữ thường kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu là vun vén cho gia đình, chứ không phải là một nghề, một sự nghiệp kinh doanh với khát khao làm giàu, thành công và thành danh.

Thậm chí, việc lựa chọn phụ nữ vào vị trí lãnh đạo thường gặp khó khăn bởi những định kiến về khả năng lãnh đạo, những áp đặt về giới trong phân công công việc...

Nhưng sự thành công của các doanh nhân như bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG; bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk; bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Sovico Holding, Tổng giám đốc Vietjet Air; bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH... và rất nhiều tên tuổi khác đã làm thay đổi nhiều định kiến. Sự xuất hiện của những gương mặt nữ trong các vị trí lãnh đạo dần trở nên... bình thường.

Thậm chí, khát vọng vươn lên, bứt phá mọi giới hạn, định kiến đã khiến những thành công của phụ nữ trong kinh doanh được trân trọng hơn, có tác động ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới cộng đồng xã hội, nhất là các thế hệ phụ nữ. Nhiều nữ doanh nhân trẻ đang bước chân vào kinh doanh với niềm tin và sức mạnh nội tại mạnh mẽ.

Vẫn phải nhắc lại, cách đây 6 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới. Theo đó, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Như vậy, theo mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP, đến năm 2020, ước tính Việt Nam sẽ có ít nhất 350.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Chính phủ đang thể hiện nỗ lực và cam kết sẽ tiếp tục quan tâm và tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Rõ ràng, cơ hội cho doanh nhân nữ đang mở ra, rộng hơn, rõ nét hơn. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, khi vẫn còn những tiêu chí riêng về giới trong kế hoạch phát triển doanh nghiệp, thì phụ nữ Việt Nam nói chung, doanh nhân nữ nói riêng sẽ phải vượt qua nhiều thách thức với khát vọng lập nghiệp. Song chắc chắn rằng, tên tuổi cụ thể của những phụ nữ có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng, được xã hội ghi nhận sẽ ngày càng nhiều, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội sẽ ngày càng tăng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư