Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Quá nhiều giấy phép trong Dự thảo Luật quản lý ngoại thương
Mạnh Bôn - 14/09/2016 14:51
 
Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương nếu được thông qua sẽ "đẻ" ra trên 10 loại giấy phép các loại, đồng nghĩa với việc hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.

Mục tiêu xây dựng Luật quản lý ngoại thương là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi; góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển hoạt động xuất-nhập khẩu (XNK).  

Tuy nhiên, sáng nay, (ngày 14/9/206) cho ý kiến vào Dự thảo Luật ngoại thương, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các mục tiêu kể trên khó có thể đạt được.

Năm 2016, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 355 tỷ USD với khoảng 8,3-8,4 triệu lô hàng. “Hiện tại chúng ta kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá 36% các lô hàng XNK, gấp 4-5 lần thông lệ quốc tế, nhưng kết quả kiểm tra chỉ mới tương đương 0,8% tổng kim ngạch XNK. Luật quản lý ngoại thương phải đưa ra cơ chế, nguyên tắc kiểm tra hàng hóa XNK để giảm số lượng lô hàng phải kiểm tra xuống, tối đa chỉ còn 15-16% theo tinh thần của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP sau đó xuống bằng với thông lệ quốc tế là chỉ kiểm tra 5-6% lô hàng XNK nhưng kiểm soát được 5-8% tổng kịm ngạch XNK ”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn gợi ý.   

Theo ông Tuấn, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên kiểm tra hàng hóa XNK liên quan đến quốc phòng, an ninh; gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự xã hội; nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học do Chính phủ quy định cụ thể chứ không nên kiểm tra quá nhiều loại hàng hóa XNK. Vì kiểm tra tất cả các loại hàng hóa XNK sẽ không đạt mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi; góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển xuất khẩu.

“Trên 92% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là dành cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu. Trong số doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc rất lớn. Vì vậy, quản lý ngoại thương nên quản lý theo rủi ro, tức là chỉ tập trung kiểm tra đối với những doanh nghiệp có “tiền sử” không chấp hành pháp luật, những loại hàng hóa dễ gian lận thay vì kiểm tra tất cả doanh nghiệp và đủ mọi loại hàng hóa như hiện nay”, ông Tuấn đề nghị.

Hàng loạt mặt hàng nông sản (thường xuyên bị kiểm tra) của Việt Nam khi xuất khẩu như thanh long, vú sữa, tôm, cá tra, vải… các nước xuất khẩu đến tận nơi sản xuất ở Việt Nam để kiểm tra chất lượng. Nếu đạt tiêu chuẩn họ cấp giấy phép đủ điều kiện có giá trị trong vòng 24 tháng. Trong thời gian này, khi hàng Việt Nam xuất khẩu vào nước họ sẽ không bị kiểm tra nữa. “Tại sao ta không làm theo cách này mà mặt hàng nào nhập khẩu cũng bị kiểm tra, vừa mất thời gian, công sức, nhân lực, hiệu quả thấp lại vừa gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Nhìn tổng thể Dự thảo Luật quản lý ngoại thương, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thấy chỉ nặng về quản lý, trao cho Bộ Công thương quá nhiều quyền, đặc biệt là việc cấp giấy phép XNK cho doanh nghiệp, trong khi không thấy vai trò của hiệp hội ngành hàng.

Từ trước đến nay Bộ Công thương quản lý rất chặt chẽ các loại giấy phép, nhưng theo ông Bình hoạt động XNK diễn ra rất lộn xộn, doanh nghiệp cạnh tranh mua hàng nông sản từ hạt gạo, con tôm, con cá… đến hạt điều, hạt tiêu, cà phê. Cạnh tranh thu mua trong nước, cạnh tranh xuất khẩu khiến nông sản Việt Nam bị dìm giá, không có thương hiệu và hậu quả là doanh nghiệp bị thiệt hại, người sản xuất bị thiệt hại.

Bộ Công thương quản lý cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu rất chặt chẽ, nhưng thương nhân Trung Quốc nhảy vào thu mua hàng nông sản với doanh nghiệp nội địa cũng không quản lý nổi, đó là chưa kể tới việc thương nhân Trung Quốc mua rễ hồ tiêu, dừa non, lá điều khô… cũng không quản lý nổi. “Nguyên nhân chính là vai trò của hiệp hội ngành hàng bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp không được đề cao”, ông Bình nói.

Đếm “sơ sơ” trong Dự thảo Luật quản lý ngoại thương, ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội phát hiện có trên 10 loại giấy phép các loại. Giấy phép đồng nghĩa với hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được hiến định. Vì vậy, theo ông Hiển phải rà soát lại, nếu không Luật quản lý ngoại thương sẽ trở thành lực cản phát triển sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Vừa có chuyến công tác một số nước vùng Trung Á, ông Phan Xuân Dũng kể, đại diện tham tán thương mại ở nhiều nước cho biết, có rất nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, nước nhập khẩu không yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép, nhưng không hiểu sao, cơ quan quản lý nhà nước lại vẫn bắt doanh nghiệp xuất khẩu phải có giấy phép chẳng khác nào tự mình làm khó mình.

“Có lẽ mình chỉ tập trung kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, còn hàng hóa xuất khẩu thì để thị trường nhập khẩu kiểm soát, mình kiểm soát cả hàng hóa xuất khẩu lẫn nhập khẩu thì chẳng khác gì mua giây buộc mình”, ông Dũng phát biểu.

Salbutamol là chất dùng để bào chế thuốc chữa hen xuyễn và một số bệnh khác trong y học nhưng đồng thời cũng là chất tạo lạc trong chăn nuôi.

Lấy ví dụ hoạt động nhập khẩu salbutamol trong thời gian gần đây: cho nhập rồi cấm rồi lại cho nhập, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi Luật quản lý ngoại thương sẽ quản lý hoạt động nhập khẩu salbutamol thế nào vì chất này có ích cho ngành y nhưng lại có hại cho ngành nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

“Luật phải quy định cụ thể, minh bạch mới bảo đảm quyền tự do kinh doanh đồng thời bảo vệ được sức khỏe của người dân, thúc đẩy ngoại thương, thúc đẩy sản xuất trong nước chứ không thể nay cấm, mai bỏ rồi thích thì lại cấm”, bà Hải nhấn mạnh.

Cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư