Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quan chức cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam họp bàn thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển
Anh Minh - 31/10/2016 15:09
 
Ngày mai (1/11), tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông sẽ diễn ra Hội nghị Quan chức cấp cao (SOM) lần thứ 11 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam).
Hội nghị Tiểu ban kinh tế lần thứ 9 Khu vực Tam giác phát triển CVL
Hội nghị Tiểu ban kinh tế lần thứ 9 Khu vực Tam giác phát triển CVL

Theo kế hoạch, tại Hội nghị này, Trưởng SOM ba nước CLV sẽ đánh giá tình hình hợp tác giữa ba nước kể từ Hội nghị cấp cao lần thứ 8 năm 2014 và Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 10 năm 2015; bản sửa đổi Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2020.

Đoàn đại biểu SOM Việt Nam sẽ do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thế Phương làm trưởng đoàn.

Trong chương trình nghị sự dự kiến, đoàn Việt Nam sẽ xin ý kiến của phía Lào, Campuchia đối với dự thảo Kế hoạch hành động kết nối 3 nền kinh tế trong khu vực, đồng thời thống nhất 15 dự án (mỗi nước 5 dự án) kêu gọi tài trợ của Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Châu Á để trình Hội nghị cấp cao lần thứ 9 tổ chức tại Vương quốc Campuchia vào cuối năm 2016.

Cần phải nói thêm rằng, tại Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 8 diễn ra tại Vientiane (tháng 11/2014), theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí với việc ba nước sẽ bắt đầu tiến trình xây dựng đề án để kết nối ba nền kinh tế.

Theo đó, trong bối cảnh các nước ASEAN đang nỗ lực trở thành một Cộng đồng chung vào cuối năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ba nước cần nâng cấp và mở rộng khuôn khổ hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào và Việt Nam hiện nay thông qua tăng cường kết nối ba nền kinh tế trong nhiều lĩnh vực như đường không, đường bộ, đường sông, truyền tải điện. Đi cùng với kết nối về viễn thông, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế, đào tạo, nông nghiệp và thủy lợi.

Ngay trước thềm Hội nghị SOM lần thứ 11, sáng nay (31/10), tại Đắk Nông – một trong 13 tỉnh trong tam giác phát triển CLV đã diễn ra Hội nghị 4 tiểu ban: An ninh – Quốc phòng; Kinh tế; Xã hội – môi trường địa phương.

Tại Hội nghị tiểu ban Kinh tế - một trong những trụ cột chính yếu trong hợp tác Khu vực CLV, các đại biểu 3 nước đã dành thời gian để đánh giá việc triển khai những cam kết của 3 Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao năm 2014 trên lĩnh vực kinh tế, nhìn nhận những thành tựu, tìm ra những khó khăn, thách thức, từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục và phương hướng hợp tác trong thời gian tới  tại 13 tỉnh trong Khu vực.

Theo ông Trần Nhật Thành – Trưởng tiểu ban kinh tế Việt Nam,  Khu vực tam giác phát triển CLV đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cơ cấu kinh tế của khu vực chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ

Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng nhất là trong lĩnh vực giao thông, cấp điện. Nhiều công trình thuỷ điện lớn được đầu tư xây dựng...

Các  tuyến trục giao thông quan trọng trong khu vực đã được nâng cấp, mở rộng như Quốc lộ 14C giai đoạn 2, Quốc lộ 14 (đi trùng đường Hồ Chí Minh), tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng nền, mặt đường, riêng đoạn nối với tuyến đường 76 (Campuchia) dài 65km, vốn đầu tư 480 tỷ đồng, hiện đang được đưa vào Kế hoạch 2016 - 2020 của tỉnh Đắk Nông để triển khai.

Hiện tại 5 tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển CLV của Việt Nam thu hút 203 dự án từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 1,63 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào khu vực TGPT CLV của Lào và Campuchia 109 dự án với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 3,842 tỷ USD (48 dự án đầu tư nằm trong khu vực tam giác CLV thuộc Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 1,55 tỉ đô la Mỹ; 61 dự án đầu tư vào khu vực tam giác CLV thuộc Lào với tổng vốn đầu tư Việt Nam là 2,29 tỉ đô la Mỹ). Các dự án của Việt Nam tập trung vào một số lĩnh vực như nông nghiệp, trồng và khai thác cao su, khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng....

Tuy nhiên, bên cạnh những kết qủa của khu vực đã đạt được trong thời gian qua, các bên cũng nhận thấy rằng những kết quả này vẫn khiêm tốn và hạn chế, chưa tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực và rút ngắn khoảng cách về phát triển so với bình quân của mỗi nước.

“Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung tích cực hơn nữa để tiếp tục phát huy các thế mạnh của mỗi bên cho hợp tác phát triển, trong đó tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của phía Campuchia và Lào là đất đai,  khoáng sản, tiềm năng thủy điện và tiếp cận nguồn nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ trong một số ngành và lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến... của Việt Nam. Tiếp tục lựa chọn các lĩnh vực để hợp tác cách thiết thực, hiệu quả, các bên cùng có lợi”, ông Thành đề xuất.

Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là một khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của Tam giác Phát triển này bao gồm 13 tỉnh, đó là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié ở miền Đông Campuchia, Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam.

Hiện thực hóa tiềm năng khu vực Tam giác phát triển CLV
Diễn đàn Đối tác phát triển khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư