Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Quản lý vốn nhà nước phải khác
Bảo Duy - 06/01/2018 08:51
 
Ngay trong quý I/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải hoàn tất Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đầu việc đã được ghi rõ tại Nghị quyết 01/2018/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, nhưng cũng dựa trên đề xuất của Bộ này, khi Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Bộ Chính trị thông qua. Bởi, với trách nhiệm thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là khi lại quản lý phần lớn giá trị tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, thì Ủy ban này không thể là một cơ quan quan lý nhà nước thông thường.

.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao xây dựng Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hiện đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước hiện trên 1,3 triệu tỷ đồng.

Nếu tính cả giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, thì tổng giá trị tài sản có thể lên tới 5 triệu tỷ đồng.

Ngay cả khi các con số này giảm mạnh theo tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Chính phủ đang đẩy mạnh, thì đến năm 2020 và những năm tiếp theo, tổng giá trị vốn nhà nước trong doanh nghiệp vẫn rất lớn. Nguyên do là nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn thuộc diện nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài.

Chức năng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của cơ quan này không chỉ là kinh doanh vốn nhà nước và thu lợi tức, mà quan trọng hơn, là chức năng đảm bảo cho vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng được xác định cho nguồn lực nói trên. Đó là hoạt động hiệu quả, thực hiện đầu tư để tạo đòn bẩy, thu hút các nguồn lực khác tham gia phát triển kinh tế - xã hội… Như vậy, cơ quan này sẽ có chức năng thiên về quản lý kinh doanh hơn là quản lý hành chính nhà nước, đòi hỏi phải có đủ nguồn lực, năng lực để vận hành cơ chế và công cụ quản lý của lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính.

Thực tế cho thấy, cơ chế khuyến khích hiện nay của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không phù hợp với mô hình cần đội ngũ cán bộ có năng lực, có phẩm chất phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù. Cơ chế quản lý, giám sát các dòng vốn nhà nước cũng phải được hoàn thiện trên cơ sở hệ thống thông tin trực tuyến cập nhật thường xuyên, liên tục, kịp thời giữa cơ quan chuyên trách và doanh nghiệp về các chỉ tiêu tài chính, sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, kèm trách nhiệm giải trình cụ thể. Hơn thế, cũng phải có yêu cầu kiểm kê, rà soát, đánh giá toàn bộ giá trị tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp giao cơ quan chuyên trách quản lý. Đây là đặc điểm, song cũng chính là những điểm yếu của việc chia chủ sở hữu cho nhiều cơ quan như trước, khiến rất khó xác định rõ tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn nhà nước trong thời gian qua.

Hiện tại, khi những lấn cấn về việc có hay không một mô hình mới trong những cơ quan đảm trách nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đã được giải tỏa, thì thông tin được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, chờ đợi nhất chính là mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của cơ quan này sẽ như thế nào. Chính mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của cơ quan mới sẽ cho thấy cách thức mới trong quản lý vốn nhà nước.

2018 - năm bản lề cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
Năm 2018 được đánh giá là năm bản lề trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. “Với những diễn biến trong năm 2017, hy vọng năm 2018, tiến trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư