Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Quảng Nam muốn phát triển công nghiệp hàng không
Hà Nguyễn - 02/07/2013 07:44
 
UBND tỉnh Quảng Nam đang muốn đẩy nhanh việc xúc tiến đầu tư Dự án Trung tâm Dịch vụ duy tu bảo dưỡng và sửa chữa máy bay tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Trung tuần tháng 5 vừa qua, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương cho Quảng Nam xúc tiến đầu tư.
TIN LIÊN QUAN

Theo kế hoạch, Dự án được xây dựng với quy mô khoảng 600 ha, thuộc diện tích Khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai. Dự án cũng đã được tỉnh Quảng Nam xác định là dự án trọng điểm, ưu tiên kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai giai đoạn 2013 - 2015, và có tính khả thi cao, nhằm phục vụ nhu cầu đang có xu hướng tăng mạnh của thị trường thế giới nói chung, khu vực Đông Á và Đông Nam Á nói riêng.

Công ty Parsons Brinckerhoff tại Việt Nam đã chính thức ký kết Hợp đồng với Vietnam Airlines về nghiên cứu tính khả thi Sân bay Chu Lai

“Dự án sẽ là đòn bẩy kéo theo một chuỗi các dự án công nghiệp, du lịch và dịch vụ khác đi kèm”, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định.

Được biết, thời gian qua, để xúc tiến đầu tư Dự án, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với một số doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, như Tập đoàn Fedex tại Đông Dương, Công ty CDM International, Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) về tính khả thi của Dự án.

Theo ông Lê Phước Thanh, thì Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cũng đánh giá cao ý tưởng của Quảng Nam về việc hình thành dự án này; đồng thời sẽ tập trung kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín và kinh nghiệm đầu tư vào dự án khi được Chính phủ Việt Nam cho phép.

Cùng với Dự án Trung tâm Dịch vụ duy tu và bảo dưỡng máy bay, Quảng Nam cũng đang muốn đầu tư Dự án mở rộng Sân bay Chu Lai. Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được phát triển thành cảng hàng không trung chuyển hàng hóa quốc tế trong khu vực. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, nhu cầu vốn đầu tư của Chu Lai dự kiến khoảng 1 tỷ USD.

Hiện nay, Công ty Parsons Brinckerhoff tại Việt Nam đã chính thức ký kết Hợp đồng với Vietnam Airlines về nghiên cứu tính khả thi Sân bay Chu Lai. Dự kiến, nghiên cứu này sẽ hoàn thành vào quý III/2013.

Để xúc tiến hai dự án, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cấp vốn để đầu tư nâng cấp Sân bay Chu Lai đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay hạng nặng như Airbus, Boeing; đồng thời cho chủ trương bổ sung quy hoạch và tìm nguồn vốn ODA để đầu tư Trung tâm Dịch vụ duy tu bảo dưỡng và sửa chữa máy bay Chu Lai.

Tại Việt Nam, hiện mới có nhà máy của Mitsubishi (Nhật Bản) chuyên sản xuất linh kiện máy bay, đặt tại KCN Thăng Long (Hà Nội). Mới đây, Công ty Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (Korean Aerospace Industries) cũng đã tới Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội đầu tư một nhà máy sản xuất linh kiện máy bay Airbus.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư