Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ngãi nỗ lực lấp khoảng trống hạ tầng du lịch
Minh Hà - 10/08/2016 19:26
 
Quảng Ngãi đang nỗ lực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng du lịch để khai thác hiệu quả ngành “công nghiệp không khói” này.

Lộ diện những nhà đầu tư chiến lược

Mường Thanh hiện có 2 dự án đã đầu tư và sắp triển khai là Tổ hợp Trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao Mường Thanh tại TP. Quảng Ngãi (vốn đầu tư 450 tỷ đồng). Trước đó, Dự án Khách sạn Mường Thanh Lý Sơn (vốn đầu tư 250 tỷ đồng) đã xây dựng xong, đang đi vào khai thác.

Huyện đảo Lý Sơn, điểm sáng đầu tư phát triển du lịch của Quảng Ngãi.
Huyện đảo Lý Sơn, điểm sáng đầu tư phát triển du lịch của Quảng Ngãi.

Cùng với đó, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã khảo sát đầu tư du lịch đảo Lý Sơn; Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam đang khảo sát các dự án khu nghỉ mát, resort, văn phòng thương mại, nhà ở tại Quảng Ngãi...

Song hành với du lịch, lĩnh vực dịch vụ đang có nhu cầu rất lớn, vì vậy mà nhiều nhà đầu tư đang hướng đến để đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều tiềm năng này tại Quảng Ngãi.

Sân bay Chu Lai nằm tại KKT Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), đã hỗ trợ rất nhiều cho việc đi lại từ Quảng Ngãi về 2 trung tâm kinh tế phía Bắc và phía Nam, cũng như đưa nguồn khách du lịch đáng kể đến với Quảng Ngãi.

Nhằm đánh thức tiềm năng từ sân bay này, phục vụ phát triển các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, có một số nhà đầu tư chiến lược đang lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng, trong đó có Thiên Tân Group Quảng Ngãi, Vietjet Air...

Theo ông Nguyễn Cao Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, việc thu hút các nhà đầu tư lớn trong thời gian qua là kết quả của quá trình đổi mới cách quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư và nhất là tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Hòn ngọc Lý Sơn chờ thắp sáng

Quảng Ngãi đang sở hữu một tiềm năng du lịch, lợi thế so sánh, sự khác biệt so với nhiều địa phương miền Trung, đó là đảo Lý Sơn. Hòn đảo cách đất liền khoảng 30 km, có diện tích hơn 9 km2, hơn 2 vạn dân sinh sống và ẩn chứa trong mình những trầm tích văn hóa từ hàng trăm năm nay, đang chờ được những nhà hoạch định chiến lược với những dự án quy mô, tầm cỡ đánh thức để phát huy hiệu quả thật sự.

Những con số biết nói về các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch trên hòn đảo ngọc những năm gần đây đã chứng minh cho một thương hiệu du lịch. Năm 2015, có hơn 45.000 lượt du khách, trong đó, 562 lượt khách quốc tế đã đến hòn đảo, doanh thu từ du lịch trên hòn đảo ngọc này đạt 546 tỷ đồng.

Theo ước tính, đến năm 2020, Lý Sơn sẽ có hơn 80.000 lượt khách du lịch, trong số đó hơn 1.000 lượt khách quốc tế, doanh thu sẽ đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Để biến những con số này thành giá trị hiện hữu, thực thụ, Quảng Ngãi đang thận trọng triển khai những kế hoạch bước đầu. Điều đầu tiên là bắt tay quy hoạch chung đảo Lý Sơn cho các mục tiêu phát triển, tầm nhìn và hiệu quả sau đầu tư.

Việc này đã được tỉnh Quảng Ngãi giao cho Tập đoàn Nikken (Nhật Bản) và Thiên Tân Group Quảng Ngãi đảm nhiệm. Việc quy khảo sát hiện trạng, đo đạc với những phác thảo sơ bộ đang được tiến hành khẩn trương. Theo tiến độ công việc đề ra, đến tháng 10/2016, việc quy hoạch sẽ được hoàn thành và công bố trước người dân và các nhà đầu tư. Từ đây, sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn cho mình hướng đầu tư thuận lợi nhằm tìm kiếm nhanh nhất lợi nhuận từ “hòn ngọc” giữa đại dương này mang lại.

“Việc quy hoạch Lý Sơn bài bản sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước. Từ đây, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn hạn chế và xử lý những trường hợp tự phát, đầu tư manh mún, phá vỡ cảnh quan, kiến trúc và không gian Lý Sơn để tập trung vào mục tiêu chung khai thác hiệu quả thế mạnh từ Lý Sơn mang lại ”, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển Lý Sơn, ông Trần Văn Minh cho biết.

Từ quy hoạch chung đó, dựa trên những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù từ cuối năm 2014 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tỉnh Quảng Ngãi có thể tự tin phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015 - 2020 mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh và lựa chọn nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế để phát triển Lý Sơn và không gian xung quanh..

Cơ chế ưu tiên đặc biệt cho Lý Sơn đã có, vấn đề là kêu gọi nhà đầu tư, tìm nguồn vốn để đẩy nhanh những ý tưởng của chính quyền, của nhà đầu tư thành những dự án triển khai trong thực tế, tạo nguồn thu cho Quảng Ngãi và giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Xác định mục tiêu đó, giai đoạn 2016 - 2020, trong số gần 20 dự án xác định kêu gọi đầu tư, có đến 1/2 thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ mà Quảng Ngãi kêu gọi.

Bên cạnh đó, trước nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch, nhưng việc đáp ứng từ nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, Quảng Ngãi đã xác định 4 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để bộ này xem xét cho Quảng Ngãi được sử dụng vốn từ nguồn ODA để kích cầu du lịch, với tổng mức đầu tư 32 triệu USD. 4 dự án này bao gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch Mỹ Khê; Đầu tư hạ  tầng du lịch huyện Lý Sơn; Đầu tư hạ tầng Khu du lịch văn hóa Thiên Ấn; Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch vào Khu du lịch văn hóa Sa Huỳnh.

Xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Trong những nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới, quy hoạch và xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo du lịch mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Theo quy hoạch, phát triển huyện đảo Lý Sơn theo hướng trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, văn minh, một điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Quảng Ngãi và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vào năm 2020. Để khai thác hòn ngọc biển Đông này, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các ngành chức năng triển khai Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên biển, xây dựng cảng Bến Đình, lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận đảo Lý Sơn là di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, khu vực Lý Sơn - Bình Châu là công viên địa chất toàn cầu. Quãng Ngãi cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng đảo Lý Sơn trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch
Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch và tuyến đường bộ gắn với các khu, điểm du lịch ngày càng hoàn thiện; các tuyến đường thủy được đầu tư, đổi mới về phương tiện, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại và tham quan của khách du lịch. Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong nhiệm kỳ tới, cần tập trung huy động nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương và đặc biệt vốn doanh nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đầu tư các cơ sở vật chất cung cấp dịch vụ du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, địa phương (Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Lý Sơn); trong đó chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án của Tập đoàn Vingroup, Saigontourist, Tập đoàn Mường Thanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung xây dựng Lý Sơn trở thành điểm đến nổi trội của tỉnh, là hạt nhân để thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển mạnh trong giai đoạn 2015 - 2020 và thực sự trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020 theo hướng đảo du lịch xanh, sinh thái. Cùng với đó, phải phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm gắn với tài nguyên về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc trưng của tỉnh.

Quảng Ngãi rộng cửa đón nhà đầu tư
Quảng Ngãi đang rộng cửa chào đón nhà đầu tư. Bên cạnh Khu kinh tế Dung Quất diện tích hơn 45.000 ha, thì Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư